Khi đồng ý tham gia liên minh AUKUS với Mỹ và Anh, Australia cũng đơn phương chấm dứt thỏa thuận hợp tác sản xuất tàu ngầm chạy bằng năng lượng diesel với Pháp trị giá 65 tỷ USD. Thay vào đó, Canberra quyết phát triển đội tàu ngầm hạt nhân, với sự hỗ trợ của Washington và London.
Thỏa thuận AUKUS giúp Australia tiếp cận công nghệ tàu ngầm hạt nhân, loại vũ khí được đánh giá là phức tạp nhất mà con người từng chế tạo, và có khả năng răn đe đầy uy lực.
Khả năng tàng hình vượt trội
Các chuyên gia quân sự nhận định tàu ngầm năng lượng hạt nhân là "cỗ máy phức tạp nhất mà con người tạo ra, thậm chí hiện đại hơn cả tàu vũ trụ", theo Financial Times.
"Chúng ta có một lò phản ứng hạt nhân ở phần đuôi, vũ khí ở phía trước, và ở phần thân giữa là nơi thủy thủ đoàn sống. Tất cả đều lặn dưới nước liên tục trong nhiều tháng", một chuyên gia cho biết
Khác biệt chủ yếu giữa tàu ngầm do Pháp mời chào và loại do Mỹ - Anh cam kết theo thỏa thuận AUKUS là công nghệ đẩy mà tàu ngầm sử dụng.
Theo thỏa thuận ban đầu, Pháp sẽ giúp Australia đóng đội tàu ngầm dựa trên tàu ngầm hạt nhân lớp Barracuda. Tuy nhiên, động cơ điện của tàu ngầm sẽ chạy bằng năng lượng diesel, thay vì năng lượng hạt nhân.
Tàu ngầm chạy bằng năng lượng diesel có những lợi thế riêng. Chúng thường nhỏ hơn, có thể trở nên yên lặng hơn bằng cách tắt động cơ diesel và hoạt động nhờ pin năng lượng.
Tàu ngầm hạt nhân tương lai của Australia nhiều khả năng tương tự tàu ngầm lớp Astute của Anh. Ảnh: The Drive. |
Tuy nhiên, điểm bất lợi của loại vũ khí này là phải nổi lên mặt nước thường xuyên hơn để chạy động cơ diesel giúp sạc pin năng lượng.
Ngược lại, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân được thiết kế để bảo đảm hoạt động bền bỉ. Tàu ngầm có một lò phản ứng hạt nhân giúp cung cấp năng lượng cho các động cơ điện và chân vịt. Nhiệt tỏa ra từ lò phản ứng cũng được dùng để chạy các động cơ.
Lợi thế lớn nhất của tàu ngầm hạt nhân là chúng có thể ở dưới mặt nước, duy trì chế độ tàng hình, trong thời gian rất dài.
Bởi phải thường xuyên nổi lên mặt nước, các tàu ngầm thông thường không thể duy trì chế độ tàng hình khi di chuyển trên những hải trình xa như tàu ngầm hạt nhân. Chúng dễ dàng bị đối phương phát hiện.
Các tàu ngầm hạt nhân có năng lượng đủ để vận hành liên tục trong 30 năm. Chúng chỉ cần trở lại cảng để bảo dưỡng và bổ sung đồ tiếp tế.
Ban đầu, Australia lựa chọn tàu ngầm diesel để thay thế các tàu ngầm cũ lớp Collins của nước này.
Theo New York Times, một trong những lý do Australia chuyển hướng sang tàu ngầm hạt nhân là vì mong muốn tiến hành các nhiệm vụ đến tận Biển Đông mà rủi ro bị phát hiện thấp. Nhờ khả năng tàng hình, tàu ngầm hạt nhân có thể mang vũ khí hạng nặng áp sát bờ biển của các đối thủ.
