Tập Cận Bình ‘nắn gân’ quân đội
Chưa đầy 2 tháng sau khi được bầu làm chủ tịch đồng thời đảm nhiệm chức chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC), ông Tập Cận Bình thông qua một loạt các quy định mới về “quản lý quân đội, đề cao kỷ luật, tính nghiêm minh và thực hành tiết kiệm”.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Chủ tịch tương lai Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra một loạt các động thái "nắn gân" quân đội. |
Theo đó, mới đây ông Tập Cận Bình chủ trì một cuộc cải tổ quy mô cực lớn trong 4 tổng cục và 7 quân khu thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Quan trọng hơn, Chủ tịch CMC tỏ ra đặc biệt chú trọng đến tinh thần sẵn sàng chiến đấu của quân đội, hơn hẳn những người tiền nhiệm. Minh chứng là, ông liên tục lặp lại lời kêu gọi và động viên mỗi binh sĩ phải sẵn sàng chiến đấu và “bách chiến bách thắng”.
Trong nhiều dịp khác nhau từ khi nhậm chức chủ tịch CMC cho tới nay, ông Tập Cận Bình đã nhiều lần yêu cầu 2,4 triệu thành viên thuộc PLA tuyên thệ “lòng trung thành tuyệt đối” đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mới đây, Tân Hoa Xã của Trung Quốc còn để lộ một bản chỉ thị bao gồm nhiều quy định mới do Tổng cục Chính trị (GDP) và Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của PLA ban hành.
Bản chỉ thị nhấn mạnh “nhất trí thực hiện các mục tiêu của các tổ chức đảng bộ quân đội một cách nghiêm túc và quản lý quân đội một cách nghiêm chỉnh. Bằng việc học tập và rèn luyện, chúng ta phải dương cao ngọn cờ của đảng và nghiêm chỉnh chấp hành các hướng dẫn của đảng. Chúng ta phải điều hành các tổ chức đảng bộ quân đội một cách nghiêm chỉnh và giám sát nghiêm ngặt hành vi của các cán bộ”.
Một loạt các quy định mới cũng yêu cầu cán bộ cũng như các lực lượng quân đội phải “luôn tập trung tinh thần cao độ và giữ tinh thần đoàn kết, một lòng với nhau, một lòng trung thành với Quân Ủy Trung ương cũng như đồng chí Chủ tịch Tập Cận Bình”.
Quân đội Trung Quốc vừa nhận được bản chỉ thị bao gồm một loạt các quy định mới nghiêm khắc. |
Ngoài ra, quân đội còn được lệnh phải thực hành tiết kiệm và nỗ lực thắt lưng buộc bụng. Giới trí thức Trung Quốc vốn có nhận thức chung rằng, PLA là nơi ít xảy ra tình trạng tham nhũng nhất và các cán bộ quân đội cũng là những đảng viên thanh liêm nhất trong đảng. Tháng trước, chính quyền quân sự thông qua “10 quy định về việc đổi mới lề thói làm việc của quân đội”. Theo đó, các các bộ PLA và đặc biệt là các quan chức cấp cao bị cấm tổ chức tiệc tùng xa xỉ, tặng và nhận quà.
Rượu cũng bị cấm trong tất cả mọi trường hợp. Đồng thời nghiêm cấm hình thức “trải thảm đỏ”, lãng phí trong những hoạt động đón tiếp các đoàn khách nước ngoài tới thăm và làm việc với PLA cũng như khi các quan chức quân đội công du nước ngoài. Chưa hết, quân nhân trước khi phát biểu quan điểm “về các vấn đề quan trọng và nhạy cảm” trước truyền thông phải nhận được sự cho phép của Văn phòng thường trực của Quân ủy Trung ương trước.
“Về phương diện đạo đức, các quân nhân phải sống xứng đáng với những kỳ vọng của người dân đồng thời là những tấm gương sáng trong xã hội”, 10 quy định về việc đổi mới lề thói làm việc của quân đội Trung Quốc nhấn mạnh.
Trước đó, trước khi bắt đầu Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, CMC công bố danh sách một loạt các lãnh đạo mới của các tổng cục PLA, Không quân, Hải quân và Quân đoàn Pháo binh số 2. Sự cải tổ này do Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chủ trì và nó cũng phản ánh nỗ lực của ông để củng cố địa vị cho những thân tín của mình trong PLA trước khi nghỉ hưu.
