Nguồn tin từ Mỹ ngày 28/4 thông báo tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry (DDG-52) của nước này đã tiến vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Đài truyền hình CGTN của Trung Quốc cùng ngày dẫn lời phát ngôn viên Chiến khu miền Nam Trung Quốc Lý Hoa Mẫn nói lực lượng này đang theo dõi một tàu chiến Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa.
Tàu chiến Mỹ tới gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông hôm 28/4. Ảnh: AFP. |
Trước đó, Mỹ và Australia đã triển khai cuộc tập trận chung trên Biển Đông với sự tham gia của tuần dương hạm USS Bunker Hill, tàu đổ bộ tấn công USS America và tàu hộ vệ HMAS Parramatta hôm 18/4.
Thông tin này xuất hiện sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 18/4 lên tiếng bày tỏ quan ngại trước thông tin về "những hành động khiêu khích liên tiếp của Trung Quốc nhắm đến hoạt động phát triển dầu và khí đốt xa bờ".
Tuyên bố được đưa ra giữa thời điểm tàu thăm dò Hải dương Địa chất 8 (HD-8) của Trung Quốc hiện diện trong vùng biển gần Malaysia.
Bộ Ngoại giao Mỹ lên án các hành động của Trung Quốc đã đe dọa an ninh năng lượng khu vực, đồng thời yêu cầu Trung Quốc "chấm dứt kiểu hành xử bắt nạt".
Tuần dương hạm USS Bunker Hill. Ảnh: Reuters. |
Ngày 23/4, trong cuộc họp với các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ quan ngại trước "cách hành xử khiêu khích" và "đơn phương" của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ông nhắc lại các động thái của Trung Quốc trong thời gian gần đây, gọi đó là sự "lợi dụng sự mất tập trung" từ cộng đồng quốc tế trong vấn đề Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ lên án Trung Quốc "gia tăng áp lực quân sự và cưỡng ép những láng giềng trong khu vực Biển Đông, thậm chí táo bạo đến mức đâm chìm cả tàu cá Việt Nam".
"Mỹ kịch liệt phản đối hành động bắt nạt của Trung Quốc và chúng tôi hy vọng các nước khác cũng yêu cầu họ thừa nhận trách nhiệm", ông Pompeo nhấn mạnh.