Tàu thăm dò sao Hỏa có thể bị bão bụi 'xóa sổ'?
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, họ đang để mắt chặt chẽ đến một cơn bão bụi khổng lồ trên sao Hỏa đã tạo ra nhiều biến đổi khí quyển của hành tinh này.
Một cơn bão bụi khổng lồ đang tạo ra nhiều thay đổi đối với khí quyển sao Hỏa. |
Đây là lần đầu tiên kể từ những năm 1970 NASA theo dõi một hiện tượng như vậy từ cả vệ tinh lẫn một trạm thời tiết trên bề mặt sao Hỏa.
“Đây là một cơn bão bụi khu vực. Nó đã bao phủ một vùng rộng lớn với những đám mây bụi khổng lồ. Nó hình thành và tác động ở nơi mà trước đây các cơn bão khu vực cũng đã phát triển và bao trùm toàn bộ hành tinh”, ông Rich Zurek, người đứng đầu nhóm các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về sao Hỏa cho biết.
“Một trong những điều chúng tôi muốn tìm hiểu là tại sao một số cơn bão bụi trên sao Hỏa lại chỉ lớn đến một kích thước nhất định, trong khi đó, nhiều cơn bão bụi khác lại không ngừng phát triển, rồi bao phủ toàn bộ hành tinh Đỏ”, ông Zurek nói thêm.
Cơn bão bụi hiện cách robot tự hành Opportunity (Cơ hội) khoảng 1.350 km được phóng lên sao Hỏa từ năm 2004. Nếu tiếp tục lan rộng, nó có thể gây ra ảnh hưởng khó lường đối với robot Opportunity vì hiện nay robot này hoạt động dựa vào việc hấp thụ năng lượng mặt trời.
“Cơn bão bụi sẽ gây ra tình trạng bụi rơi phủ lên trên bề mặt các tấm pin mặt trời của robot Opportunity, làm giảm khả năng hấp thụ nhiệt để chuyển hóa thành năng lượng đảm bảo cho hoạt động hàng ngày của nó”, các nhà khoa học NASA cho biết thêm.
Trong khi đó, tàu thăm dò sao Hỏa Curiosity vừa được phóng lên hành tinh Đỏ vào ngày 6/8 vừa qua có thể sẽ ít chịu ảnh hưởng từ cơn bão hơn vì nhận năng lượng từ máy phát nhiệt điện đồng vị phóng xạ thay vì các tấm pin mặt trời. NASA đã phải chi tới 2,5 tỷ USD vào dự án tàu thăm dò sao Hỏa Curiosity. Curiosity được phóng lên hành tinh Đỏ và sẽ ở lại đây trong vòng hai năm với nhiệm vụ tìm kiếm sự sống và các điều kiện hỗ trợ sự sống trên sao Hỏa.
Phương Đăng
Theo Infonet