Tuy nhiên, chỉ trong hai tuần qua, ông Tập cũng tuyên bố bổ nhiệm vài chục phó chỉ huy 4 tổng cục cũng như các lực lượng Hải quân, Không quân, Quân đoàn Pháo binh số 2 và tham mưu trưởng, phó tư lệnh, phó tham mưu cũng tại 7 quân khu. Theo đó, một loạt các chức vụ cấp cao thuộc Bộ Tổng tham mưu (GSD), Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Chính trị, Quân đoàn Pháo binh số 2 và các lãnh đạo thuộc Quân khu Tế Nam, Lan Châu, Thẩm Dương và Quảng Châu đã bị xáo trộn lại.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đặc biệt chú ý đến động thái bổ nhiệm Trung tướng trẻ nhất của PLA Yi Xiaoguang, 54 tuổi. Ông Yi, từ vị trí là Phó tư lệnh Quân khu Nam Ninh được bổ nhiệm trở thành Trợ lý tham mưu trưởng tại Bộ Tổng tham mưu. Ngoài ra, cũng được chú ý nhiều là việc bổ nhiệm Thiếu tướng Qin Shengxiang, cựu Trưởng ban Tổ chức của Tổng cục Chính trị trở thành Chánh Văn phòng thường trực CMC.
Ngoài ra, một động thái khác cũng được nhận định là nhằm phục vụ cho mục đích của Chủ tịch CMC chính là yêu cầu cao hơn về khả năng chiến đấu và chiến thắng của quân đội. Điều đó được thể hiện trong chuyến thăm của ông tới quân khu Quảng Châu hồi tháng trước với.
Mục đích chính của chuyến đi là nhằm yêu cầu các sĩ quan quân đội phải nâng cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu. Trong chuyến thăm và làm việc tại địa phương đầu tiên của mình, Chủ tịch CMC cam kết sẽ “tăng cường sức mạnh toàn diện cho quân đội với quan điểm cách mạng hơn, hiện đại hóa và thể chế hóa hơn”. Đồng thời ông cũng nhắc nhở các sĩ quan và các chiến sĩ “luôn luôn ghi nhớ và chấp hành đường lối chỉ đạo, dẫn đường của đảng. Bởi vì đó chính là linh hồn của một đội quân hùng mạnh. Trong khi đó, khả năng chiến đấu và chiến thắng là tinh hoa của một đội quân hùng mạnh".
Trong khi các cựu Chủ tịch CMC từ Giang Trạch Dân tới Hồ Cẩm Đào thường xuyên nhấn mạnh các chỉ huy quân đội cấp cao luôn phải “chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho một cuộc xung đột”, thì Tập Cận Bình là lãnh tụ đầu tiên giải thích rõ ràng rằng PLA phải “đẩy mạnh những bước chuẩn bị cho một cuộc xung đột" bằng cách nhấn mạnh khái niệm tiêu chuẩn của một cuộc đấu tranh thực sự.
“Chúng ta phải không ngừng củng cố tư tưởng rằng, mỗi người lính gia nhập PLA là để chiến đấu và rằng, nhiệm vụ của các vị chỉ huy quân đội là lãnh đạo binh sĩ chiến đấu cũng như huấn luyện họ để chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp chiến tranh. Chúng ta phải đảm bảo rằng, quân đội của chúng ta luôn sẵn sàng khi được triệu tập và rằng, họ hoàn toàn có khả năng chiến đấu và bách chiến bách thắng”, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh.
Ngoài ra, một điều rất có ý nghĩa là, Tập Cận Bình cũng đề cao nhiệm vụ tăng cường tính minh bạch hơn trong quân đội, do người tiền nhiệm của ông là Chủ tịch Hồ Cận Đào khởi xướng cách đây vài năm, không chỉ trên lĩnh vực phát triển vũ khí mới mà còn đối với các hoạt động, chi tiêu của mỗi đơn vị PLA.
Truyền thông Trung Quốc do vậy gần đây có khả năng tiếp cận sâu hơn và đã thông tin rất chi tiết về các sự kiện quan trọng của PLA như việc triển khai tàu sân bay đầu tiên của đất nước, việc chế tạo thế hệ máy bay không người lái nội địa đầu tiên và thậm chí, các hoạt động của đội tàu và máy bay tuần tra tại các vùng lãnh hải và đảo tranh chấp thuộc Biển Đông và biển Hoa Đông.
Tóm lại, toàn bộ các động thái của tân Chủ tịch Tập Cận Bình ngoài mục đích rõ ràng là nhằm tăng cường, củng cố quyền lực của ông trong quân đội Trung Quốc còn có thể biểu hiện một ý nghĩa khác. Đó được xem là bước đi chiến lược của Bắc Kinh để lợi dụng sức mạnh quân sự nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia cũng như vị thế toàn cầu “gần như là một siêu cường” của họ.
Phương Đăng
Theo Infonet