Theo Bloomberg, tàu container khổng lồ Ever Given vẫn chưa thể di chuyển qua kênh đào Suez tính đến sáng 25/3 (giờ Việt Nam). Nhiều tàu kéo và máy xúc đã được triển khai để cứu hộ nhưng không thành công.
Trước đó, con tàu mang cờ Panama mắc kẹt tại kênh đào Suez nối liền Địa Trung Hải và vịnh Suez vào tối 23/3 (giờ địa phương - tức sáng 24/3 theo giờ Việt Nam). Một số nguồn tin cho biết tàu Ever Given có thể bị mất điện, trôi ngang làm tắc nghẽn kênh.
Một chuyên gia cứu hộ cao cấp của Tập đoàn Resolve Marine (Florida, Mỹ) cho rằng thủy triều dâng vào cuối tuần có thể giúp giải thoát con tàu. Trước đó, đội ngũ của hãng cứu hộ SMIT Salvage đã tiếp cận để tìm cách giảm áp lực cho con tàu khổng lồ.
Ever Given nặng 220.000 tấn, dài 400 m, thuộc loại tàu hàng hải mới, được gọi là tàu container siêu lớn (ULCS).
Đội cứu hộ tiếp cận con tàu nhưng vẫn chưa xử lý thành công. Ảnh: Reuters. |
Theo các chuyên gia về chuỗi cung ứng, một số tàu loại này thậm chí có kích thước lớn tới mức khó có thể đi qua được kênh đào Panama nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Hình ảnh vệ tinh của MarineTraffic cho thấy có khoảng 185 tàu chở hàng và tàu chở dầu bị mắc kẹt ở đầu phía nam của kênh đào Suez, đang chờ đợi đi về phía biển Địa Trung Hải.
Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, kênh đào Suez nằm trong số các tuyến đường thủy nhộn nhịp nhất thế giới, chiếm 12% hoạt động giao thương hàng hải toàn cầu. Đây là con đường huyết mạch trong việc luân chuyển dầu thô từ Trung Đông đến châu Âu và Bắc Mỹ.
Sự cố tắc nghẽn tại kênh Suez cũng khiến các nhà cung ứng lo ngại về tình trạng tương tự xảy ra ở nhiều tuyến đường trọng điểm như kênh đào Panama, eo biển Hormuz và eo biển Malacca ở Đông Nam Á trong bối cảnh các hoạt động giao thương ngày càng trở nên tấp nập hơn.
Giao thương tắc nghẽn nghiêm trọng tại kênh đào Suez. Ảnh: Africa Times. |
Hiện, các hãng phân phối dầu mỏ đang tìm kiếm lộ trình mới tránh đi qua đoạn tắc nghẽn ở kênh đào Suez. Trong trường hợp xấu nhất, các tàu có thể phải đi vòng quanh mũi phía nam châu Phi.
Giá dầu tăng nhẹ do giới đầu tư lo ngại nguồn cung bị ảnh hưởng trong ngắn hạn. Theo Reuters, giá dầu thô Brent tăng 1,19 USD (tương đương 2%) lên 61,98 USD/thùng, trong khi dầu WTI nhích 2,1% lên 58,59 USD/thùng.