Sau khi rà soát đại dương trong hơn một tháng, các đội tìm kiếm máy bay mất tích chỉ ghi nhận 4 tín hiệu âm thanh và một vệt dầu loang trên biển. Giới chuyên gia lo ngại hai hộp đen máy bay đã hết năng lượng, khiến thiết bị phát tín hiệu của chúng ngừng hoạt động. Trong trường hợp này, tàu lặn tự động Bluefin-21 là công cụ phù hợp để tìm hai hộp đen trong trường hợp ấy.
Tàu lặn Bluefin-21 trở lại tàu Ocean Shield của Australia sau lần thử nghiệm trên Ấn Độ Dương hôm 4/4. Ảnh: AP |
Nhiệm vụ của Bluefin-21
Bluefin-21 là tàu ngầm không người lái tự hành, mang theo thiết bị quét sonar ở hai bên thân. Tín hiệu âm thanh phát ra từ thiết bị dò sonar giúp tàu định hình đáy biển, phát hiện chính xác kích thước các vật thể.
Trong quá trình tìm kiếm, tàu sẽ di chuyển theo lộ trình được cài đặt sẵn. Sau khi nó hoàn tất nhiệm vụ, các chuyên gia sẽ đưa lên tàu nổi và giải mã dữ liệu nó thu thập. Người ta sẽ xem xét kỹ lưỡng các dấu vết khả nghi nhằm tìm ra mảnh vỡ của phi cơ.
Phạm vi và tốc độ của Bluefin-21
Bluefin-21 trước khi lên tàu Ocean Shield của Australia hôm 4/4. Ảnh: AP. |
Trong lần lặn đầu tiên, tàu ngầm sẽ rà soát vùng đáy biển có diện tích 40 km2 (chiều rộng 5 km, chiều dài 8 km). Nhà hải dương học Sylvia Earle, người đứng đầu Cơ quan Hải dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ, cho biết, Bluefin-21 di chuyển với vận tốc của một người tản bộ nên diện tích tìm kiếm 40 km2 là một nỗ lực lớn. Tuy nhiên, robot lặn không tạo ra hình ảnh rõ nét bởi nó định hình vật thể bằng thiết bị dò âm thanh chứ không phải máy ảnh.
Thời gian giải mã tín hiệu Bluefin-21 thu thập
Do Bluefin-21 hoạt động theo chu kỳ 24 giờ nên nó chỉ có thể làm việc một lần/ngày. Sau khi rời tàu nổi, robot cần hai giờ để xuống tới đáy đại dương. Nó sẽ tìm kiếm liên tục trong vòng 16 giờ và mất thêm hai giờ giờ nữa để nổi lên mặt nước. Các chuyên gia cần 4 giờ để tải dữ liệu từ bộ nhớ Bluefin-21 vào máy tính trước khi giải mã chúng.
Địa hình khu vực Bluefin-21 tìm kiếm
Các thông số của robot lặn không người lái Bluefin-21. Đồ họa: Hồng Duy. |
Angus Houston, người đứng đầu Ủy ban phối hợp tìm kiếm phi cơ Malaysia mất tích, cho biết, các hoạt động diễn ra ở khu vực có địa hình khá thoải. Tuy nhiên, đáy biển khu vực này có rất nhiều phù sa, gây nhiều trở ngại đối với nỗ lực tìm kiếm. Ông nhận định việc sử dụng Bluefin-21 có thể mang lại những kết quả không như mong đợi của giới chức.
Các hoạt động sau khi phát hiện mảnh vỡ
Nếu Bluefin-21 phát hiện mảnh vỡ của phi cơ dưới đáy biển, các thiết bị lặn khác, bao gồm cả tàu ngầm điều khiển từ xa, sẽ xuống nước để tìm kiếm hộp đen. Những thiết bị ấy có khả năng hoạt động ở độ sâu 5 km so với mặt biển. Một cần trục trên tàu nổi sẽ thả chúng xuống nước và kéo lên thông qua hệ thống dây cáp. Hiện tại, chỉ Mỹ, Nga, Nhật Bản, Pháp và Trung Quốc sở hữu tàu lặn tự động.