Genre: Kinh dị
Director: Spenser Cohen, Anna Halberg
Cast: Avantika, Jacob Batalon, Olwen Fouéré...
Rating: 5/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim
Xuất hiện tại châu Âu từ giữa thế kỷ XV, Tarot dần trở thành phương thức bói bài được nhiều người ưa chuộng. Dù mức độ chính xác chưa được công nhận bởi bất kỳ nghiên cứu nào, điều đó cũng không làm giảm sức nóng của bộ môn tâm linh này.
Thế nhưng, qua bàn tay của bộ đôi đạo diễn Anna Halberg và Spenser Cohen, trải nghiệm bói bài lại trở thành nguyên liệu cho những thước phim kinh dị. Bộ phim khai thác mặt tối của Tarot khi biến nó thành công cụ định đoạt số phận của những nạn nhân xấu số.
Sở hữu ý tưởng độc đáo, tiềm năng, song kịch bản còn nhiều hạn chế khiến Tarot chưa thể thuyết phục khán giả, đặc biệt là những “mọt phim” kinh dị. Phim dán nhãn T18 khi ra mắt tại Việt Nam, dù được xếp hạng PG-13 tại quê nhà Bắc Mỹ.
Ý tưởng tốt nhưng kịch bản hạn chế
Câu chuyện kinh dị mang màu sắc tâm linh của Spenser Cohen cùng Anna Halberg theo chân 7 sinh viên đại học. Họ quyết định thuê một biệt thự hẻo lánh để tổ chức sinh nhật cho cô bạn Elise. Đêm đó, họ tìm thấy một căn phòng bí ẩn và phát hiện bộ bài Tarot vẽ tay đầy kỳ lạ.
Người duy nhất am hiểu về Tarot trong nhóm - Haley (Harriet Slater) - đã thực hiện việc “đọc bài” cho từng người. Hành động này vô tình giải phóng một lời nguyền bí ẩn, kéo theo những cái chết rùng rợn mang tính dẫn truyền.
Nhóm bạn trong Tarot đã phạm phải một quy tắc cấm kỵ: không bao giờ được sử dụng bộ bài của người khác. Chính sự liều lĩnh đó khiến cả bọn phải trả giá. Nhưng kỳ lạ ở chỗ, sự ra đi của từng nạn nhân đều có liên hệ mật thiết tới số mệnh đã định sẵn trên những lá bài.
Nhiều tình huống còn nặng tính sắp đặt. |
Tarot ban đầu có tựa đề Horrorscope, dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nicholas Adams nổi tiếng cuối thế kỷ XX. Song, chuyện phim dường như tách biệt với nguyên tác. Ý tưởng trung tâm xoay quanh việc lựa chọn của con người trước định mệnh được viết sẵn. Liệu con người ta sẽ bỏ mặc và chấp nhận, hay vùng lên tìm cách thay đổi số phận?
Ý tưởng độc đáo khi kết hợp bói bài và chiêm tinh học là tiền đề hoàn hảo cho dự án kinh dị của Anna Halberg và Spenser Cohen. Nó chạm vào một trong những mối quan tâm, đồng thời là nỗi sợ sâu kín nhất của con người.
Dẫu vậy, lối dẫn chuyện của Tarot lại chưa thể thắp sáng ý tưởng đó. Sự cũ kỹ trong việc sử dụng plot-device cùng những tình tiết rập khuôn biến cốt truyện tiềm năng trở thành một tác phẩm kinh dị “hạng B”.
Điều đó thể hiện ở việc biên kịch lạm dụng những motif hay archetype (nguyên mẫu) đã quá kinh điển, phổ biến trong dòng phim này. Tarot mang lại cảm giác những tác phẩm kinh dị có tuổi đời cả vài thập kỷ, khi các nhân vật luôn có xu hướng hành xử ngớ ngẩn, đẩy bản thân vào nguy hiểm. Thậm chí, nhiều tình huống còn nặng tính sắp đặt.
Nhìn chung, kịch bản Tarot không mới, nếu không muốn nói là thiếu sáng tạo. Câu chuyện về nhóm bạn vô tình giải phóng thế lực tà ác từng được nhiều dự án tại Hollywood khai thác thành công, điển hình như The Evil Dead, Ouja hay gần nhất là Talk to me... Sự khác biệt hiếm hoi mà bộ đôi đạo diễn mang lại là những cài cắm về xã hội thực tế, đặc biệt xu là hướng của thế hệ trẻ. Song, những quan sát này còn hời hợt, chưa tiếp cận sâu vào bản chất.
Phim có ý tưởng tiềm năng, nhưng cách triển khai còn non vụng. |
Với thời lượng 92 phút, phim nhập đề nhanh gọn, đẩy bi kịch đến sớm. Không mất nhiều thời gian để nắm được bối cảnh câu chuyện và cuốn theo hành trình khám phá bí mật bị che giấu. Lối kể này khiến tiết tấu phim duy trì ở mức nhanh, gấp gáp ngay từ thời điểm ban đầu, song vô hình trung lại thiếu không gian cho các nhân vật tiếp cận người xem.
Họ hiện lên mờ nhạt, thiếu câu chuyện và tương tác. Thành thử, kết nối giữa nhóm bạn khá rời rạc. Hành trình trưởng thành và thay đổi về bản ngã của các thành viên thiếu chiều sâu, trong khi việc họ liên kết chống lại phản diện lại chưa đủ sức thuyết phục.
Chất liệu kinh dị chưa mới
Ngoại trừ ý tưởng kết hợp bói bài và chiêm tinh học, Tarot chưa tìm thấy những chất liệu mới. Chính vì vậy, đứa con tinh thần của Anna Halberg và Spenser Cohen khó ghi dấu mạnh mẽ với những khán giả yêu thích dòng phim tâm linh này.
Song, nói vậy không có nghĩa là Tarot thất bại trong việc hù dọa khán giả - công việc đặc trưng của thể loại kinh dị. Tác phẩm vẫn có những màn jump-scare khiến người xem giật mình, được lồng ghép với tần suất khá dày. Tuy nhiên, cách làm này thực chất chưa đem lại hiệu quả ấn tượng như mong muốn.
Xem phim kinh dị phải cảm thấy sợ, cao hơn nữa là cảm giác ám ảnh. Nhưng ngay từ công đoạn gieo rắc nỗi sợ, Tarot đã gặp phải một số vấn đề. Đó là do phim chỉ khiến người xem giật mình vì bất ngờ, chứ không sợ hãi trước những gì đang diễn ra trước mắt. Những cảnh jump-scare theo cùng một công thức bị lạm dụng trở nên mất giá trị. Đáng nói, motif hù dọa của Tarot hơi cũ kỹ, khi cố ý khuếch đại âm thanh theo kiểu “up-to-eleven”.
Phim thường xuyên cô lập nhân vật trong bối cảnh hẹp để tạo cảm giác bức bối. |
Bộ phim cũng biết cách lợi dụng bóng tối, góc khuất để đánh thức nỗi sợ hãi trong lòng khán giả. Song, việc này cũng diễn ra quá thường xuyên, lặp đi lặp lại một cách thiếu sáng tạo. Ở phần lớn thời lượng tác phẩm, các nhân vật chìm trong bóng tối, hay những nơi họ đến cũng thiếu vắng bóng người một cách phi lý... Chính vì thế, dàn cảnh nhiều lúc đem lại cảm giác chưa tự nhiên, như thể “nhân vật ở đó vì đạo diễn bắt họ phải như thế”.
Bù lại, Tarot cho thấy sự nghiên cứu khá kỹ lưỡng về các yếu tố tâm linh hay ý nghĩa, sự liên kết giữa Tarot và chiêm tinh học. Phim cũng làm tương đối tốt ở mảng tạo hình nhân vật. Từ các hình vẽ quái gở trên bộ bài, hình dạng kỳ dị, đáng sợ của thực thể mà mỗi nạn nhân phải đối mặt trước khi chết được đầu tư khá chỉn chu. Ê-kíp cũng khôn khéo lợi dụng bối cảnh để che lấp hạn chế về kỹ xảo. Dẫu vậy, cái chết của những nạn nhân - yếu tố then chốt làm thức tỉnh nỗi sợ hãi - lại chưa được tái hiện đủ ấn tượng.
Nhìn chung, chất liệu kinh dị trong phim chỉ ở mức trung bình, không gây nhiều kinh hãi nên việc được dán nhãn 18+ có thể khiến người xem thắc mắc.
Tarot có điểm mạnh về ý tưởng, song cách triển khai còn vụng về khiến phim đánh mất tiềm năng vốn có. Chính kịch bản hạn chế cũng phần nào đó giới hạn màn thể hiện của các diễn viên. Ngoại trừ nữ chính Haley (Harriet Slater thủ vai), những vai diễn còn lại đều thiếu đất phát triển. Dàn diễn viên trẻ dừng lại ở mức hoàn thành vai diễn, chưa cho thấy nhiều nét ấn tượng, đột phá.
Tủ sách Điện ảnh - Truyền hình giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp điện ảnh, công nghệ truyền hình của Việt Nam cũng như thế giới. Ngoài ra, tủ sách còn giới thiệu các tác phẩm đáng đọc về các bộ phim, diễn viên, MC... nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới.