Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tàu ngầm Trường Sa chuẩn bị thử nghiệm lần đầu tiên

Tàu ngầm Trường Sa do ông Nguyễn Quốc Hòa tự chế tạo vẫn đang tiến hành thử nghiệm trong bể nổi. Dự kiến đến hết ngày 20/1 sẽ có kết quả cho đợt thử nghiệm đầu tiên này.

Sau khi hoàn thành tất cả các bước kiểm tra cuối cùng, doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa quyết định đưa tàu ngầm Trường Sa thử nghiệm trong môi trường kín nước. Ngày 6/1, tàu ngầm Trường Sa được di chuyển từ xưởng sản xuất vào trong bể nổi. Bể thử nghiệm này có khả năng chứa 200m3 nước, kích thước 4m x 10m x 5m.

Tiếp đến, bể nổi được lấp kín cửa và bắt đầu bơm nước vào. Ông Nguyễn Quốc Hòa là người trực tiếp vào trong khoang để thử nghiệm tàu.

Chiều 14/1, ông Nguyễn Quốc Hòa cho biết, trong nhiều ngày qua, bể nước đã được bơm nước vào, tháo nước ra nhiều lần để phục vụ cho việc thử nghiệm tàu ngầm. Lượng nước phục vụ thử nghiệm được lấy từ chiếc hồ cạnh xưởng sản xuất.

Tàu ngầm Trường Sa vào bể thử nghiệm.

Trong những ngày thử nghiệm này, trước hết, ông Hòa đã kiểm tra được độ kín nước của các mối hàn, các gioăng cao su của chân vịt hay nắp thân tàu và cho kết quả hoàn toàn chắc chắn. Đồng thời máy định vị vệ tinh và radar của tàu ngầm cũng được thử nghiệm và cho kết quả hết sức thuyết phục.

Điều thứ hai ông Hòa có thể kiểm tra được khả năng lặn nổi của con tàu, khả năng cân bằng trong môi trường nước và hoạt động của hệ thống điện. Chiều ngày 14/1/2014, bể bắt đầu tháo nước và ông Hòa sẽ phải cân chỉnh lại một chút về độ cân bằng của thân tàu.

“Sau khi cải thiện những điểm vừa được phát hiện, hi vọng đây sẽ là lần bơm tháo nước cuối cùng vì sau đó, tôi sẽ thử nghiệm tới hệ thống AIP và hoạt động của động cơ. Nếu thử nghiệm này thành công, con tàu của tôi sẽ chỉ còn chờ đem ra sông bơi một vòng rồi quay về”, ông Nguyễn Quốc Hòa cho biết.

Về những phương pháp dự phòng nếu xảy ra sự cố khi thử nghiệm con tàu, ông Hòa bày tỏ, với hàng chục lần thí nghiệm trên cạn, chưa thấy có điểm gì không an toàn, do đó không có phương pháp dự phòng. Ngoài ra, nếu thử nghiệm thất bại, ông Hòa sẽ tiếp tục điều chỉnh, nghiên cứu cho đến khi thành công.

Tàu ngầm Trường Sa trong bể.

“Khoa học, sáng chế không phải đơn giản như đi chợ mua một mớ rau, vì thế không phải cứ làm một lần là thành công ngay. Ngoài ra, ở Việt Nam chỉ có mình tôi thử sức với tàu ngầm mini AIP, do đó có rất nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Quốc Hòa nhận định.

 Theo thiết kế của ông Hòa, tàu ngầm có hai động cơ diesel 90Hp. Khi lặn, tàu sử dụng công nghệ AIP (viết tắt của Air Independent Propulsion - công nghệ không khí tuần hoàn độc lập). Công nghệ này cho phép trong môi trường cách biệt hoàn toàn với khí quyển có thể tự tái tạo không khí. Và với động cơ diesel là động cơ nổ, phải có không khí mới có thể đảm bảo được sự hoạt động như bình thường. Do đó, AIP được coi như trái tim của những tàu ngầm sử dụng công nghệ này.

http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/cap-nhat-tien-do-thu-nghiem-tau-ngam-truong-sa-2364457/

Theo Đất Việt

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm