Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tàu chiến Mỹ nhận lệnh báo động chiến đấu giữa căng thẳng Iran

Thủy thủ đoàn trên tàu hộ tống mang tên lửa dẫn đường USS Leyte Gulf sáng 20/6 được lệnh sẵn sàng chiến đấu, không lâu sau khi Iran bắn rơi chiếc Global Hawk của hải quân Mỹ.

Hơn 24 tiếng sau vụ Iran bắn rơi máy bay không người lái RQ-4A Global Hawk của Mỹ ở khu vực eo biển, nhiều quan chức tiết lộ với truyền thông rằng Tổng thống Donald Trump có phê chuẩn kế hoạch tấn công đáp trả.

Quyết định phát động không kích đã được rút vào phút chót sau khi ông Trump thảo luận cùng các cố vấn an ninh và lãnh đạo lưỡng viện.

Sẵn sàng tấn công trong vòng 1 tiếng

Newsweek cho biết một trong những khí tài quân sự Mỹ được đặt vào tình trạng sẵn sàng tác chiến có tàu hộ tống trang bị tên lửa dẫn đường USS Leyte Gulf.

Một quan chức giấu tên của Lầu Năm Góc cho biết chiến hạm lớp Ticonderoga được thông báo tiếp tục trực chiến trong vòng 72 giờ sau vụ tấn công. Nguồn tin cho biết các lực lượng Mỹ tại khu vực nhận được lệnh vào khoảng 2h sáng 20/6 (theo giờ Washington), hơn bốn tiếng sau khi máy bay không người lái Mỹ bị bắn hạ.

Thông báo lúc đó là "trong vòng 1 tiếng" có thể khai hỏa. 

Iran ban roi drone My anh 1
Tàu hộ tống mang tên lửa dẫn đường USS Leyte Gulf (phải), lớp Ticonderoga, và tàu khu trục USS Bainbridge ở Địa Trung Hải hồi tháng 4. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Tuy nhiên, đã không có lệnh phát động tấn công nào được đưa ra. Cho đến tận 18h30 - 19h00 (theo giờ Washington), tức gần 18 tiếng sau lệnh báo động, kế hoạch tấn công mới được rút lại.

Kế hoạch tấn công do Lầu Năm Góc đề xuất và nằm trong danh sách các phương án được giới chức cấp cao tại Washington trình bày cho Tổng thống Trump. Không rõ các bước chuẩn bị cho chiến tranh đã được triển khai đến mức độ nào. Một quan chức giấu tên cũng xác nhận với AP không có lực lượng nào của Mỹ nổ súng.

Tổng thống Trump quyết định rút lại lệnh tấn công sau gần một tiếng họp với các cố vấn an ninh hàng đầu tại Phòng Tình huống của Nhà Trắng. Thành phần tham dự có Ngoại trưởng Mike Pompeo, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Pompeo, Tổng tham mưu trưởng Joseph Dunford, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan và Bộ trưởng Lục quân Mark Esper - người được ông Trump nói sẽ đề cử làm lãnh đạo Lầu Năm Góc.

Cả ông Pompeo và Bolton đều ủng hộ hành động cứng rắn với Iran. Tuy nhiên, các lãnh đạo quốc hội có mặt tại cuộc họp đề nghị ông Trump cẩn trọng và không leo thang tình hình căng thẳng tại khu vực. Chủ tịch Hội đồng Tình báo Hạ viện Adam Schiff cho biết ông Trump đã chọn lắng nghe quốc hội.

Dẫn tiết lộ của nhiều quan chức Iran, Reuters cho biết chính quyền Tehran giữa khuya 20/6 nhận được thông điệp cảnh báo từ Tổng thống Donald Trump rằng Mỹ có thể tiến hành tấn công bất cứ lúc nào. Lời đe dọa được gửi gián tiếp qua chính phủ Oman, không lâu sau khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) xác nhận bắn rơi máy bay không người lái RQ-4A Global Hawk của Mỹ ở miền Nam nước này.

Chính quyền Tehran lập tức lên án lời đe dọa của ông Trump. Cảnh báo bất cứ hành động quân sự nào của Mỹ cũng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng "với khu vực và quốc tế".

Các quan chức Iran cho biết Tổng thống Trump chỉ cho chính quyền Tehran "khoảng thời gian giới hạn" để phản hồi lời cảnh cáo.

Nghi tên lửa khác bắn hạ UAV

Trong tiết lộ ban đầu của New York Times, kế hoạch không kích của Mỹ nhắm đến nhiều hệ thống radar và tên lửa phòng không của Iran.

Hé lộ sau đó trên Newsweek cho biết một trong số những mục tiêu tàu chiến Mỹ nhắm đến là hệ thống tên lửa đất đối không S-125 Neva/Pechora của Iran.

Iran ban roi drone My anh 2
Hệ thống tên lửa phòng không Raad và tên lửa Taer của Iran trong lễ duyệt binh năm 2012. Ảnh: Getty.

Hệ thống phòng không trên được phát triển từ thời Liên Xô được Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đặt mật danh là SA-3 GOA. Lầu Năm Góc đánh giá đây mới là "thủ phạm" bắn rơi chiếc RQ-4A Global Hawk của hải quân Mỹ ngày 20/6.

Trước đó, thông cáo của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) khẳng định đã dùng hệ thống phòng không nội địa Khorad III, một phiên bản của bệ phóng tên lửa đất đối không Raad (trong tiếng Farsi có nghĩa là sấm sét).

Tên lửa S-125 Neva có tầm bắn và độ cao mục tiêu đều ngắn hơn hai "tiền bối" của mình là S-25 và S-75. Tên lửa V-600 của hệ thống này có tầm bắn chặn khoảng 18 km với đầu đạn chỉ 60 kg. Tên lửa dù không có vận tốc lớn, nhưng nhờ thiết kế vận hành chia hai giai đoạn lại đối phó dễ hơn với những mục tiêu linh động về hướng bay.

Phiên bản sau của tên lửa này là V-601 mang đầu đạn 70 kg và tầm hoạt động nâng lên 35 km. Giới phân tích quốc phòng cho biết hệ thống này có thể đánh chặn được F-16 ở khoảng cách 30 km và máy bay lớn hơn trong phạm vi 35 km.

Dòng hệ thống tên lửa đất đối không được đánh giá là hiệu quả hơn khi đương đầu với các mục tiêu bay tầm thấp. Nó cũng vượt trội các phiên bản trước ở khả năng khắc chế các công cụ gây nhiễu sóng vô tuyến - điện tử (ECM). 

Iran tung video chứng minh máy bay Mỹ đã xâm phạm lãnh thổ Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, thiếu tướng Hossein Salami cho rằng vụ bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ là một “thông điệp rõ ràng” gửi tới Washington.

TT Trump nhắn tin 'sắp tấn công' cho Iran vào lúc nửa đêm

Không lâu sau khi Iran thông báo bắn rơi máy bay không người lái, Tổng thống Trump giữa khuya nhắn tin nhờ Oman cảnh báo Iran là Mỹ có thể tấn công Tehran bất cứ lúc nào.

TT Trump phê chuẩn tấn công Iran, nhưng bất ngờ rút quyết định

Theo New York Times, Tổng thống Trump đã chấp thuận tấn công quân sự Iran sau khi nước này bắn rơi máy bay không người lái Mỹ, nhưng bất ngờ rút lại quyết định ngay sáng nay.

Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm