Tàu USS Lassen của Hải quân Mỹ. Ảnh: Naval Today |
Reuters dẫn lời một quan chức hải quân Mỹ cho hay, tàu khu trục USS Lassen đã đi vào khu vực gần đá Xu Bi và đá Vành Khăn trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam và có thể ở đó trong vài giờ.
Tàu Mỹ khởi động quá trình tuần tra quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông vào lúc 6h40 (giờ địa phương, ngày 27/10).
Quan chức Mỹ cho biết thêm, việc tuần tra có thể tiếp diễn trong vài tuần tới. "Chuyện này đã diễn ra đều đặn chứ không phải sự kiện bất thường", ông nói.
Khu trục hạm có thể đã di chuyển gần các đảo nhân tạo từ tối 26/10 theo giờ Washington, một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ. Phi cơ sẽ hỗ trợ tàu bằng hoạt động do thám trên không phận quốc tế. Ngoài việc theo dõi chiến hạm từ trên không, máy bay có thể xử lý những tình huống bất ngờ phát sinh.
Ảnh vệ tinh chụp đá Xu Bi trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 5/6. Ảnh: Digital Globe |
Một quan chức thuộc Lầu Năm Góc xác nhận với CNN rằng Hải quân Mỹ điều một khu trục hạm tới khu vực trong phạm vi 12 hải lý quanh những đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở Biển Đông. Vị quan chức nói Tổng thống Barack Obama đã phê chuẩn nhiệm vụ của tàu.
CNN cũng dẫn lời ông John Kirby, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói rằng Washington không thông báo với Bắc Kinh về chuyến tuần tra của khu trục hạm.
"Khi thực hiện quyền tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế, một quốc gia không phải thông báo hay thảo luận với quốc gia khác", ông giải thích.
Ảnh vệ tinh chụp đá Vành Khăn trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 27/5. Ảnh: Digital Globe |
Trước đó, giới chức Mỹ tuyên bố chuyến tuần tra của tàu USS Lassen có thể kèm theo sự hỗ trợ của các máy bay do thám P-8A hoặc P-3. Người phát ngôn của Nhà Trắng Josh Earnest đề nghị chuyển các câu hỏi cụ thể về hoạt động tuần tra sang Lầu Năm Góc.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Mỹ đã thể hiện rõ với Trung Quốc về tầm quan trọng của tự do hàng hải trên Biển Đông.
"Dòng thương mại hàng tỷ USD chảy qua khu vực này. Do vậy, việc bảo đảm tự do lưu thông thương mại là rất quan trọng với kinh tế toàn cầu", ông nói.Trong khi đó, các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định, nước này thường tổ chức những cuộc tuần tra trên toàn thế giới để phản đối những tuyên bố chủ quyền tham lam.
Bản đồ các đảo mà Trung Quốc cưỡng đoạt và bồi lấp trái phép. Ảnh: Wall Street Journal. |
Động thái điều tàu lần này là hành động mạnh nhất của Mỹ để thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ngày 9/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang nhiên cảnh báo: "Bắc Kinh sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ quốc gia nào xâm phạm vùng biển chủ quyền và không phận của Trung Quốc dưới danh nghĩa là tự do hàng hải và hàng không".
Vào tháng 9, Trung Quốc từng cử tàu hải quân đi vào 12 hải lý quanh quần đảo Aleutian ngoài khơi bang Alaksa của Mỹ. Bắc Kinh biện hộ rằng, đây là một phần trong cuộc tập trận thường niên với Nga.