Những ngày cuối năm, mục “ngày này năm xưa” của facebook liên tục nhắc các vụ tất niên các năm trước, trong đó, rải rác ảnh tất niên khu phố. Ảnh nào cũng nhận được rất nhiều lời bình luận của bạn bè, kiểu: “Ơ, sao khu nhà bạn hay thế nhỉ?”.
Nghĩ lại cũng thấy hay thật, cả một thành phố thủ đô hàng chục triệu dân, hàng mấy trăm nghìn khu phố, có mấy khu phố tổ chức ăn tất niên chung thế này đâu. Tất nhiên cũng lác đác có vài bạn đăng ảnh, khoe ở ngõ phố hay chung cư mới dọn về, cư dân làm tiệc tất niên các hộ cùng tầng với nhau, cũng rất có không khí Tết. Nhưng làm cỗ chung cả khu tập thể cả trăm hộ thế này là hiếm.
Khu tập thể năm tầng được hình thành từ những năm 1970, ban đầu toàn cán bộ nhân viên một công ty xây dựng, các cụ tính được đâu chín mươi phòng, mà số hộ thì nhiều hơn, lên tới một trăm hai mươi mấy hộ. Đến nay, số các cụ đồng nghiệp cùng thời với nhau không còn nhiều, nhưng đa phần là có quen biết, vì lứa con cháu lớn lên, đi học, chơi cùng nhau suốt mấy chục năm qua. Nhưng có điều lạ là chỉ dãy nhà trong cùng vẫn ăn tất niên cùng nhau, người ở ba dãy nhà phía trước thường chỉ bàn luận, hỏi han một cách thèm muốn.
Nhiều hộ ở dãy nhà này đã chuyển đi nơi khác, nhưng năm nào mọi người cũng thông báo và quay về tụ họp vui lắm. Hồi đầu còn tổ chức cúng thần đất cuối năm, nhưng sau các cụ bảo thôi, chỉ có liên hoan là không hề bỏ, và cứ đến gần Tết, gặp nhau ở chỗ gửi xe là lại thường chào nhau “Lại sắp tất niên rồi nhỉ?”.
Tất nhiên công lao duy trì việc này thuộc về các cụ ở tổ dân phố, cụ nào cũng nhiệt tình. Sân tập thể mấy năm nay cho một anh thầu trông ôtô, nên quỹ của khu cũng có một món tiền để làm sân, thoát nước, và cuối năm dùng để làm tất niên “đoàn kết”, mỗi hộ thường chỉ phải đóng một khoản gọi là hoặc tùy tâm.
Đến tháng Chạp, các cụ họp, chọn một chiều thứ Bảy hay Chủ nhật, yêu cầu các nhà gửi xe đánh xe đi gửi tạm ở ngoài, rồi cả khu xúm tay vào dọn dẹp, chuẩn bị.
Tất niên là dịp để gặp gỡ, giao lưu, không chỉ là những mâm cỗ Tết. |
Từ mờ sáng đã nghe tiếng chổi các cụ quét sân sạch sẽ, rồi đi xôn xao tiếng các bà phân công nhau đi chợ mua thịt, mua rau, đồ nấu. Khu bên cạnh lại có một nhà chuyên phục vụ đám cưới, nên thuê rạp, bàn ghế, đồ đạc cũng tiện.
Mấy thanh niên kéo xe cải tiến đi chở đồ về, dựng rạp, kê bàn ghế rộn ràng suốt buổi sáng. Loa đài được lắp, phát mấy bản nhạc Xuân đưa không khí Tết tràn về khắp xóm. Các cụ trang trí cũng chu đáo lắm, in phông màn chào Xuân trang trọng, rồi cũng bày mâm ngũ quả, lọ hoa, cành đào, nhìn vào thấy ngập tràn không khí Tết.
Mấy cái bếp nấu cỗ được bày ra một góc sân, nước được bắt vòi ra chậu. Cả buổi sáng, các bà các chị nhặt rau, băm thịt, làm gà, rán nem, nướng chả, chuyện trò râm ran. Thỉnh thoảng lại thấy các bà sai cháu “ra hàng mua cho bà gói bột canh”, hay “vào nhà lấy cô cái dao, cái kéo”, đúng không khí đại gia đình có cỗ. Đến trưa thì mọi việc cũng đã hòm hòm. Đội “hậu cần” và mấy chân sai vặt được chiêu đãi bữa miến nấu bằng nước luộc gà với lòng mề. Ngồi vào mâm, người cầu thang này mới có dịp gặp người ở cầu thang kia sau cả năm xa cách.
Đến chiều tối, tất cả nhân sự rảnh rỗi được huy động hết ra chạy bàn. Mấy chục bàn được bày ra một lượt, đầu tiên là phục vụ các cháu, mà cũng phải ăn làm hai đợt mới hết.
Các cụ cùng thanh niên kéo nhau vào ngồi mấy nhà tầng một uống nước, trò chuyện. Vài ông xách theo chai rượu ngoại hay bình rượu ngâm, mấy anh khác cầm theo túi đồ đặc sản mới mua trên đường công tác để lát vào bàn chia cho mọi người cùng thưởng thức.
Thế rồi đã đến giờ “chính hội”. Bác tổ trưởng cầm micro mời các cụ, các bà và thanh niên ngồi vào bàn. Ghế được kê thêm vì mọi người cứ thích mâm đông, nói chuyện cho thích. Có cả mấy anh chị ở dãy nhà bên cạnh nhưng năm nào cũng góp mặt. Sau màn văn nghệ chào mừng của các bà và phát biểu chúc Tết của tổ trưởng, tất cả cùng nâng ly, vào tiệc.
Bây giờ mới là lúc câu chuyện nổ như ngô rang. Anh vẫn làm xây dựng nhỉ, năm nay công trình có đều không? Chú dạo này đi đâu lâu không gặp, thằng đầu học lớp mấy? Xen lẫn là tiếng chúc mừng, khen nhau, hỏi thăm. Rồi cả những lời xin lỗi. Em cưới chồng cho cháu nhưng chỉ mời được có mấy bác đến dự. Nghe tin ông nhà mình ốm mà em bận việc chưa kịp đến thăm, thế nay ông đã đỡ chưa?
Thỉnh thoảng lại có một nhân vật mới qua chào mâm. Em là con rể nhà ông Hải ở tầng ba. Đây là cháu nhà tôi, năm ngoái vừa cho lấy vợ ra ở riêng, mua chung cư ở dưới Từ Liêm. Mấy anh khác trông còn lạ hơn, cũng qua bắt chuyện, hỏi ra mới biết mới thuê căn phòng tầng hai, thấy vui quá cũng xin các cụ cho tham dự, tiệc tất niên khu mình vui quá, em chưa từng thấy bao giờ.
Thỉnh thoảng, các bà các chị lại chạy qua chạy lại, hỏi mâm này thiếu gì để chúng em tiếp thêm. Ai cũng khen các bà khu mình nấu ăn ngon. Các cụ ăn xong nhanh, đã bắt đầu bật karaoke hát mấy bài song ca rộn rã.
Ăn uống, hát hò cũng chỉ kéo dài đến hơi mười giờ tối, rồi tất cả lại cùng nhau thu dọn, mỗi người một tay, chỉ một loáng là sân đã trở lại thoáng rộng như chưa từng diễn ra chuyện gì. Đến sáng hôm sau ngủ dậy, đã thấy trong sân đỗ đầy ôtô các loại.
Tất niên xong là Tết chạy về nhanh lắm. Xuống lấy xe đi làm, mọi người lại bắt đầu hỏi nhau Tết này ăn Tết ở đâu, về quê bao giờ thì lên.
Mưa xuân đã bắt đầu lất phất, mấy cây bàng quanh sân lá đang trổ một màu đỏ rực, lác đác mọc lên những mầm non mơn mởn.