Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc đang được đóng nhanh chóng

Thân tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc đã hình thành ở nhà máy đóng tàu Giang Nam - bước tiến mới trong tham vọng cạnh tranh với Hải quân Mỹ.

Hình ảnh vệ tinh do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố cho thấy các khối thân tàu đang được lắp ráp tại nhà máy đóng tàu Giang Nam, Thượng Hải, Trung Quốc. Nó có thể được hạ thủy vào tháng tới, để bước vào quá trình chế tạo tiếp theo, Washington Post cho biết.

Con tàu sẽ là tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc, nhưng là hàng không mẫu hạm đầu tiên được trang bị công nghệ hiện đại.

Hai tàu sân bay hiện có của Trung Quốc đều dựa trên thiết kế lỗi thời của Liên Xô. Dựa vào hình ảnh, các chuyên gia nhận định con tàu dài khoảng 300 m, rộng khoảng 39 m ở mặt nước.

Chuong trinh tau san bay Trung Quoc anh 1

Ảnh vệ tinh cho thấy khu vực đóng tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc. Ảnh: CSIS.

Tốc độ đóng mới rất nhanh

Matthew Funaiole, nhà nghiên cứu về sức mạnh Trung Quốc tại CSIS, cho biết vẫn chưa rõ tàu sân bay thứ 3 có được trang bị máy phóng điện từ để khởi động máy bay một cách hiệu quả hay không - câu hỏi lớn đối với công nghệ tàu sân bay Trung Quốc.

“Người Trung Quốc đang thể hiện khả năng thiết kế và chế tạo những con tàu cỡ lớn. Nó đang tiến triển rất nhanh”, ông Funaiole nói.

Chuong trinh tau san bay Trung Quoc anh 2

Các khối thân tàu sân bay thứ 3 đang được lắp ráp lại với nhau ở ụ tàu khô. Ảnh: CSIS/Planet Labs.

Sự tiến bộ của tàu sân bay thứ 3 đã nhận được sự quan tâm mạnh mẽ ở các nước đối thủ, cũng như dư luận trong nước - coi đó là biểu tượng hữu hình cho sự phát triển của quân đội hiện đại, đẳng cấp thế giới.

Trung Quốc đã đưa vào vận hành hai tàu sân bay trong thập kỷ qua. Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên được nâng cấp từ tàu sân bay chưa hoàn thành của Liên Xô. Sơn Đông, tàu sân bay thứ 2 và chiếc đầu tiên được đóng mới ở Trung Quốc, cũng dựa trên thiết kế của Liêu Ninh với nhiều hạn chế.

Sau khi thân tàu sân bay thứ 3 được ráp lại với nhau, nó có thể bắt đầu được lắp thiết bị vào cuối năm nay, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin trong tuần này, sau khi những bức ảnh về quá trình chế tạo của tàu được đăng trên các blog ở Trung Quốc, gây phấn khích cho những người đam mê quân sự.

Global Times, phụ san của tờ Nhân dân nhật báo, cho biết các bức ảnh nói lên rằng quá trình đóng mới tàu sân bay đang tiến triển thuận lợi. Tờ báo này trích dẫn nguồn tin chuyên gia quân sự giấu tên nói rằng nó được trang bị máy phóng điện từ.

Ngoài các tàu sân bay, Trung Quốc cũng đầu tư rất nhiều vào các tàu đổ bộ, máy bay cảnh báo sớm để triển khai trên tàu sân bay.

Ảnh vệ tinh còn cho thấy nhà máy đóng tàu Giang Nam đang nhanh chóng mở rộng. Cơ sở này được xây dựng cho các tàu quân sự cỡ lớn. Ông Funaiole gọi đây là “trung tâm đóng tàu tương lai” của Trung Quốc.

Tham vọng cạnh tranh với Mỹ

Li Jie, chuyên gia hải quân ở Bắc Kinh, cho biết trong một diễn đàn ở Bắc Kinh vào cuối tuần trước rằng Trung Quốc đang lên kế hoạch cho nhóm tác chiến tàu sân bay thứ 4. Phần lớn các học giả quốc tế nhận định Trung Quốc sẽ đóng mới hạm đội ít nhất 6 tàu sân bay.

Hải quân Mỹ đang vận hành 11 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân và đang có kế hoạch giới thiệu thêm một số tàu nữa.

Chuong trinh tau san bay Trung Quoc anh 3

Nhà máy đóng tàu Giang Nam đang mở rộng lưu vực dành cho các tàu quân sự cỡ lớn. Ảnh: CSIS/Maxar/Planet Labs.

Collin Koh, chuyên gia về hải quân Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết có cuộc tranh luận sôi nổi ở Trung Quốc về vai trò của tàu sân bay trong chiến tranh hiện đại, cũng như cách chúng chống lại mối đe dọa từ tàu ngầm của Mỹ.

Một số quan chức Mỹ thừa nhận sức mạnh trên bộ của Trung Quốc đã tăng đến mức có thể ngăn chặn Hải quân Mỹ ở ngoài chuỗi đảo thứ nhất, trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị trong khu vực cho thấy bất kỳ cuộc xung đột nào liên quan đến Trung Quốc đều có khả năng xảy ra tương đối gần bờ biển nước này.

Tuy vậy, các nhà tư tưởng quân sự Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh cần vươn xa hơn ra Thái Bình Dương bằng các tàu sân bay, cạnh tranh với Mỹ ở chuỗi đảo thứ 2 xa xôi - bao gồm các căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam và Hawaii.

“Đã có sự hội tụ các quan điểm về vấn đề này trong 5 năm qua, khi Trung Quốc triển khai hạm đội tàu sân bay. Bắc Kinh nhìn thấy tiềm năng từ những gì họ có”, ông Koh nói.

Trung Quốc là quốc gia có ngân sách quốc phòng thứ 2 thế giới, sau Mỹ. Ngân sách quốc phòng năm 2019 của Trung Quốc ở mức 266 tỷ USD, so với 718 tỷ USD của Mỹ.

Trong tháng 5, chính phủ Trung Quốc cho biết việc tăng ngân sách quốc phòng năm 2020 sẽ tương đối thấp, do ảnh hưởng của cấu trúc lại nền kinh tế, chiến tranh thương mại với Mỹ và đại dịch Covid-19.

Tàu sân bay nội địa Trung Quốc ra biển thử nghiệm trở lại sau dịch

Sau thời gian gián đoạn vì Covid-19, Sơn Đông, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc, đã ra biển để thử nghiệm các hệ thống. Đây là nhiệm vụ đầu tiên của tàu trong năm 2020.

Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc có thể chỉ là hổ giấy

Giới phân tích quân sự phương Tây cho rằng tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc chỉ là bản sao của Liêu Ninh với nhiều hạn chế về năng lực tác chiến do không có máy phóng.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm