Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

‘Tất cả quay lưng với tôi sau hai phim thảm họa, chỉ có Diễm My ở lại’

Đạo diễn Nhất Trung cho biết trước “Cua lại vợ bầu” (2019), anh từng tạo ra hai phim thảm họa. Hậu quả là đồng nghiệp quay lưng, chỉ có Diễm My ở lại và đồng hành đến hôm nay.

Phỏng vấn

dao dien Nhat Trung anh 1

Trước khi lấn sân sang điện ảnh và trở thành đạo diễn, Nhất Trung từng là thành viên của một nhóm nhạc.

Anh cũng là tác giả của các ca khúc như Người vô hình, Giờ thì anh hứa để làm gì, và đặc biệt là bản hit Một vòng trái đất.

Với điện ảnh, Nhất Trung là đạo diễn, nhà đầu tư của các phim như hai tập 49 ngày, Bệnh viện ma, ba tập Nắng, Cua lại vợ bầu và sắp tới là 1990. Riêng Cua lại vợ bầu hiện là phim Việt có doanh thu cao nhất với 191,8 tỷ đồng.

Zing có cuộc trò chuyện với Nhất Trung về những thành bại trong điện ảnh, về cuộc đua giữa Bố giàGái già lắm chiêu V trong góc nhìn của một người làm nghề.

Bố giàGái già giúp bánh răng điện ảnh Việt lăn chuyển

- Anh nghĩ gì về cuộc đua giữa “Bố già” và “Gái già lắm chiêu V” đang diễn ra ngoài rạp?

- Trước tiên, ở góc độ làm nghề, tôi muốn cảm ơn sự mạo hiểm của hai nhà sản xuất. Họ đã đưa phim của mình ra rạp trong bối cảnh vẫn còn những lo lắng rất lớn về dịch bệnh và thói quen xem phim của khán giả có nhiều thay đổi. Nhiều người giờ thích xem phim ở nhà hơn.

Nhưng vì mạo hiểm, họ đã kéo được khán giả trở lại rạp. Điện ảnh là một vòng tròn mà tất cả cùng dựa vào nhau để tồn tại, không có phim thì rạp chết, mà rạp đóng cửa thì nhà sản xuất cũng hết cửa làm ăn. Tất cả phải liên kết với nhau như bánh răng. Bố già cùng Gái già đã giúp bánh răng ấy chuyển động, không còn ì ạch nữa.

Những ngày gần đây khi ra rạp, tôi thực sự bất ngờ khi thấy khán giả xếp hàng mua vé. Điều đó chứng tỏ chỉ cần chúng ta có phim tốt, khán giả chắc chắn ủng hộ.

dao dien Nhat Trung anh 2

Đạo diễn Nhất Trung nhận định Bố giàGái già lắm chiêu V đều là phim tốt. Ảnh: Phương Lâm.

- Điều gì thực sự tạo nên khung cảnh “khán giả xếp hàng mua vé” như anh nói?

- Tôi nghĩ là rất nhiều yếu tố từ chuyên môn, thương hiệu, thời điểm, chủ đề, diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất. Phải nói là trong cuộc đua này, hai phim đều được thực hiện chỉn chu, tốt và sâu sắc. Chúng ta cần có nhiều bộ phim như vậy để giành lấy niềm tin của khán giả. Làm phim mà làm bậy bạ thì buồn cho nền điện ảnh lắm. Tôi cũng từng làm những phim như vậy nên tôi hiểu.

Tất nhiên, không phải cứ làm phim thảm họa là không tâm huyết. Nhiều người cũng tâm huyết, nhưng do mới làm, còn non tay, không biết làm nên thành như vậy. Giống như người không biết lái xe mà lại ngồi lên xe, chắc chắn sẽ đâm vào cột. Nhưng điều đó không có nghĩa sau này họ không thể trở thành tay đua.

- Anh là đạo diễn năm phim có sự tham gia của Trấn Thành: Bệnh viện ma, hai phần Nắng, Hoán đổi, Cua lại vợ bầu. Anh đánh giá như thế nào về Trấn Thành?

- Trấn Thành khủng khiếp lắm. Thành đương nhiên là giỏi, ai làm việc với Thành đều sẽ nói câu đó. Với người diễn viên, điều quan trọng là vai diễn sau phải hơn vai diễn trước. Trấn Thành đang làm được điều đó.

