Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Tạo quỹ đất, thu hút đầu tư vào các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM, khẳng định việc chuyển đổi sang hướng công nghệ cao là bước đi tất yếu của những khu công nghiệp.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM, khẳng định việc chuyển đổi sang hướng công nghệ cao là bước đi tất yếu của những khu công nghiệp.

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh cùng định hướng phát triển mới, ông Hứa Quốc Hưng có nhiều chia sẻ về hoạt động của các khu chế xuất, công nghiệp trên địa bàn mình quản lý.

- Với vai trò lãnh đạo các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM - một trong những cơ quan quan trọng về quản lý kinh tế của thành phố, ông đánh giá thế nào về tình hình hoạt động của các khu chế xuất, công nghiệp trên địa bàn hiện nay?

- TP.HCM hiện có tổng cộng 19 khu chế xuất, công nghiệp đã có quyết định thành lập với tổng diện tích 4.546 ha. Trong đó, 17 khu đã đi vào hoạt động (gồm 3 khu chế xuất và 14 khu công nghiệp). Đến nay, diện tích đất xây dựng xí nghiệp, công nghiệp đã cho thuê đạt hơn 1.800 ha trên tổng số trên 2.500 ha đất xây dựng, tương đương tỷ lệ lấp đầy 72%. Đây là con số rất khả quan trong hoạt động phát triển các khu chế xuất và công nghiệp.

Các khu chế xuất, công nghiệp này hiện thu hút 1.652 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 11,5 tỷ USD. Trong đó, gần 34% dự án có vốn đầu tư nước ngoài với giá trị đăng ký trên 6,6 tỷ USD, số dự án còn lại là vốn đầu tư trong nước với giá trị đăng ký xấp xỉ 4,9 tỷ USD.

Nhìn chung, 17 khu chế xuất, công nghiệp đã vận hành đều hoạt động tốt, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển thành phố về các mặt thu hút vốn đầu tư, du nhập kỹ thuật, công nghệ mới và kinh nghiệm quản lý, tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế - xã hội…

- Hiện nay, nhiều địa phương có kế hoạch mở rộng các khu chế xuất, công nghiệp để thu hút thêm vốn đầu tư, nhưng không phải nơi nào cũng có lợi thế. Theo ông, khó khăn của việc phát triển các khu chế xuất, công nghiệp hiện nay là gì?

- Khó khăn lớn nhất hiện nay của các khu chế xuất, công nghiệp chính là quỹ đất ngày càng thu hẹp.

Trong khi các khu công nghiệp hiện hữu đang dần được lấp đầy thì những khu công nghiệp mới lại chậm triển khai vì nhiều lý do như vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, pháp lý của chủ đầu tư, quy hoạch…

Ngoài ra, một số khu chế xuất, công nghiệp đã hoạt động gần 30 năm cũng đặt ra một số thách thức về cơ cấu đầu tư, tính lan tỏa, giá trị gia tăng của sản phẩm, ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu…

cong nghiep cong nghe cao anh 1

- Vậy định hướng của Ban quản lý cũng như TP.HCM là gì để tiếp tục phát triển các khu chế xuất, công nghiệp này?

- Ban quản lý dự kiến tập trung vào các giải pháp để tạo quỹ đất thu hút đầu tư theo định hướng của thành phố.

Cụ thể, chúng tôi đang phối hợp với các sở ngành đẩy nhanh tiến độ triển khai những khu công nghiệp đã thành lập nhưng chưa triển khai và các khu công nghiệp đã có trong danh mục quy hoạch của thành phố nhưng chưa thành lập.

Cùng với đó, khu công nghiệp mới Phạm Văn Hai có diện tích 380 ha cũng đang được lên kế hoạch để phù hợp với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Ngoài ra, Ban quản lý cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát quỹ đất có thể phát triển công nghiệp để bổ sung vào vào Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025.

- Ông có nhắc tới việc phát triển khu công nghiệp phù hợp với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cụ thể kế hoạch này như thế nào?

- Để nâng cao chất lượng thu hút đầu tư vào các khu chế xuất, công nghiệp, chúng tôi cho rằng cần tập trung vào những ngành, lĩnh vực, công đoạn có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao, dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ và kinh tế số. Đặc biệt là các ngành cơ khí theo hướng tự động hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong ngành công nghệ thông tin như thiết bị điện tử, thông tin, phần mềm, vi mạch, robot...

Định hướng này sẽ làm giảm nhu cầu thu hút lao động phổ thông chưa qua đào tạo và giúp tăng nhu cầu sử dụng lao động chất lượng cao.

