Dù hàng trăm “tàu cá” Trung Quốc đang neo đậu tại khu vực quanh đá Ba Đầu có rất nhiều sự tương đồng với lực lượng dân quân biển vũ trang (PAFMM) của nước này, giới chức Trung Quốc vẫn phủ nhận thông tin và trả lời vòng vo. Đá Ba Đầu nằm trong cụm Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila, Philippines ngày 22/3 ra thông báo một mực khẳng định “không có dân quân biển hoạt động như cáo buộc”.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng tàu cá Trung Quốc từ trước đến nay vẫn khai thác tài nguyên trên vùng biển quanh đá Ba Đầu.
“Gần đây, vì tình hình biển, một số tàu cá đã lánh đến gần khu vực để tránh gió. Đây là chuyện bình thường thôi”, bà nói.
Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.
Trong bài viết đăng trên Foreign Policy hôm 29/3, các chuyên gia Andrew Erickson và Ryan Martinson của Đại học Hải chiến Mỹ chứng minh rằng những tuyên bố từ phía Trung Quốc đều không đúng sự thật. Dữ liệu cho thấy ít nhất 7 tàu thuộc PAFMM đang hoạt động trong cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa, bao gồm cả khu vực quanh đá Ba Đầu trong tháng qua và nhiều lần trong năm qua.
Cả vào tháng 2 và tháng 3, tàu PAFMM đều được phát hiện phát tín hiệu nhận diện tự động (AIS) ở khu vực đầm phá của đá Ba Đầu.
Một trong các tàu thuộc đội "tàu cá" Phàm Trình 9, đến từ tỉnh Quảng Đông đang hiện diện ở cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: gshi.cn |
Đội tàu cá từ Quảng Đông
Trong đội “tàu cá” đang tập trung ở cụm Sinh Tồn, ít nhất 7 tàu cá lưới cào cỡ lớn cùng do một công ty đánh bắt hải sản sở hữu: Taishan Fancheng (Ngư nghiệp Đài Sơn Phàm Trình).
Công ty được đăng ký thành lập vào tháng 10/2016, đặt trụ sở tại thành phố Đài Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Công ty lại thuộc quản lý của thành phố cảng Giang Môn, thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Thông tin công khai về Ngư nghiệp Phàm Trình khẳng định công ty nhờ có vị trí ở vùng duyên hải đông dân và trù phú sẽ hỗ trợ một đơn vị mang tính tiên phong của Trung Quốc. Theo Erickson và Martinson, tàu của Ngư nghiệp Đài Sơn Phàm Trình có thể là đơn vị dân quân biển hiện đại nhất từng được Trung Quốc phát triển và triển khai.
Cả 7 tàu cá cỡ lớn đang hoạt động trong cụm Sinh Tồn đều được đóng bởi Hãng Đóng tàu và Công nghiệp nặng Quảng Tín, trụ sở ở tỉnh Giang Tây. Vào ngày 15/3/2017, công ty Ngư nghiệp Phàm Trình và Đóng tàu Quảng Tín ký hợp đồng đóng 9 tàu cá “xương sống Trường Sa” với chiều dài các tàu là 62,8 m.
Đây là đội tàu cá thứ 13 của tỉnh Quảng Đông được Bộ Nông nghiệp Trung Quốc phê duyệt. Công ty Quảng Tín không có bất kỳ kinh nghiệm nào trong lĩnh vực đóng tàu cá, nhưng vẫn hoàn thành hợp đồng chỉ trong 9 tháng. Việc chạy thử tàu trên biển diễn ra vào tháng 10/2017 và chuyển giao cho bên đặt hàng vào tháng 12/2017.
Tàu do Công ty Đóng tàu và Công nghiệp nặng Quảng Tín đóng cho Công ty Ngư nghiệp Đài Sơn Phàm Trình vào đợt chạy thử vào tháng 10/2017. Ảnh: gshi.cn. |
Mối liên hệ với quân đội Trung Quốc
Tổng giám đốc Ngư nghiệp Phàm Trình không phải là nhân vật then chốt duy nhất của dự án. Vào buổi lễ giao nhận 9 tàu cá ngày 5/12/2017, có hai khách mời danh dự đáng chú ý đã góp mặt: Phó tư lệnh Quân khu Giang Môn Vạn Lương An và Giám đốc Phòng Xây dựng Chuẩn bị Tác chiến Quân khu Giang Môn Trương Viễn Phát.
Sự xuất hiện của Vạn và Trương tại buổi lễ cho thấy nhóm 9 tàu đóng mới cho Ngư nghiệp Phàm Trình không đơn thuần là “tàu cá”, mà có thể là lực lượng bổ sung cho PAFMM Đài Sơn - đặt dưới sự chỉ huy của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). 9 tàu được triển khai cảng nhà ở vịnh Sa Địa, phía nam đảo Thượng Xuyên, Giang Môn. Khu vực này cách Hong Kong khoảng 168 km về phía tây nam.
Theo Erickson và Martinson, đội tàu có thể đã được biên chế vào “Hải đội Dân quân Viễn hải”. Kế hoạch thành lập hải đội này đã được thảo luận trong “Cuộc họp Sự vụ Các lực lượng Vũ trang” Đài Sơn vào tháng 3/2016, cùng năm thành lập Ngư nghiệp Phàm Trình.
Hải trình của các tàu trong đội Phàm Trình 9 từ Quảng Đông đến Trường Sa từ ngày 28/3/2020 đến ngày 27/3/2020 qua dữ liệu AIS. Đồ họa: Andrew Erickson và Ryan Martinson. |
Trong những khái niệm mà PAFMM thường sử dụng, “viễn hải” ám chỉ các vùng biển xa đại lục nhưng nằm trong chuỗi đảo thứ nhất, bao gồm những khu vực hoạt động phía nam Biển Đông.
