Hải quân Mỹ cũng mời một số tướng lĩnh, quan chức và nhà báo Philippines tham quan tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN-76), AP cho biết. Các khách mời được quan sát tiêm kích F/A-18 cất, hạ cánh trên boong tàu với sự hỗ trợ của máy phóng.
Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ mang theo khoảng 70 máy bay các loại đang trên đường đến cảng Manila. Các tàu tuần dương, khu trục hạm hộ tống cho tàu sân bay duy trì khoảng cách vài km từ hàng không mẫu hạm.
“Thông điệp của tàu sân bay là hòa bình thông qua sức mạnh”, chuẩn đô đốc Karl Thomas, chỉ huy Nhóm tác chiến tàu sân bay số 5 (CSG-5), nói với các phóng viên, trả lời câu hỏi về thông điệp mà nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Biển Đông.
Tiêm kích F/A-18 hạ cánh trên boong tàu sân bay Reagan sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: AP. |
“Chúng tôi nghĩ rằng các bên nên tuân theo luật pháp quốc tế và sự hiện diện của chúng tôi đem lại sự an toàn và ổn định, tạo nền tảng cho những cuộc thảo luận”, chuẩn đô đốc Thomas nói.
Tháng trước, Washington đã bày tỏ sự lo ngại về các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Bắc Kinh nhắm vào hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ngoài khơi của các quốc gia khác.
Ngày 19/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông.
"Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên", bà Hằng tuyên bố.
Trong hai tháng qua, hải cảnh Trung Quốc còn can thiệp vào hoạt động thăm dò dầu ở vùng biển Malaysia, ngư dân Trung Quốc đánh chìm một tàu cá Philippines và không trợ giúp các thuyền viên Philippines bị rơi xuống biển sau đó.