Vào tháng 1, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe trò chuyện với các thủy thủ trên tàu sân bay duy nhất Charles de Gaulle, vốn được xem là "viên ngọc quý của nước Pháp".
“Hãy yên tâm rằng nước Pháp đang dõi theo bạn và họ tự hào về bạn”, Thủ tướng Philippe nói khi con tàu nhận nhiệm vụ mới ở Địa Trung Hải, New York Times mô tả.
Ba tháng sau, niềm kiêu hãnh của nước Pháp trở thành ổ dịch Covid-19. Dịch bệnh đã tấn công đến các khu vực chật hẹp trên tàu, lây nhiễm cho hơn 1.000 thủy thủ, buộc hải quân Pháp phải cắt ngắn nhiệm vụ và hàng trăm thủy thủ phải cách ly trên các căn cứ quân sự khắp nước Pháp.
Một thủy thủ đang phải được chăm sóc đặc biệt và khoảng một nửa số thủy thủ không biểu hiện triệu chứng gì, làm cho việc lây lan khó phát hiện nếu không được xét nghiệm.
Ổ dịch trên tàu cũng dẫn đến những chỉ trích rằng hải quân đã chủ quan hoặc xử lý sai cuộc khủng hoảng trên tàu.
Cho tàu cập cảng vào thời điểm nhạy cảm
Việc bùng phát dịch bệnh khiến nhiều người tự hỏi, làm thế nào con tàu được đặt theo tên vị tổng thống đáng kính trở thành "mồi ngon" cho virus. Hải quân Pháp cho biết họ đã làm hết sức mình để xử lý ổ dịch, trong khi tàu sân bay đang ở trên biển.
Đại úy Eric Lavault, phát ngôn viên hải quân Pháp thừa nhận tất nhiên họ đã có sai lầm, nhưng sự thiếu hiểu biết về virus đã dẫn tới những giải pháp không rõ ràng trên tàu. Cũng có dấu hiệu cho thấy con tàu đã không chuẩn bị cho một đại dịch.
Các thủy thủ được xà lan đưa vào bờ để xét nghiệm Covid-19 và đưa đi cách ly. Ảnh: Bộ Quốc phòng Pháp. |
Con tàu không được chuẩn bị khẩu trang cho đến khi dịch bệnh bùng phát và các sĩ quan chỉ huy của tàu đã nới lỏng quy tắc cách ly xã hội tại thời điểm quan trọng. Sau đó, họ đã phải thừa nhận sai lầm này.
Vụ việc diễn ra ngay trước khi Pháp áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc, số người nhiễm bệnh và chết lúc đó vẫn còn thấp.
Trong một tin tức hiếm hoi xuất hiện vào cuối tuần trước, tướng Francois Lecointre, Tham mưu trưởng quân đội Pháp, thừa nhận những chỉ trích. Ông nói với đài phát thanh France Inter hôm 19/4 rằng dịch bệnh có thể bắt nguồn trong thời gian tàu cập cảng Brest bên bờ Đại Tây Dương.
“Chúng tôi đã không hiểu rõ những chỉ dẫn về virus, với những gì chúng ta đã biết bây giờ, các thủy thủ chắc chắn sẽ không mang virus lên tàu. Sức khỏe của những người đàn ông của chúng tôi là điều tuyệt vời nhất mà chúng tôi có, công cụ quân sự thiết yếu và mang tính biểu tượng giờ lại không thể dùng được”, tướng Lecointre nói.
Tướng Lecointre cho biết thêm quân đội và hải quân đang nỗ lực để khôi phục khả năng hoạt động của tàu càng sớm càng tốt. Bộ Quốc phòng Pháp đang điều tra dịch tễ học trên tàu, kết luận sơ bộ dự kiến có trong vài tuần tới.
Hơn 2.000 xét nghiệm đã được tiến hành trên 2.300 thủy thủ của tàu sân bay và đội tàu hộ tống đi cùng, 1.081 thủy thủ được xác nhận dương tính với Covid-19. 60% ca nhiễm đến từ tàu sân bay Charles de Gaulle, trong số 1.746 thủy thủ đoàn trên tàu.
Ổ dịch bùng phát trên tàu sân bay khiến người thân của các thủy thủ ngạc nhiên.