Tôi nể trọng một người như Thành. Tôi đã thấy Thành ôm và khóc với bố sau buổi ra mắt Bố già. Tôi cảm nhận được rằng Thành làm phim này trước hết là cho bố mình. Đôi lúc, chúng ta phải tự hỏi bản thân làm cho bên ngoài rất nhiều, nhưng liệu đã làm được gì cho gia đình, cho những người thân chưa?

- Chủ đề về gia đình phổ biến ở phim truyền hình, mâu thuẫn giữa các thế hệ trong phim "Bố già" cũng không mới. Theo anh, điều gì khiến Trấn Thành có thể kéo khán giả ra rạp?

- Chủ đề về gia đình dễ gây nhàm chán. Tôi làm Nắng rồi nên tôi biết. Nhiều phim gia đình bây giờ đã chết, không có khán giả. Nhưng Trấn Thành có góc nhìn mới về hình ảnh người cha. Nhiều đạo diễn làm về người cha lại hay né tránh ý nọ ý kia, nhưng Thành dám lao thẳng vào vấn đề, dám đặt vấn đề mà người khác chưa đặt.

Làm phim khó lắm. Một công ty sản xuất nước ngọt làm ra hàng trăm, hàng nghìn chai giống nhau cũng được, nhưng điện ảnh thì không được như vậy. Kể cả cùng đạo diễn, mỗi phim vẫn phải khác. Thế nên, thực hiện một bộ phim vừa mới mẻ, vừa để ai cũng thấy bản thân trong đó là chuyện không đơn giản. Nhưng Trấn Thành phần nào làm được điều đó. Trấn Thành đã “gom” được nhiều đối tượng khán giả khác nhau cùng yêu thích phim.

"Kaity Nguyễn đã là ngôi sao, nhưng cần thêm những vai đột phá"

- Doanh thu của “Bố già” hiện bỏ xa “Gái già lắm chiêu V” dù chất lượng điện ảnh của hai phim có thể coi là tương đương. Góc nhìn của anh?

- Gái già lắm chiêu V là phim tốt, và thực tế là cả hai phim cùng mang khán giả đến rạp, không riêng gì phim nào. Hiện tại vẫn là thời điểm sneakshow (chiếu sớm). Phim ảnh phải tính dài hơn. Giống như Em chưa 18, Tiệc trăng máu mấy ngày đầu cũng không hề đông khán giả, nhưng càng về sau càng đông. Mọi nhận định vào lúc này đều chưa đủ cơ sở.

- Khác với Trấn Thành, anh chưa từng hợp tác với nữ chính "Gái già lắm chiêu V" - Kaity Nguyễn. Nhưng ở vị trí một người quan sát, anh đánh giá như nào về cô ấy?

- Kaity Nguyễn đã là một minh tinh rồi, một ngôi sao điện ảnh. Đương nhiên là một diễn viên để lớn hơn nữa trong mắt khán giả thì cần biến hóa. Kaity rất thông minh và cũng rất trưởng thành, có thể nói là thông minh một cách trưởng thành. Nhưng Kaity cũng cần tiếp tục có vai đột phá hơn nữa.

Kaity Nguyễn là một người thực lực. Tôi tin là đến tuổi 40, cô ấy lại khác, và ở tuổi 50, Kaity lại còn hay hơn nữa. Bây giờ, cô ấy mới có 20 tuổi mà đã diễn được như vậy, không nhiều người làm được như vậy. Kaity là hàng hiếm, vạn người có một, tin tôi đi. Tôi còn biết là Kaity rất chịu khó trải nghiệm cuộc sống, rất thích đọc sách. Một ngôi sao như thế sẽ ngày càng lớn.

"Tôi 43 tuổi rồi, không dám làm phim thảm họa nữa"

- Trong buổi họp báo công bố phim "1990", anh thừa nhận mình từng có hai phim thảm họa thời điểm mới vào nghề. Tại sao thất bại nhiều người muốn quên đi, còn anh lại công khai nhận mình từng làm phim… bậy bạ, dù đã có tác phẩm thu gần 200 tỷ đồng?

- Tại sao tôi phải chối bỏ khi chúng chính là tôi của thuở ấy? Có những ngày khủng khiếp đó, bị coi là làm phim thảm họa, rõ ràng là thất bại, là chạm đáy. Nhưng cũng chính những cú đạp đó mà sau này tôi mạnh mẽ hơn. Tôi tự hào vì dù từng thất bại trong điện ảnh, tôi đã không bỏ cuộc.

