Lực lượng tàu ngầm Mỹ phát triển mạnh những năm Chiến tranh Lạnh. Tàu ngầm Mỹ gần như trở thành “kẻ thống trị” đại dương. Lực lượng tàu ngầm Liên Xô được xem là đối thủ cạnh tranh với Mỹ.
Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, Nga không đủ khả năng duy trì lực lượng tàu ngầm để cạnh tranh với Mỹ. Phần lớn các tàu ngầm đều trong tình trạng rỉ sét và nằm tại cảng do thiếu kinh phí.
Tuy nhiên, sau 20 năm thống trị đại dương kể từ khi Liên Xô sụp đổ, lực lượng tàu ngầm Mỹ đang đối mặt với mối đe dọa mới đến từ thế hệ tàu ngầm tấn công hạt nhân tiên tiến lớp Yasen của Nga. Hiện Virginia là tàu ngầm tấn công hạt nhân tiên tiến nhất của Mỹ. Lớp tàu ngầm được trang bị nhiều công nghệ mới có chiếm được ưu thế trước Yasen của Nga.
Hệ thống điện tử
Chương trình tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Yasen của Nga được triển khai những năm 1980 do Cục thiết kế trung ương Malakhit phát triển. Quá trình đóng mới bắt đầu từ năm 1993. Tuy nhiên, tàu đầu tiên mất hơn một thập kỷ mới hoàn thành do thiếu kinh phí.
Tàu đầu tiên mang tên Severodvinsk được đưa vào hoạt động từ năm 2013. Tàu ngầm lớp Yasen có chiều dài 119 m, lượng choán nước khi lặn 13.800 tấn. Tàu có thủy thủ đoàn chỉ 90 người, cho thấy mức độ tự động hóa cao của tàu.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia của Mỹ với hệ thống cột buồm lượng tử ánh sáng. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Cảm biến chính của tàu là hệ thống định vị thủy âm (sonar) mảng pha đa chức năng Irtysh-Amfora, với một mảng hình cầu phía trước, một mảng gắn ở thân tàu và một mảng kéo để phát hiện phía sau. Radar tìm kiếm mục tiêu mặt nước MRK-50 Albatross và hệ thống đối phó điện tử Rim Hat.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia của Mỹ được khởi đóng từ năm 2000. Tàu được trang bị những công nghệ tiên tiến nhất như hệ thống cột buồm lượng tử ánh sáng thay cho kính tiềm vọng, hệ thống bơm phun thay chân vịt.
Cảm biến chính là hệ thống sonar đa chức năng BQQ-10 gồm một mảng cầu phía trước và hai bên hông tàu, trong khi mảng phía sau sử dụng sonar thụ động TB-29. Hệ thống sonar cao tần gắn trên cánh buồm chính cho phép phát hiện thủy lôi.
Điểm vượt trội của Virginia so với Yasen là hệ thống cột buồm lượng tử ánh sáng cho phép quan sát mặt nước tốt hơn. Kyle Mizokami, nhà phân tích quốc phòng ở San Francisco đánh giá, về hệ thống điện tử, Virginia nhỉnh hơn so với Yasen.
Vũ khí
Tàu ngầm lớp Yasen được trang bị 4 ống phóng ngư lôi 533 mm và 4 ống 650 mm. Các ống phóng này có thể phóng ngư lôi hoặc tên lửa chống hạm 3M54 Club-S. Ngoài ra, tàu được trang bị 24 ống phóng thẳng đứng có thể mang theo tên lửa hành trình chống hạm siêu âm P-800 Oniks, hoặc tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kalibr.
Yasen, tàu ngầm tấn công hạt nhân hiện đại nhất của Nga. Ảnh: National Interest |
Virginia có 4 ống phóng ngư lôi 533 mm có thể phóng ngư lôi hoặc tên lửa chống hạm Harpoon. Phiên bản đầu của Virginia được trang bị 12 ống phóng thẳng đứng sử dụng tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk.
Các tàu từ khối III trở đi được trang bị 2 ống phóng module, mỗi ống chứa 6 tên lửa Tomahawk. Các tàu từ khối V trở đi được trang bị module phóng thẳng đứng VPM cho phép tăng số lượng tên lửa mang theo lên 40 quả.
Ông Mizokami cho rằng về mặt hỏa lực, Yasen của Nga nhỉnh hơn về tên lửa chống hạm. P-800 Oniks là một trong những sát thủ diệt hạm đáng sợ nhất thế giới.
Hệ thống động lực
Yasen được trang bị lò phản ứng hạt nhân OK-650KPM, công suất 200 MW, tốc độ khi nổi 16 hải lý/giờ, 31 hải lý/giờ khi lặn. Tàu có thể chạy ở chế độ yên tĩnh với tốc độ 20 hải lý/giờ khi lặn. Yasen có thể lặn sâu tối đa 600 m.
Virginia được trang bị lò phản ứng hạt nhân S9G. Tàu sử dụng hệ thống bơm phun thay cho chân vịt giúp hoạt động êm hơn. Tốc độ tối đa khi nổi 25 hải lý/giờ và 35 hải lý/giờ khi lặn. Tàu có thể chạy chế độ yên tĩnh ở tốc độ 25 hải lý/giờ khi lặn.
Virginia có thủy thủ đoàn 113 người, lượng choán nước 7.900 tấn. Nó có thể lặn sâu tối đa 488 m.
Đánh giá tổng thể, ông Mizokami nhận xét, Virginia của Mỹ có hệ thống điện tử tiên tiến, khả năng hoạt động êm hơn. Yasen của Nga nắm ưu thế về tên lửa chống hạm cho phép thực hiện các cuộc đột kích tốc độ cao.
Ngoài ra, trong một cuộc đối đầu nếu có, tàu ngầm nào sẽ chiến thắng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác.