Các quan chức thuộc Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ hôm 28/5 ra quyết định như trên sau cuộc điều tra kéo dài một năm, họ phát hiện có dấu hiệu cưỡng bức lao động trên 32 tàu mà công ty TNHH Dalian Ocean Fishing sở hữu hoặc điều hành.
Các hành vi cưỡng bức lao động bao gồm bạo hành người lao động, khấu trừ lương và hạn chế các phong trào phản đối. Hầu hết công nhân trên các tàu này là người Indonesia, theo Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ.
Lệnh cấm nói trên có hiệu lực với các mặt hàng cá ngừ, cá kiếm và các loại hải sản khác do các tàu của công ty này đánh bắt.
Lệnh cấm cũng áp dụng cho các thành phẩm như cá ngừ đóng hộp và thức ăn cho vật nuôi có chứa nguyên liệu do đội tàu này cung cấp, theo Washington Post.
Các công nhân hàng hải Indonesia tham gia biểu tình vào tháng 12/2020 trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Jakarta, với cáo buộc các tàu cá Trung Quốc cưỡng bức lao động các thành viên thủy thủ đoàn Indonesia. Ảnh: AFP. |
"Các công ty bóc lột công nhân của họ không có chỗ làm ăn ở Mỹ”, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro N. Mayorkas - người giám sát Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ - tuyên bố hôm 28/5.
“Các sản phẩm được sản xuất từ lao động bị cưỡng bức không chỉ bóc lột họ, mà còn gây tổn hại đến các doanh nghiệp Mỹ và khiến người tiêu dùng phải mua hàng phi đạo đức”, ông Mayorkas nói thêm.
Trả lời báo giới, vị bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ ước tính rằng trên toàn cầu, các lao động bị cưỡng bức tạo ra số lợi nhuận bất chính lên tới 150 tỷ USD mỗi năm.
Đây là lần đầu tiên Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ ban hành một lệnh như vậy. Theo đó, các nhân viên biên phòng sẽ tạm giữ các sản phẩm của toàn bộ đội tàu được đưa đến biên giới, chứ không chỉ nhằm vào riêng một tàu đơn lẻ nào.
Dalian Ocean Fishing có trụ sở tại thành phố cảng Đại Liên, gần biên giới của Trung Quốc với Triều Tiên.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế - một cơ quan của Liên Hợp Quốc - khoảng 25 triệu công nhân bị mắc kẹt trong tình cảnh bị cưỡng bức lao động trên toàn thế giới.