Tàu Yantar được nhìn thấy eo biển Bosphorus trên đường tới Syria. Ảnh: BBC. |
Argentina đã ngừng công cuộc giải cứu 44 thủy thủ đoàn trên tàu ngầm ARA San Juan mất tích vào ngày 15/11/2017, nhưng nước này vẫn đang cố tìm chiếc tàu ngầm diesel-điện này.
Tàu Yantar của Nga chính thức là một tàu nghiên cứu đại dương, nhưng trên thực tế, tàu được trang bị các thiết bị theo dõi và hoạt động với vai trò tàu mẹ cho các tàu ngầm lặn sâu, bao gồm cả các tàu ngầm có người lái và không người lái.
Hiện tại thì một phương tiện dưới nước điều khiển từ xa (ROV) của Nga đang quét thềm đại dương của Argentina. Nhưng tàu Yantar thực sự có những hoạt động gì trên biển?
Sự biến mất của ARA San Juan vẫn là một bí ẩn. Ảnh: Reuters. |
Nhắm vào hệ thống cáp quang dưới biển
Những hoạt động của tàu Yantar đã khiến quân đội Anh đưa ra cảnh báo tháng trước rằng Nga có thể đang làm gián đoạn và cắt các tuyến cáp viễn thông quan trọng dưới biển.
Đại tướng Stuart Peach, Tổng tư lệnh Không quân Anh, cho biết một cuộc tấn công vào hệ thống cáp quang như vậy sẽ gây ra “hậu quả thảm khốc”.
Hệ thống cáp quang phủ khắp toàn cầu và NATO cũng đặt rất nhiều tuyến cáp quân sự trêm thềm đại dương.
Theo Igor Sutyagin, chuyên gia ở London về quân sự Nga, tàu Yantar có thể can thiệp vào mạng lưới cáp quang. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Nga đã làm việc này.
“Rất khó để thiết lập kết nối các dây cáp quang bên trong, ở trong chỉ có ánh sáng, không có dữ liệu điện”, BBC dẫn lời ông Sutyagin, “cắt cáp thì sẽ dễ dàng hơn”.
Cấu tạo dây cáp quang dưới biển. Ảnh: BBC. |
Ông Sutyagin lưu ý rằng vào những năm 1970, giai đoạn Chiến tranh Lạnh, Hải quân Mỹ đã mất quyền kiểm soát với một trạm theo dõi tàu ngầm, thuộc hệ thống giám sát âm thanh dưới biển Đại Tây Dương. Quân đội Mỹ kết luận rằng tàu ngầm Soviet đã cắt đứt dây cáp.
Đồng thời trong khoảng thời gian đó, nhiều báo cáo cho biết quân đội Mỹ lắp đặt thiết bị nghe lên dây cáp biển Soviet tại vùng biển Okhotsk, căn cứ của tàu ngầm của Liên Xô.
Theo Báo cáo từ Quốc hội Nga, tàu Yantar có thể tiến hành các hoạt động bí mật giống như vậy bằng cách sử dụng tàu ngầm lặn sâu.
“Tàu Yantar có trang thiết bị được thiết kế chuyên cho theo dõi dưới biển sâu, và các thiết bị có thể kết nối với các tuyến cáp viễn thông tối mật”, tờ Parlamentskaya Gazeta đưa tin vào tháng 10 năm ngoái.
Ông Sutyagin, thuộc Viện các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh, cho biết tàu Yantar thuộc quyền quản lý của Ban Chỉ huy Nghiên cứu Đại Dương (GUGI), một bộ phận thuộc Bộ Quốc phòng Nga.
Tàu Yantar, dài 108 m với lực lượng gồm 60 thủy thủ đoàn, bắt đầu phục vụ vào năm 2015. Tàu được xây tại cảng Baltic của Kaliningrad, là tàu đầu tiên trong loạt tàu trong Dự án 22010. Con tàu thứ 2 mang tên Almaz sẽ sớm trên đường tới với hải quân.
Trước đó, Nga đã có trong tay một số tàu gián điệp. Vào tháng 4, một trong số đó là tàu Liman đã chìm ở bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ sau khi va chạm với một tàu chở hàng. Tất cả thủy thủ đoàn đều được cứu sống.
Tàu Yantar có thể dàn trận các tàu ngầm 3 người là Rus và Konsul, lặn sâu tới 6.000 m.
Tàu ngầm Rus, với đoàn 3 thủy thủ, lặn sâu tới 6.180 m ở Đại Tây Dương. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga. |
Do thám Mỹ
Báo cáo Quốc hội Nga ghi nhận rằng vào mùa hè năm 2015, tàu Yantar đã triển khai gần căn cứ hải quân Kings Bay tại Georgia, Mỹ.
Theo các quan chức của Lầu Năm Góc, Nga thu thập tin tình báo từ các thiết bị ngầm dưới biển của Mỹ, bao gồm cả cảm biến dưới nước trong Mạng Thông tin Bộ Quốc Phòng (DoDIN).
Theo báo cáo từ các trang mạng công nghệ hải quân, Kings Bay là căn cứ chứa 6 tàu ngầm tên lửa đạn đạo Trident của Mỹ. Mỗi chiếc được trang bị 24 tên lửa hạt nhân.
Ông Sutyagin nói rằng những thiết bị cảm biến dưới nước của Mỹ gần Kings Bay thu hút sự quan tâm của quân đội Nga bởi họ đang muốn bắt chước công nghệ Mỹ.
Vào cuối năm 2016, tàu Yantar bị phát hiện có mặt tại những khu vực đường cáp biển kết nối thông tin mạng Internet gần bờ biển Syria, trong đó có các tuyến cáp kết nối tới châu Âu.
Con tàu này được cho là dừng đỗ thường xuyên tại một số điểm dọc đường dây cáp. Nhiều báo cáo nghi ngờ rằng các tàu ngầm con lúc đó đang khảo sát đáy biển.
Tìm kiếm và cứu hộ
Bên cạnh nhiệm vụ hỗ trợ Argentina gần đây, tàu Yantar đã được sử dụng trước đó cho việc tìm kiếm và giải cứu.
Theo báo cáo của Quốc hội Nga, con tàu này đã từng xác định được địa điểm 2 máy bay chiến đấu của Nga, Su-33 và MiG-29, gặp nạn tại Địa Trung Hải vào năm 2016, trong Chiến tranh Syria.
"Tàu Yantar đã kịp thời thu hồi được các thiết bị bí mật từ máy bay”, ông Sutyagin đánh giá, "đó có thể là dữ liệu radar hoặc tên lửa hoặc một hệ thống nhận dạng kẻ thù - đồng minh".
Vụ mất tích của tàu ngầm Argentina làm những ký ức về thảm kịch tàu ngầm Kursk ngày 2000 sống lại. Vào thời điểm đó, một con tàu như Yantar có thể đã cứu sống các thủy thủ và khôi phục danh tiếng của hải quân Nga.
Bí ẩn vụ mất tích tàu ngầm ARA San Juan. Sơ đồ tuyến đường và vị trí mất tích ước tính. Đồ họa: BBC. |