“Tôi đã nói với mọi người, tôi yên tâm, anh ấy đang ở trên biển, ít nhất anh ấy sẽ không bị bệnh và tôi sẽ không phải lo lắng, điều này thật đáng ngạc nhiên”, Celyne Flandrin, 29 tuổi, vợ của một trong những thủy thủ bị nhiễm bệnh nói.
Lổ hỗng chiến lược
Pháp không phải là quốc gia duy nhất mà virus corona tấn công các tàu chiến của họ. Hải quân Mỹ cũng phải chịu đựng một ổ dịch lớn trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, nhưng Mỹ có tới 11 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong khi Pháp chỉ có 1 tàu.
Tàu sân bay Charles de Gaulle được đưa vào vận hành từ năm 2001, dự kiến ngưng hoạt động vào năm 2040. Con tàu đóng vai trò quan trọng trong khả năng răn đe hạt nhân của Pháp, vì nó có thể khởi động tiêm kích Rafale có khả năng tấn công hạt nhân.
Các nhân viên y tế chuẩn bị khử trùng tàu sân bay duy nhất của Pháp. Ảnh: Bộ Quốc phòng Pháp. |
“Charles de Gaulle là một con tàu mang theo những hào quang nhất định từ tên gọi của nó, giá trị, tầm quan trọng và vai trò của nó, nhưng chỉ có một”, Hugo Decis, nhà phân tích chuyên về các vấn đề hải quân tại Viện Nghiên cứu Chiến lược ở London nói.
Khi con tàu trải qua đợt nâng cấp trong năm 2017-2018, hoặc những cuộc khủng hoảng như đại dịch Covid-19, Pháp không có lựa chọn dự phòng. Charles de Gaulle rời cảng Toulon, Pháp đến Địa Trung Hải vào cuối tháng 1, để tham gia các hoạt động chống lại tàn tích của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Trung Đông, trước khi đến Đại Tây Dương và Biển Bắc, nơi dự kiến tham vào cuộc tập trận hải quân đa quốc gia.
Phát ngôn viên Lavault cho biết vì trời lạnh, các bác sĩ trong bệnh xá trên tàu không ngạc nhiên khi thấy 15-20 thủy thủ có triệu chứng ho mỗi ngày. Nhưng số thủy thủ bị bệnh vào thời điểm đó rõ ràng là không bình thường.
Các chỉ huy bắt đầu lo lắng vào ngày 5/4, khi số thủy thủ đến bệnh xá tăng theo cấp số nhân với các triệu chứng đặc trưng của Covid-19. Mẫu bệnh phẩm của 2 thủy thủ đã được gửi đến bệnh viện quân đội và đã phát hiện ra virus corona.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly đã quyết định rút ngắn nhiệm vụ của con tàu, khi các quan chức hải quân nói với bà về những ca nhiễm đầu tiên trên tàu.
Hiện chưa rõ virus xuất hiện trên tàu khi nào. Trước đó tàu cũng đã cập cảng đảo Síp trong tháng 2, nhưng nhiều người tin rằng virus lây lan khi tàu dừng chân ở Brest, nơi thủy thủ lên bờ và gặp người thân của họ.
Trước đó, các quan chức hải quân từng cân nhắc hủy cập cảng Brest, nhưng đó là điểm hậu cần quan trọng. Dù các sĩ quan trên tàu đã yêu cầu thủy thủ đoàn cách ly xã hội và tránh xa các hộp đêm, nhưng những người chỉ trích nói rằng điều đó là không đủ.
“Tại sao tàu sân bay duy nhất có tầm quan trọng chiến lược đối với Pháp đã quay trở lại biển mà không có đánh giá trước về những rủi ro, sau khi thủy thủ lên bờ và gặp gỡ gia đình họ, cũng như hòa nhập với cư dân Brest”, Alexis Corbiere, một nhà lập pháp, nói với đài phát thanh Franceinfo.
Khi tàu rời cảng, thuyền trưởng đã hủy bỏ một số cuộc họp giao ban và đóng cửa khu vực tập trung đông người trên tàu. Nhưng sau khi thực hiện được 14 ngày và không có ca nhiễm Covid-19 nào, thuyền trưởng nghĩ rằng con tàu đã an toàn và nới lỏng các hạn chế.
Một vấn đề khác là con tàu không có cái khẩu trang nào cho đến khi dừng chân ở Đan Mạch vào cuối tháng 3.
Hàng chục nghìn khẩu trang được chuẩn lên tàu vào lúc đó, nhưng đã muộn.