Hải quân Mỹ cho biết ngày 4/4, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã tiến vào Biển Đông. Đây là đợt triển khai thứ hai ở Biển Đông trong năm 2021.
“Thật tuyệt vời khi được trở lại Biển Đông để trấn an các đồng minh và đối tác của chúng tôi rằng chúng tôi cam kết bảo vệ tự do trên biển. Với việc triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay đến khu vực, chúng tôi đã thể hiện cam kết của mình đối với trật tự dựa trên quy tắc và luật pháp quốc tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", chuẩn đô đốc Doug Verissimo, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, nói.
"Chúng tôi mong muốn được tiếp tục ra khơi với tất cả những ai có chung tầm nhìn về an ninh, ổn định ở một trong những khu vực quan trọng nhất thế giới”, ông nói.
Một tiêm kích F/A-18 E/F Super Hornet chuẩn bị hạ cánh trên tàu sân bay USS Theodore. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Trong quá trình làm nhiệm vụ ở Biển Đông, nhóm tác chiến tàu sân bay Roosevelt sẽ tổ chức các đợt tập trận tấn công trên biển, tác chiến chống tàu ngầm và huấn luyện chiến thuật phối hợp.
“Chúng tôi rất tự hào về sự chăm chỉ và chuyên nghiệp của thủy thủ đoàn trong đợt triển khai lần này. Sự bền bỉ và sức mạnh chiến đấu của các thủy thủ chứng minh cho quyết tâm của chúng tôi trong việc duy trì các vùng biển tự do và thịnh vượng”, Eric Anduze, hạm trưởng tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, nói.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt được hộ tống bởi tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG 52), lớp Ticonderoga, tàu khu trục USS Russell (DDG 59), lớp Arleigh Burke.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Roosevelt trở lại Biển Đông trong bối cảnh tàu Trung Quốc gia tăng hoạt động trong khu vực.
Ngày 20/3, Philippines cho biết họ phát hiện khoảng 220 tàu Trung Quốc neo đậu ở rạn san hô đá Ba Đầu từ ngày 7/3. Đá Ba Đầu là rạn san hô có hình dạng chữ V, thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, chủ quyền Việt Nam.
Không lâu sau đó, Philippines cho biết họ phát hiện 3 tàu tên lửa tấn công nhanh của Trung Quốc neo đậu trái phép tại đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.