Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường U.S.S. William P. Lawrence. Ảnh: Navy.mil |
Hoạt động của tàu U.S.S. William P. Lawrence ngày 10/5 là lần thứ 3 Mỹ đi qua khu vực này trong vòng 1 năm trở lại đây, nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải trên Biển Đông đồng thời thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
"Những tuyên bố chủ quyền tham lam này không phù hợp với luật pháp quốc tế được phản ánh trong công ước về luật biển, do nó hướng đến hạn chế quyền tự do hàng hải của Mỹ và tất cả các nước khác. Chúng tôi không thông báo trước với các bên nào về cuộc tuần tra này, do nó phù hợp với quy trình bình thường của Mỹ và luật pháp quốc tế", người phát ngôn Lầu Năm Góc Bill Urban cho biết.
Các quan chức quân sự Mỹ nói với Wall Street Journal rằng, hoạt động của tàu William P. Lawrence diễn ra theo thông lệ. Tuy nhiên, họ không cung cấp thêm thông tin về nhiệm vụ tuần tra này.
Sau sự việc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bày tỏ sự giận dữ trước cuộc tuần tra của tàu chiến Mỹ. Người phát ngôn Lục Khảng cáo buộc tàu William P. Lawrence đã đến gần đảo nhân tạo "trái phép mà không xin phép trước với Bắc Kinh". "Hành động này đe dọa hòa bình và ổn định" khu vực, ông Lục nói.
Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam tháng 5/2015. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Đá Chữ Thập là một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc chiếm đóng phi pháp trên đá này từ năm 1988. Đến năm 2014, Trung Quốc bắt đầu đợt cải tạo quy mô trái phép đá này thành đảo nhân tạo lớn nhất Trường Sa. Đường băng trên đá Chữ Thập dài hơn 3.000 m, có khả năng đảm bảo hoạt động của mọi loại máy bay, bao gồm phi cơ ném bom chiến lược tầm xa của Trung Quốc.
Một trong những công trình lưỡng dụng mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập là đường băng dài 3.000 m. Washington lo ngại Bắc Kinh sẽ sử dụng công trình này để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền.
Hồi tháng 4, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thúc giục Trung Quốc tái khẳng định nước này không có kế hoạch triển khai máy bay quân sự ra quần đảo Trường Sa. Động thái này diễn ra sau khi Trung Quốc điều máy bay vận tải quân sự ra đá Chữ Thập, chống chế rằng để sơ tán một công nhân bị ốm.
Khu vực đá Chữ Thập và các thực thể Trung Quốc bồi lấp trái phép thành đạo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đồ họa: Wall Street Journal
|
Hoạt động tuần tra của tàu William P. Lawrence diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp thăm Việt Nam và dự kiến thảo luận về tình hình Biển Đông với các nhà lãnh đạo tại Hà Nội.
Trước sự việc ngày 10/5, Hải quân Mỹ cũng đã thực hiện 2 cuộc tuần tra khẳng định quyền tự do hàng hải, là sứ mệnh của tàu USS Curtis Wilbur đi quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 1/2016, và tàu USS Lassen tuần tra quanh các nơi Trung Quốc bồi lấp trái phép ở Trường Sa hồi tháng 10/2015.
Đề cập đến các hoạt động của Hải quân Mỹ ở Biển Đông, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel ngày 10/5 khẳng định đó là hoạt động nhằm thể hiện chủ quyền quốc tế. Đây là quyền được luật pháp quốc tế quy định, không chỉ là quyền dành cho Mỹ mà cả các nước khác trên thế giới và đây là chính sách Mỹ thực hiện suốt nhiều thập kỷ qua.
"Các cuộc tuần tra là sự ủng hộ của Mỹ về hệ thống quốc tế mở. Nếu hải quân quốc gia hùng mạnh nhất thế giới không đảm bảo được các quyền này, những nước yếu hơn sẽ thực hiện nó như thế nào? Nếu các tàu chiến Mỹ không thực hiện được quyền chính đáng, làm sao tàu cá và tàu hàng có thể đi qua mà không bị lực lượng hùng mạnh khác ngăn cản?", nhà ngoại giao lâu năm của Mỹ nhấn mạnh.