Vào tháng 4/2019, Cục trưởng Cựu chiến binh Giang Môn Lý Quảng Nghĩa đã đến thăm Hải đội Dân quân Viễn hải ở vịnh Sa Địa. Ông còn lên thăm một trong các tàu dân quân và chụp ảnh trong buồng lái với đoàn đại biểu.
Trong buổi làm việc, ông Lý yêu cầu thuyền trưởng và thủy thủ tàu phải trở thành “những người hộ vệ” gìn giữ tuyên bố hàng hải của Trung Quốc trên Biển Đông.
Phòng Cựu chiến binh Giang Môn còn nhấn mạnh hải đội có trách nhiệm đảm bảo công ăn việc làm cho quân nhân Trung Quốc xuất ngũ. Thông tin này cho thấy Hải đội Dân quân Viễn hải được vận hành bởi cựu nhân sự PLA. Mô hình tương tự đã được áp dụng ở đơn vị Dân quân Biển Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam.
Gọi là tàu cá nhưng không giống tàu cá nào
Hoạt động của nhóm tàu Giang Môn là minh chứng rõ nhất về vai trò của PAFMM đối với các tuyên bố hàng hải của Trung Quốc. Dữ liệu di chuyển của nhóm tàu Phàm Trình 9 cho thấy xu hướng hoạt động khác xa mọi tàu cá thông thường. Các tàu thường xuyên ở ngoài khơi, trong thời gian dài, chứ không chủ động tìm nguồn cá phục vụ mục tiêu kinh tế.
Cụ thể, từ tháng 3/2020, nhóm tàu đã hoạt động một cách có hệ thống với lộ trình hơn 1.200 km từ Đài Sơn đến cụm Sinh Tồn. Các tàu di chuyển ở khu vực này và vươn cả đến các thực thể khác trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bao gồm đá Vành Khăn và đá Subi (hai thực thể Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp), rồi về thẳng Quảng Đông.
Hoạt động của nhóm tàu đặc biệt nhiều ở cụm Sinh Tồn. Vào tháng 12/2020, các tàu còn hiện diện ở đá Hoài Ân, thuộc cụm Thị Tứ (cũng thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Với đợt triển khai hàng trăm “tàu cá” Trung Quốc quanh đá Ba Đầu, nhóm Phàm Trình 9 chỉ khởi hành với 8 tàu, rời cảng ở Quảng Đông vào ngày 16/2 và đến căn cứ quân sự trái phép của Trung Quốc trên đá Subi chỉ vài ngày sau.
Từ thời điểm nhóm tàu có mặt tại đá Subi, dữ liệu AIS cho thấy ít nhất 7 tàu trong nhóm đã vờn quanh cụm Sinh Tồn, bao gồm khu vực đầm phá trong đá Ba Đầu. Tàu thứ 8 trong nhóm đã tắt tín hiệu không lâu sau khi rời Quảng Đông. Không có bằng chứng nào cho thấy nhóm tàu dừng lại đánh bắt cá.
Theo các chuyên gia, hài trình của nhóm tàu rất giống với kiểu "tuần tra tuyên bố hàng hải" như 84 tàu tiền tiêu PAFMM của Hải Nam - vốn được luân phiên triển khai đến bãi cạn Scarborough, đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và đá Subi từ năm 2017.
Hoạt động của 7 tàu thuộc đội Phàm Trình 9 trong cụm Sinh Tồn và đá Ba Đầu (tên quốc tế là Whitsun Reef), thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, qua dữ liệu AIS từ ngày 28/3/2020 đến ngày 27/3. Đồ họa: Andrew Erickson và Ryan Martinson. |
Nguy cơ từ chiêu bài dân quân biển
Mô hình dân quân biển đã được Trung Quốc triển khai từ năm 1974 để thúc đẩy những tuyên bố chủ quyền phi lý mà họ áp đặt lên gần như toàn bộ Biển Đông. PAFMM không chỉ có đông đảo nhân sự và tàu thời vụ, có thể được huy động bất kỳ lúc nào cho những sứ mệnh “quốc gia”.
Họ còn chủ động thành lập các đơn vị chuyên nghiệp, làm việc toàn thời gian và được quân sự hóa, vận hành những tàu biển được đóng với mục tiêu cụ thể là tuần tra các vùng biển, và tuyển mộ cựu chiến binh với lương thưởng hậu hĩnh. Những đội tàu này hiển nhiên không đánh cá.
Các chuyên gia cảnh báo mô hình dân quân biển đang diễn ra tại cụm Sinh Tồn cần được nhận diện và vạch trần bởi giới nghiên cứu lẫn chính phủ các nước, nhằm ngăn chặn những kiểu hành xử còn nguy hiểm hơn trong tương lai. Một trong những kịch bản xấu có khả năng xảy ra là “tàu cá” trung Quốc tiếp tục chiếm đóng lâu dài tại các thực thể trên Biển Đông, sau bước tiền đề là “lánh nạn” vì thời tiết xấu.
Trung Quốc sau đó sẽ tìm cách ngăn chặn tàu nước khác tiếp cận và khai tác tài nguyên trong vùng biển, rồi nạo vẹt, chiếm đóng và quân sự hóa thành tiền đồn mới bất chấp Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển.
Ngư nghiệp Phàm Trình có vẻ đã trở thành “đơn vị kiểu mẫu” cho PAFMM. Đây có thể là đội tàu hiện đại nhất ở Quảng Đông và lực lượng dân quân biển Trung Quốc đang hiện diện ở Biển Đông. Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ những đơn vị khác trong PAFMM học theo mô hình này và khiến tình hình Biển Đông thêm phức tạp.