Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tàu hỏng nằm bờ, ngư dân vẫn bị ngân hàng thúc đòi nợ

Tàu thép kéo lên bờ suốt cả tháng qua nhưng doanh nghiệp chậm khắc phục sự cố. Cùng lúc, áp lực trả nợ ngân hàng khiến nhiều ngư dân Bình Định bức xúc đòi trả phương tiện.

Ngư dân bức xúc đòi trả lại tàu thép Nghị định 67 Trước áp lực trả nợ ngân hàng, doanh nghiệp lại khắc phục sự cố tàu thép quá chậm, nhiều ngư dân Bình Định bức xúc đòi trả lại phương tiện cho Nhà nước.

Ngày 3/8, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bình Định tổ chức họp bàn cùng các doanh nghiệp và ngư dân nhằm đẩy nhanh tiến độ khắc phục sự cố tàu thép nằm bờ.

Bồi thường máy mới nếu tàu thép tiếp tục "trục trặc"

Sau thời gian dài "giằng co", ông Trần Đình Sơn, chủ tàu thép BĐ-99245 TS thống nhất với Công ty TNHH MTV Nam Triệu thay thế phụ tùng cho các bộ phận hư hỏng của máy chính (chứ không thay máy mới 100% như yêu cầu trước đó). Các chuyên gia Hàn Quốc thực hiện việc lắp đặt, thay thế một số thiết bị phụ tùng cho máy thủy dưới sự theo dõi của Trung tâm đăng kiểm nghề cá và Tổ giám sát kỹ thuật của Bình Định.

Sau khi hoàn tất sửa chữa, Trung tâm đăng kiểm nghề cá kiểm tra đảm bảo tàu thép an toàn mới cho phép ngư dân ra khơi. Doanh nghiệp thống nhất bảo hành máy thủy tàu thép ông Sơn 12 tháng. Thời gian bảo hành, nếu máy thủy này tiếp tục "trục trặc" (không phải lỗi ông Sơn) thì Nam Triệu có trách nhiệm thay máy mới nguyên đai, nguyên kiện chính hãng Doosan (Hàn Quốc). 

Tau thep Binh Dinh nam bo anh 1
Nhiều tàu thép của ngư dân Bình Định kéo lên bờ chờ sửa chữa ở cảng Tam Quan (huyện Hoài Nhơn) đang gỉ sắt, xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: M. Hoàng.

Trong khi đó, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) cũng đã phối hợp với gia đình các ngư dân đưa 5 tàu thép lên cảng Tam Quan để sửa chữa. Hiện Công ty CP Tập đoàn Vinacontrol phối hợp với Trung tâm đăng kiểm nghề cá, Tổ giám sát kỹ thuật Bình Định lấy 10 mẫu thép tiếp tục đưa đi kiểm định chất lượng. Các bên đang chờ kết quả kiểm định mẫu thép để tiến hành sửa chữa.

Riêng phần vỏ thép bị gỉ sét, ngư dân và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương thống nhất không thay thế toàn bộ thép Trung Quốc bằng thép Hàn Quốc đạt cấp A, chỉ kiểm tra và thay thế những phần thép Trung Quốc không đạt cấp A bằng thép Hàn Quốc đạt cấp A. Doanh nghiệp sẽ trả tiền chênh lệch vật liệu cho các chủ tàu. 

Buộc doanh nghiệp làm ăn "gian dối" bồi thường cho ngư dân 

Về vấn đề này, ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bình Định, cho hay cơ quan chức năng đang phối hợp với các doanh nghiệp thống nhất phương án bồi thường cho ngư dân trong thời gian tàu thép nằm bờ chờ sửa chữa.

Riêng phần thiết bị, vật liệu đóng tàu thép không đúng chủng loại theo hợp đồng, Sở yêu cầu các doanh nghiệp bồi hoàn khoản tiền chênh lệch này chuyển thẳng về các ngân hàng để khấu trừ vốn vay nhằm giảm áp lực trả nợ cho bà con ngư dân. 

Tau thep Binh Dinh nam bo anh 2
Ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bình Định, họp bàn đốc thúc các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ sửa tàu thép cho ngư dân. Ảnh: Minh Hoàng.

Tại cuộc họp, nhiều ngư dân bức xúc vì doanh nghiệp chậm khắc phục sự cố tàu thép khiến cuộc sống của họ điêu đứng. Ông Lê Văn Thãi, Chủ tàu thép Lê Gia 01, cho biết nhiều tàu thép kéo lên bờ hơn một tháng qua nhưng đến nay đầu tháng 8 rồi vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Ông dẫn chứng trường hợp tàu thép của ông Lê Ngô Hát (ngụ huyện Phù Cát) kéo lên bờ sửa chữa, Công ty TNHH MTV Nam Triệu hứa ngày 15/7 bàn giao, sau đó lùi lại đến ngày 22/7 nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục xong thì làm sao ngư dân tin tưởng được. 

"Hơn 1 tháng qua, tôi cùng anh em xuôi, ngược từ quê vào Quy Nhơn dự đến 20 cuộc họp lớn, nhỏ rồi mà tiến độ sửa tàu thép quá ì ạch. Mùa biển động đến nơi rồi, doanh nghiệp làm kiểu này thì chắc tàu của tôi đến tháng 2/2018 mới khắc phục xong", vị chủ tàu than.

Áp lực trả nợ ngân hàng, ngư dân đòi trả tàu thép

Theo ông Thãi, ngân hàng liên tục gửi thông báo nợ quá hạn phải trả 498 triệu. Đến 25/8 tới, tiền nợ gốc phải trả thêm cho ngân hàng 400 triệu đồng nữa nên gia đình có nguy cơ "chết đói".

"Nếu cuối tháng này, doanh nghiệp không sửa xong tàu thép thì tôi trả phương tiện lại cho doanh nghiệp, Công ty TNHH MTV Nam Triệu có trách nhiệm hoàn tiền đối ứng lại cho tôi trả nợ cho ngân hàng", chủ tàu quả quyết. 

Tau thep Binh Dinh nam bo anh 3
Ông Lê Văn Thãi, chủ tàu thép Lê Gia 01, cho hay sẽ trả lại phương tiện nếu 30/8 doanh nghiệp không khắc phục xong sự cố tàu thép. Ảnh: Minh Hoàng.

Đồng cảnh ngộ với ông Thãi, ông Nguyễn Công Qúy (ngụ huyện Phù Cát), cho hay tàu thép hỏng nằm bờ cả năm qua khiến kinh tế gia đình kiệt quệ. Vợ chồng ông "cắm" 3 sổ đỏ và nhiều phương tiện cơ giới thế chấp ngân hàng vay tiền đóng tàu thép, ai ngờ lâm cảnh nợ nần chồng chất. 

"Giờ tàu không ra khơi được thì lấy gì trả nợ cho ngân hàng. Nếu doanh nghiệp chây ì kéo dài thì tôi buộc phải trả tàu thép. Doanh nghiệp phải làm cam kết cụ thể ngày nào sửa tàu xong. Nếu cuối tháng 8 này không xong thì tàu thép của Nam Triệu chứ không còn sở hữu của tôi nữa", ông Qúy nói. 

Cũng tại cuộc họp, một số chủ tàu cho biết thêm, tàu nằm bờ, nợ quá hạn hàng trăm triệu đồng, phía ngân hàng "dọa" sẽ niêm phong nhà cửa trong tháng tới khiến họ hoang mang, lo lắng. 

Giải thích về tình trạng chậm tiến độ sửa tàu thép, ông Nguyễn Hoàng Tân, Giám đốc Xí nghiệp đóng tàu thuộc Công ty TNHH MTV Nam Triệu, lý giải quy trình bắn cát phun sơn vỏ tàu phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Khi phun cát xong mà thời tiết xấu ập đến là phải phun cát làm lại từ đầu rất vất vả.

Mặt khác toàn bộ cơ sở vật chất của doanh nghiệp mang từ Hải Phòng vào Bình Định, anh em dựng lán trại ở lại công trường gặp nhiều khó khăn. Giờ đây, bà con yêu cầu phải thay hộp số từ 3.0 lên 4.0 thì phải lập lại phương án lùi  tiến độ vì kéo theo nhiều hạng mục như: Trục chân vịt, rồi chân vịt cũng phải thay thế... cho đồng bộ với hộp số. 

Ngư dân 'ngại' vay vốn sau vụ tàu thép mới đóng đã hỏng, gỉ

Sau sự cố tàu thép đóng mới nằm bờ, hàng trăm ngư dân Bình Định lo ngại chưa dám ký hợp đồng vay vốn đóng mới tàu theo Nghị định 67 dù đã được phê duyệt.

Minh Hoàng

Bạn có thể quan tâm