Chủ tài khoản SUK-CC, sinh sống ở thành phố Ma Thành, gần Vũ Hán, cho biết "gần một nửa người dân ở Ma Thành đã đến Vũ Hán, tuy nhiên nhà chức trách địa phương chưa công bố gì cũng như chưa yêu cầu người dân có biện pháp phòng ngừa y tế". Ma Thành chỉ cách Vũ Hán 40 phút đi tàu.
"Điểm cuối cùng trên hành trình bằng tàu hỏa của tôi hôm nay là Vũ Hán, và nhiều người cần chuyển tàu ở Vũ Hán hiểu là họ sẽ không thể tìm được chuyến tàu nào khác, bởi cả thành phố đã bị phong tỏa. Tất cả mọi người muốn về nhà và cùng gia đình đón Tết nguyên đán", người phụ nữ viết.
Một người khác viết: "Tàu của tôi chỉ dừng 5 phút tại nhà ga Vũ Hán, một nhóm người cạnh tôi lên tàu từ đây. Tôi đang run cả người vì lo sợ đây".
Bệnh viêm phổi do virus corona đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 17 người và hơn 500 người mắc bệnh. Ảnh: Guardian. |
Tất cả các phương tiện công cộng đến và đi khỏi thành phố Vũ Hán, bao hồm tàu hỏa, xe bus và phà ngừng hoạt động lúc 10h ngày 23/1.
Biện pháp này được thực hiện giữa lúc chính phủ Trung Quốc áp đặt lệnh cách ly để nỗ lực kiểm soát sự lây lan của bệnh viêm phổi do virus corona đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 17 người và hơn 500 người mắc bệnh.
Gián đoạn giao thông đã khiến các gia đình cân nhắc lại kế hoạch di chuyển cho dịp Tết nguyên đán.
Chen Yan, một kỹ sư công nghệ thông tin 35 tuổi, đã đến Vũ Hán với vợ và con trai 5 tuổi để nghỉ lễ cùng gia đình, cuối cùng quyết định lái xe trở về nhà ngay trong đêm 22/1. Cha mẹ Yan quyết định ở lại Vũ Hán.
"Tôi cảm thấy mọi chuyện đang chuyển biến xấu nhanh chóng. Nhưng cha mẹ tôi không muốn rời đi, dù tôi có thuyết phục họ thế nào chăng nữa. Mẹ tôi muốn ở nhà như mọi dịp Tết trước đây, vì thế chúng tôi cùng ăn tối vào hôm 22/1. Tôi đã khóc khi ôm mẹ trước lúc lái xe đi", Yan nói.
Một người dân Vũ Hán họ Yu cho biết quyết định ở trong nhà để tránh nguy cơ lây nhiễm.
"Không ai sẵn sàng cho tình huống đóng cửa thành phố. Tôi đã đi siêu thị sáng nay, nhiều người ở đó và rau thì đã hết sạch. Nhưng vấn đề lớn nhất không phải là nhu cầu hàng ngày, đó là vấn đề điều trị y tế", Yu nói.
"Chúng tôi đang thiếu trầm trọng nguồn lực y tế. Các bác sĩ đang làm việc 24 giờ mỗi ngày, sống trong bệnh viện, trong đó có cả bạn học của tôi. Thiết bị bảo vệ đang rất thiếu, thậm chi không đủ cho bác sĩ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân", Yu nói.
Các doanh nghiệp dược phẩm Trung Quốc đang tăng cường sản xuất mặt nạ y tế nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm trong hoảng loạn nhằm tự bảo vệ trước dịch bệnh của người dân khắp Trung Quốc, Hubei Daily cho biết.
Một nhân viên tập đoàn Jiuzhou Express Pharmaceutical cho biết hơn 500.000 mặt nạ đã được công ty này bán ra thị trường trong ngày 21/1, trong đó một lượng lớn chuyển đến Vũ Hán. Người này cho biết số lượng mặt nạ bán ra trong ngày 22/1 có thể cao gấp đôi so với ngày 21/1.