Quan điểm của tôi là trên võ đài không có kẻ mạnh, chỉ có người tồn tại cuối cùng, và đó là người chiến thắng. Bạn biết đó, phải lỳ đòn thế nào để sau hai phim thảm họa, tôi mới có được Cua lại vợ bầu.

Cua lại vợ bầu là thành quả sau hành trình 11 năm. Nó không hề đơn giản. Nhìn lại chặng đường mình đã đi qua, tôi có rất nhiều câu chuyện, có lẽ một ngày nào đó tôi sẽ làm phim về chính mình.

dao dien Nhat Trung anh 5

Nhất Trung cho biết anh nói không với phim thảm họa vì đã 43 tuổi. Ảnh: Phương Lâm.

- Hậu quả khủng khiếp nhất khi có hai phim thảm họa ở thời điểm đó là gì?

- Bị quay lưng, phải nói là rất buồn. Đôi khi chúng ta mất tiền, mất cơ hội, mất việc làm không cảm thấy khó chịu bằng sự mất mát tình thân, quan hệ. Rất nhiều người đã rời bỏ tôi ở thời điểm đó, nhưng một mình Diễm My đã ở lại. My là người sống tốt, cô ấy đóng phim thảm họa của tôi, nhưng cô ấy không trách tôi. Cô ấy nói rằng thắng hay thua cũng đã rồi. My tin rằng tôi đã làm hết sức.

- Thế nên không thể thiếu được Diễm My cho "1990"?

- Đúng vậy. Cô ấy là chứng nhân cho thất bại trên con đường điện ảnh của tôi, là người đã đồng hành và hết sức tin tưởng tôi, thế nên dấu mốc này phải có cô ấy.

- Còn Ninh Dương Lan Ngọc thì sao? Anh có thể giúp nữ diễn viên trở lại điện ảnh đúng nghĩa sau thời gian mải mê với game show?

- Tôi không đặt ra điều gì quá ghê gớm. Tôi muốn mọi người nhìn nhận nhẹ nhàng. Ninh Dương Lan Ngọc tham gia phim này cũng là dấu mốc của cô ấy, đúng năm cô ấy 30 tuổi. Cô ấy cũng như Diễm My hay Nhã Phương. 30 tuổi là cột mốc có nhiều điều để nói, để chia sẻ.

- Làm phim về tuổi 30, còn tuổi 30 của chính anh đã diễn ra như nào?

- Tuổi 30 là thời điểm trước khi tôi chuyển sang làm phim và tạo ra hai thảm họa. Thời gian đó, tôi đang làm công việc khác và rất thành công, có tiền nhưng lông bông, không nghĩ đến chuyện lập gia đình. Tôi lúc đó không quý trọng tình cảm và là người rất nông cạn, chỉ chạy theo điều viển vông.

Tại sao tôi dùng từ “nông cạn”? Bởi nghĩ lại tôi rất hối tiếc. Bây giờ, tôi cảm nhận được rằng thời gian là quý nhất. Mình liệu còn bao nhiêu thời gian để sống với ba mẹ, mình còn bao nhiêu thời gian cho chính mình?

Nếu được chọn lựa, nếu được quay ngược thời gian, tôi sẽ không sống lãng phí thời gian như hồi 30 tuổi. Hồi đó, có thành công nhưng vẫn tiếc nuối, để thấy không phải thất bại mới tiếc nuối. Thành công cũng có rất nhiều hối tiếc.

- Bài học cho anh khi nhắc lại quá khứ?

- Trong điện ảnh, tôi từ thảm họa đi lên. Do vậy, giờ tôi sợ lắm, không dám làm bậy, không cho phép mình quay lại thời làm phim thảm họa ấy. Tôi bây giờ cũng 43 tuổi rồi, không còn trẻ nữa, không còn nhiều cơ hội để sửa sai và làm lại.

‘Bố già’ của Trấn Thành có giống phim truyền hình?

“Bố già” của Trấn Thành gần gũi, chỉn chu, nhưng chưa xuất sắc. Tác phẩm mang hơi hướm phim truyền hình do mạch truyện lê thê, lấy lời thoại làm trọng tâm.

Lê Khanh 'đốt đền'

Với Lý Lệ Hà trong “Gái già lắm chiêu V”, Lê Khanh có một vai diễn nổi loạn. Tạo hình và tính cách me Tây của nhân vật khác với những định danh trước đây về “nữ hoàng sân khấu”.

Quang Đức

Bạn có thể quan tâm