Trong phát biểu về quyết định tiếp nhận chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân, Thủ tướng Scott Morrison cho biết ông đã trao đổi với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 6, rằng các tàu ngầm truyền thống có thể không đáp ứng các nhu cầu về an ninh chiến lược của Australia ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Lợi thế hỏa lực
Bên cạnh khả năng tàng hình, vũ khí lắp trên tàu ngầm cũng sẽ là mối quan tâm lớn của Australia.
Richard Fontaine, giám đốc tổ chức tư vấn chính sách Center for a New American Security, cho rằng Australia có thể triển khai thêm nhiều tên lửa quy ước trên tàu ngầm hạt nhân so với tàu ngầm diesel của Pháp bởi tải trọng lớn hơn của tàu.
Australia đã mua tên lửa Tomahawk của Mỹ. Vũ khí này sẽ bổ sung đáng kể năng lực tác chiến của Hải quân Australia.
"Tên lửa Tomahawk biến một tàu hải quân thành vũ khí chiến lược, có thể tấn công các cơ sở quân sự trên bờ từ khoảng cách hàng nghìn km. Tải trọng mới của các tàu ngầm sẽ nâng cấp đáng kể sức mạnh tấn công của hải quân Australia", Eric Sayers, chuyên gia quốc phòng của tổ chức tư vấn chính sách American Enterprise Institue, nói.
Trước đó, Australia mua nhiều vũ khí của Mỹ như ngư lôi chống hạm MK48 và tên lửa diệt hạm LRASM.
Với việc có tên lửa Tomahawk, tàu ngầm hạt nhân của Australia có thể là mối đe dọa với hải quân bất cứ quốc gia thù địch nào trên các vùng biển xung đột. Trung Quốc, đối thủ của Mỹ và các đồng minh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, là bên cảm thấy khó chịu nhất.
"Tên lửa Tomahawk mở ra cánh cửa cho phép tấn công tầm xa nhắm vào các mục tiêu trên mặt đất, như các hệ thống phòng không hoặc nhà chứa máy bay", ông Sayers cho biết.
Australia đã mua tên lửa Tomahawk của Mỹ. Ảnh: Raytheon. |
Lựa chọn tàu ngầm hạt nhân, dù hứa hẹn, cũng mang lại những thách thức cho Canberra, trong bối cảnh Australia không có những cơ sở hạ tầng quan trọng cần thiết.
"Toàn bộ cơ sở hạ tầng hạt nhân cần đến rất đắt đỏ, từ cảng đóng tàu, quy trình an toàn, nhân lực - đó mới chỉ là một vài yêu cầu", Trevor Taylor, chuyên gia tổ chức tư vấn chính sách Royal United Services Institute, cho biết.
Hiện chưa rõ mẫu tàu ngầm nào sẽ được Canberra lựa chọn. Ngoài ra, một câu hỏi quan trọng khác là Mỹ và Anh sẽ sẵn sàng chuyển giao bao nhiêu công nghệ sonar và tàng hình cho hạm đội tàu ngầm của Australia.
Nhiều khả năng Australia sẽ lựa chọn tàu ngầm tương tự với tàu lớp Virginia của Mỹ do tập đoàn General Dynamics Electric Boat and Newport News Shipbuilding đóng. Loại tàu này giống với tàu ngầm lớp Astute của Anh.
Tuần qua, Thủ tướng Morrison cho biết những tàu ngầm đầu tiên sẽ được hoàn thiện vào khoảng năm 2040. Việc đóng tàu sẽ được tiến hành ở thành phố Adelaide. Bởi Australia không có ngành công nghiệp hạt nhân, rất nhiều công đoạn sẽ phải bắt đầu từ con số 0.
Lịch trình nói trên thậm chí có thể thay đổi, bởi việc đóng tàu ngầm đòi hỏi khối lượng công việc khổng lồ, trong khi đa phần các dự án tàu ngầm đều chậm tiến độ và đội vốn.
Dự án phát triển tàu ngầm lớp Astute của Anh là một bài học. Chương trình tàu ngầm Astute được khởi động từ năm 1986. Nhưng mãi đến 2010, tàu ngầm lớp Astute mới đi vào phục vụ.