Tổ chức phi chính phủ Oceana mới công bố một nghiên cứu hôm 2/6, cho thấy hàng nghìn tàu cá đã đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển Argentina từ tháng 1/2018 đến tháng 4/2021, tờ Guardian đưa tin.
“Trong khoảng 3 năm rưỡi, hơn 6.000 tàu cá đã trở nên ‘vô hình’ khi tắt các thiết bị điện tử, hay còn gọi là Hệ thống Nhận diện Tự động (AIS)”, nghiên cứu này cho biết. “Những con tàu đã ‘ẩn mình’ trong hơn 600.000 giờ”.
Hình ảnh con kênh Beagle tại Argentina. Ảnh: Getty. |
Nhà sinh thái học Marla Valentine tại tổ chức Oceana bình luận: “Thật đáng ngờ khi họ tắt AIS trong phần lớn thời gian ra khơi đánh cá”.
“Các sinh vật biển trị giá hàng tỷ USD đang bị đánh bắt khỏi hệ sinh thái. Điều này có thể ảnh hưởng lâu dài đến chu kỳ sinh sản của chúng”, bà Valentine cho biết.
Nghiên cứu cho rằng 66% các tàu vi phạm là tàu câu mực có gắn cờ Trung Quốc. Song các tàu cá của Tây Ban Nha tắt AIS nhiều gấp 3 lần so với đội tàu Trung Quốc.
Argentina có thị trường đánh bắt mực biển lớn nhất thế giới, với giá trị thương mại gần 4 tỷ USD vào năm 2016. Mực của nước này được cho là “quan trọng với nền kinh tế toàn cầu, nền an ninh lương thực và tiềm năng của đại dương”, nghiên cứu cho biết.
Hàng năm, tàu thuyền quốc tế thường chen chúc dọc theo ranh giới Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Argentina để khai thác hải sản. Việc nhiều tàu nước ngoài xuất hiện đã gây ra một vài cuộc đụng độ với lực lượng hải cảnh Argentina.