Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tàu ngầm Trường Sa thử nghiệm lần cuối để đón Tết

Ngày 22/1, tàu ngầm Trường Sa đã thử nghiệm lần cuối cùng. Mọi công việc sẽ được gác lại đến khi công ty của ông Hòa kết thúc kỳ nghỉ Tết.

Ngày 21/1, tàu ngầm Trường Sa thử nghiệm khả năng lặn và cân bằng. Sau khi kết quả hoàn hảo, doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa tiến hành việc thử nghiệm hệ thống không khí tuần hoàn AIP. Ông Hòa thử nghiệm bằng cách đóng nắp tàu ngầm và khoang tàu rơi vào trạng thái kín khí, sau đó vận hành hệ thống AIP. Động cơ của tàu vẫn nổ một cách đều đặn.
Qua đó, ông Hòa khẳng định tàu ngầm Trường Sa đã hoàn thiện, và bước tiếp theo, ngày 22/1, tàu ngầm tiến hành thử nghiệm AIP ở độ sâu hơn và thử tiến lui trong bể nước.
Phần thân tàu nhanh chóng chìm sâu xuống nước chỉ trong vài phút vận hành máy bơm.
Tuy nhiên, ở lần thử nghiệm này, tàu ngầm đã gặp trục trặc khi lặn sâu xuống, sợi xích dùng để cố định con tàu không cho trôi nổi đã bị căng khiến bó chặt phần đầu tàu lại, gây mất cân bằng.
Ông Hòa cùng các công nhân buộc phải dùng máy cắt sợi xích. Từ sự cố với sợi xích này, doanh nhân người Thái Bình nhận ra rất nhiều vấn đề cần phải khắc phục trước khi muốn thử nghiệm với mức nước sâu hơn.
Trước hết, trong bể thử nghiệm chỉ được chôn 4 cọc sắt để cố định không cho tàu dập dềnh sang hai bên trái phải, nhưng khi lặn xuống nước và vận hành động cơ, tàu cần phải có cố định không cho trôi theo chiều tiến hoặc lùi (đầu của 4 chiếc cọc nhô lên khỏi mặt nước).
Hiện tại, ông Nguyễn Quốc Hòa chưa nghĩ ra cách để khắc phục điểm này. Điều ông lo lắng nhất sẽ phải tháo nước ra khỏi bể một lần nữa để cải tiến các dụng cụ thử nghiệm và bơm nước vào. Việc bơm, tháo rất tốn thời gian. (Những người thợ xuống bể hỗ trợ giám đốc của mình vận hành tàu).
Thứ hai, chiếc bể quá nhỏ và luôn tiềm ẩn nguy cơ vỡ bể khi tàu lặn sâu xuống đáy. Điều này là cả một sự mạo hiểm bởi không có tính toán nào cho ra kết quả chắc chắn 100%, khi con tàu đạt trọng lượng 13 tấn và chìm sâu xuống dưới đáy bể.
“Vấn đề cố định tàu không khó giải quyết, nhưng vấn đề với chiếc bể sẽ khiến tôi phải tính toán kỹ lưỡng, cứ càng thử nghiệm, tàu ngầm Trường Sa càng phát sinh nhiều vấn đề, nhưng tôi đều giải quyết được, vì thế tôi tin sẽ không có gì khó khăn cả”, ông Nguyễn Quốc Hòa chia sẻ.
Trong khi đó, một công nhân, mà theo cách gọi của ông Hòa là “cộng sự“, anh Luật, kỹ sư của công ty cho biết: “Lý do khiến việc chú Hòa thử nghiệm không thành lần này vì khoang tàu rất nhỏ, chỉ đủ 1 người xoay sở, trong khi đó, có hàng chục cái van, nút ấn cần điều chỉnh, và hàng chục cái đồng hồ cần theo dõi. Ngay như việc bơm nước vào mũi và đuôi tàu để lặn xuống cân bằng cũng là một sự khó khăn mà chú Hòa chưa thành thục”.
Tuy nhiên, sau khi kết thúc lần thử nghiệm này, ông Hòa cũng bày tỏ mọi công việc với Trường Sa sẽ tạm gác lại đến sau Tết. Ảnh: Ông Hòa làm việc cùng với các đối tác người Nhật Bản chiều 22/1.
Hiện tại, ông cùng công nhân sẽ phải hoàn thiện các hợp đồng kinh tế để đến ngày 27 tháng Chạp cho anh em công nhân nghỉ ăn Tết cùng gia đình.

http://baodatviet.vn/hinh-anh/tau-ngam-truong-sa-thu-nghiem-lan-cuoi-de-don-tet-2365027/?p=12

Theo Đất Việt

Bạn có thể quan tâm