Theo hãng tin ISNA của Iran, tàu chở dầu này thuộc về Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran (NIOC), đang ở trên Biển Đỏ, cách thành phố cảng Jeddah thuộc Saudi Arabia gần 100 km hôm 11/10.
Các nguồn tin không rõ danh tính nói với ISNA rằng vụ nổ đã gây thiệt hại nặng cho con tàu, khiến dầu tràn ra biển. "Các chuyên gia không loại trừ đây là một vụ tấn công khủng bố", hãng tin Iran cho hay.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước Iran dẫn lời công ty NIOC cho biết tàu bị tấn công bằng hai tên lửa, theo AFP. Theo tuyên bố từ công ty nhà nước này, phần thân của con tàu đã bị 2 tên lửa tấn công, song không gây ra cháy như một số nguồn tin cho hay.
NIOC xác định con tàu trong sự việc tên là Sabiti, sau khi một số bản tin ban đầu nói tàu tên là Sinopa.
Hãng tin Nour có liên hệ với lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) cho biết con tàu tên là Sanitized, không ai trong thủy thủ đoàn bị thương và tình hình đã được kiểm soát.
Con tàu đang ở trên Biển Đỏ, cách Jeddah gần 100 km. Đồ họa: BBC. |
Theo website theo dõi tàu Tankertrackers, đây là tàu chở dầu cỡ lớn nhất và đang di chuyển với sức chuyên chở tối đa là 1 triệu barrel dầu, hướng về Syria (1 barrel tương đương khoảng 160 lít).
Al Jazeera cho biết đã có 2 vụ nổ xảy ra cách nhau khoảng 30 phút, lúc 5h và 5h30.
Biển Đỏ là tuyến vận tải biển quan trọng đối với dầu mỏ và các sản phẩm khác, nối Ấn Độ Dương với Địa Trung Hải thông qua kênh đào Suez. Giá dầu thô đã tăng sau khi có tin về vụ nổ và các nguồn tin trong ngành nói sự việc có thể khiến chi phí vận chuyển vốn đã cao bị đẩy lên.
Saudi Arabia chưa lập tức đưa ra xác nhận về vụ việc.
Vụ nổ xảy ra trong bối cảnh đã có nhiều vụ tấn công nhằm vào các tàu chở dầu, cơ sở dầu mỏ tại Vùng Vịnh trong những tháng qua, cho thấy rõ căng thẳng dâng cao tại Trung Đông.
Hồi tháng 5 và tháng 6, Mỹ đã cáo buộc Iran đứng sau hai vụ tấn công nhằm vào các tàu chở dầu và tàu hàng tại vùng biển gần eo biển Hormuz, tuyến hàng hải huyết mạch nơi một phần tư lượng dầu mỏ thế giới đi qua. Tehran đã bác bỏ những cáo buộc này.
Quan hệ giữa Washington và Tehran từng bước xấu đi sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 hồi năm ngoái. Washington sau đó cũng tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu khí và ngân hàng của Iran.
Căng thẳng tiếp tục gia tăng sau khi hai cơ sở dầu mỏ lớn của Saudi Arabia bị tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa hôm 14/9, làm gián đoạn khoảng 5% nguồn cung dầu thế giới. Phiến quân Houthi nhận trách nhiệm về vụ tấn công nhưng Mỹ nói các tên lửa xuất phát từ tây nam Iran.
Saudi Arabia, nước dẫn đầu nhóm liên quân chiến đấu với lực lượng Houthi tại Yemen, quy trách nhiệm cho Iran, khiến căng thẳng giữa hai đối thủ lâu năm tại Vùng Vịnh dâng cao. Tehran, bên ủng hộ Houthi, phủ nhận mọi dính líu.