Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tàu TQ trang bị súng xâm nhập vùng biển tranh chấp với Nhật

Nhật Bản tố 3 tàu hải cảnh Trung Quốc ngày 6/4 đi vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) khu vực 11 thành phố Naha, tỉnh Okinawa phát hiện 3 tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư vào lúc 10h10. Một trong 3 tàu dường như được trang bị nhiều khẩu súng.

Một tàu tuần tra Nhật Bản sau đó phát cảnh báo yêu cầu các tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực, theo Kyodo News.

Từ đầu năm 2016, đây là lần thứ 9 tàu Trung Quốc bị phát hiện đi vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu ngư mà Tokyo và Bắc Kinh đang tranh chấp.

tau Trung Quoc xam nhap Senkaku/Dieu Ngu anh 1
Vị trí quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư là đối tượng tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh nhiều năm qua. Đồ họa: Daily Mail

Hồi tháng 1, tàu vũ trang Trung Quốc liên tiếp áp sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản tuyên bố sẽ đáp trả mọi hành động xâm phạm của tàu hải quân Trung Quốc ở vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, bằng cách điều tàu tuần tra của Lực lượng Phòng vệ (SDF) tại khu vực này. Các tàu SDF sẽ yêu cầu tàu hải quân Trung Quốc rời đi  nếu nó đi vào khu vực cách quần đảo 22 km (13,7 hải lý). Tokyo đã thông báo với Bắc Kinh về ý định này.

Quần đảo Senkaku hay còn gọi là Điếu Ngư là một nhóm đảo không người do Nhật Bản kiểm soát ở biển Hoa Đông. Các đảo nằm về phía đông của Trung Quốc, phía bắc vùng lãnh thổ Đài Loan, phía tây đảo Okinawa và ở phía bắc cực tây nam của quần đảo Ryukyu. Quần đảo gồm có 5 đảo không có người ở và 3 bãi đá trơ giữa biển, kích thước từ 800 m2 đến 4,32 km2.

Tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc về quần đảo Senkaku/Điều Ngư khiến mối quan hệ giữa hai nước xấu đi. Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Tokyo thực sự bùng phát khi chính phủ Nhật Bản quyết định mua 3 hòn đảo thuộc đảo Senkaku/Điếu Ngư vào tháng 4/2012. Trung Quốc ngay lập tức tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo. Quan hệ hai nước chưa từng hạ nhiệt xung quanh vấn đề này.

Và cũng từ năm 2012 đến nay, các tàu của Trung Quốc thường đến gần khu vực tranh chấp - động thái khiến Nhật Bản lo ngại Bắc Kinh có thể đang leo thang các hành động tại biển Hoa Đông.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm