Nóng lòng ra khơi, ngư dân tự kéo tàu thép lên bờ sửa chữa
Thứ tư, 21/6/2017 18:45 (GMT+7)
18:45 21/6/2017
Trong lúc cơ quan chức năng yêu cầu doanh nghiệp thay mới vật liệu, thiết bị cho tàu thép thì nhiều ngư dân Bình Định đưa tàu lên cảng tự sửa hy vọng sớm ra khơi.
Những ngày qua, nhiều ngư dân huyện Hoài Nhơn và Phù Cát (Bình Định) đưa tàu thép gặp sự cố hỏng hóc lên cảng Tam Quan sửa chữa.
Tàu của ông Lê Ngô Hát (ngụ huyện Phù Cát) ở cảng Tam Quan. "Tàu đóng mới bàn giao ra biển thì gặp sự cố hỏng máy liên tục, lưới cứ bị hút vào chân vịt không thể đánh bắt thủy sản nên đưa về nằm bờ sửa chữa", ông Hát bức xúc.
Sau khi cưa xẻ mở rộng khoang tàu chứa lưới, người lao động trên tàu thép ông Mai Trường (ngụ huyện Hoài Nhơn) kéo dây xích ròng rọc đưa những tấm thép ra khỏi ngoài con tàu.
Chủ tàu thép thuê thợ hàn, cơ khí sửa tàu cho phù hợp với ngành nghề lưới rê, lưới vây rút chì. Ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn (Bình Định), xác nhận do nôn nóng ra khơi, 5 chủ tàu thép xã Hoài Thanh thỏa thuận với Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) nhận hơn 200 triệu đồng để kéo tàu lên bờ sửa chữa.
Sau khi cưa xẻ nới rộng khoang chứa lưới, nhóm thợ khiêng chuyển tấm sắt thép này ra khỏi tàu.
Nhiều tấm sắt hoen gỉ, xuống cấp nghiêm trọng được thợ cơ khí cắt bỏ, nằm la liệt ở cảng Tam Quan.
Một tấm thép lớn nằm ngổn ngang bên tàu thép hoen gỉ. "Đợi chờ thay máy hoặc thay vật liệu mới đóng lại thì mất ít nhất từ 6 tháng đến một năm. Đó là chưa kể tàu thép đang hoạt động dưới biển, giờ đưa lên bờ quá lâu vật liệu dễ bị oxy hóa nhanh nguy cơ thành đống phế liệu", chủ tàu thép Lê Hoàng Thanh (ngụ xã Hoài Thanh) phân trần.
Tàu thép bị ngư dân Bình Định cắt ra thành nhiều tấm lớn, cải hoán cho phù hợp với ngành nghề đánh bắt thủy sản.
Sắt thép hư hỏng cùng thùng nhựa nằm ngổn ngang. "Chúng tôi đã ký kết hợp đồng trả lương cho thuyền trưởng và 15 lao động theo thời hạn một năm. Tàu nằm bờ kéo dài thì ngư dân càng nợ nần chồng chất, khốn khổ vô cùng", ông Trung (ngụ xã Hoài Thanh) than thở.
Tàu ông Nguyễn Công Đồng (ngụ xã Hoài Thanh) mới bàn giao đã gặp sự cố, mạn tàu gỉ sắt, xuống cấp nghiêm trọng. Vị chủ tàu phân tích tàu nằm quá lâu "bạn bè" bỏ đi làm nơi khác. Đến khi sửa xong thì "đỏ mắt" cũng không tìm được người lao động đi biển, chưa kể chi phí tiền bến bãi rất lớn.
Những ngày gần đây, ông Hà (ngụ huyện Hoài Nhơn) chạy ba gác vận chuyển hàng chục bình oxy đến cảng phục vụ sửa tàu thép.
Ngư dân khoét xốp, mở hệ thống thoát nước cho hầm bảo quản tàu thép khắc phục sự cố hư hỏng thủy sản. "Nhà nước quan tâm thì buộc doanh nghiệp đền bù, thay máy nhanh để ngư dân sớm ra biển. Tàu nằm bờ càng lâu thì chúng tôi càng thiệt thòi, áp lực trả nợ ngân hàng khó gánh nổi. Do vậy, chúng tôi phải gấp rút sửa tàu thép để sớm ra khơi lo cuộc sống cho gia đình", ông Đồng nói.
Ngày 16/6, thiếu tướng Nguyễn Văn Dự, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần (Bộ Công an) trực tiếp vào Bình Định điều tra vụ việc tàu thép do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng mới bàn giao đã gặp sự cố nằm bờ.
Ông Dự thống nhất với Bình Định là tháng 6 này Công ty TNHH MTV Nam Triệu khắc phục sự cố tàu thép cho ngư dân. Tàu nào không đúng vật liệu thì gỡ ra đóng lại, máy móc không đúng hợp đồng thì tháo ra thay mới chứ không sửa chữa chắp vá. Tổng cục Hậu cần cam kết chỉ đạo khắc phục khẩn cấp để ngư dân sớm ra khơi. Thời gian tàu nằm bờ thì doanh nghiệp có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ngư dân.
Một số hộ dân ở Thừa Thiên - Huế đã xin rút đơn đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 vì lo lắng khi nghe thông tin các tàu vỏ thép ở Bình Định bị hư hỏng khi vừa đưa vào sử dụng.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần (Bộ Công an) Nguyễn Văn Dự cam kết với Bình Định chỉ đạo doanh nghiệp thay vật liệu, máy mới cho tàu thép ngư dân mới bàn giao đã gặp sự cố.
Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo tiếp tục điều tra, xác minh nguồn gốc rượu trong vụ nghi ngộ độc rượu ở Bà Rịa - Vũng Tàu; thu thập mẫu gửi về Viện Y tế công cộng để kiểm nghiệm.