Ban quản lý đã tham mưu cho UBND thành phố phát triển các dịch vụ đô thị gắn với khu công nghiệp như nhà ở cho công nhân và chuyên gia, trung tâm thương mại, trường học… Điều này sẽ giảm áp lực cho hệ thống giao thông đô thị vốn đã quá tải trong tình hình hiện nay và thu hút nguồn lao động chất lượng cao có kỹ năng, tri thức.

- Tiến độ thực hiện dự án khu công nghiệp mới Phạm Văn Hai cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay ra sao?

- Như đã nói, việc chuẩn bị quỹ đất sẵn sàng để thu hút dòng vốn chuyển dịch, trong đó có xây dựng khu công nghiệp mới Phạm Văn Hai, là một trong những nội dung trọng tâm mà Ban quản lý tập trung tham mưu cho thành phố thời gian qua.

Dự án này đã được trình đề án thành lập và đang lấy ý kiến các cơ quan trước khi trình Thủ tướng phê duyệt.

Chúng tôi sẽ không thu hút đầu tư bằng mọi giá hoặc chỉ chú ý đến yếu tố lấp đầy, mà sẽ theo định hướng và chọn lọc các dự án theo tiêu chí ưu tiên công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố.

cong nghiep cong nghe cao anh 2

- Gần đây, ông có nhắc tới việc tạo ra sự cung ứng sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp trong gia tăng sản xuất. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về kế hoạch này?

- Tôi cho rằng chuỗi cung ứng sản xuất, kết nối cung cầu rất quan trọng.

Chúng tôi đang hướng tới việc thúc đẩy kết nối doanh nghiệp tại TP.HCM và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam với doanh nghiệp trong khu chế xuất, công nghiệp, nhằm tạo thành một chuỗi cung ứng, liên kết cộng sinh.

Nếu làm được, nó có thể thúc đẩy tính lan tỏa về thị trường từ nguyên vật liệu, sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tiêu thụ đến xuất khẩu,…

Hiện nay, còn một thị trường đang bỏ ngỏ giữa các doanh nghiệp, đó là đầu ra sản xuất của doanh nghiệp này là đầu vào nguyên vật liệu của doanh nghiệp kia. Biết cách tận dung chuỗi cung ứng với hơn 400.000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và xa hơn nữa là những tỉnh lân cận sẽ mang lại giá trị gia tăng cho chính các doanh nghiệp, giải quyết thêm việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

Thời gian qua, việc kết nối này đã được thực hiện với sự phối hợp của nhiều bên. Tuy nhiên, việc kết nối chưa mang tính tổng thể và đa dạng lĩnh vực.

Sắp tới, chúng tôi sẽ thực hiện một kế hoạch mang tính tổng thể hơn, thông qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp và ngành nghề có liên quan, tiến tới xây dựng một ứng dụng (app). Ở đó, các doanh nghiệp có thể dễ dàng và nhanh chóng kết nối khi có nhu cầu.

- Hiện nay tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, đặc biệt tại những khu công nghiệp, điều này có ảnh hưởng tới hoạt động của các khu chế xuất, công nghiệp tại TP.HCM?

- Trong 4 tháng đầu năm nay, tình hình Covid-19 trên thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, bằng nhiều chính sách linh hoạt và quyết liệt, thành phố đã thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế.

Hầu hết chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội tại TP.HCM ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ.

Riêng tại các khu chế xuất, công nghiệp trên địa bàn, giai đoạn này vẫn ghi nhận tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh đạt 236,1 triệu USD, tăng gần 23%. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài đạt 125,01 triệu USD, gấp 2 lần cùng kỳ.

- Các khu chế xuất, công nghiệp luôn nằm trong nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao, khó quản lý với số lượng lao động lớn, nhiều chuyên gia, lao động nước ngoài. Ban quản lý có giải pháp gì để đảm bảo an toàn cho người lao động và hoạt động thông suốt của các doanh nghiệp?

- Với 17 khu chế xuất, công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, lực lượng lao động tại các khu này lên tới 280.000 công nhân, 3.000 chuyên gia nước ngoài.

Trong khi đó, tỷ lệ thu ngân sách của các khu chế xuất, công nghiệp trên địa bàn thành phố cũng lên tới 28.000 tỷ đồng/năm, xuất khẩu các mặt hàng khoảng 7 tỷ USD/năm, chiếm 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM.

Điều này cho thấy tầm quan trọng của các doanh nghiệp trong khu chế xuất và công nghiệp trên địa bàn. Nếu có một đứt gãy trong khâu sản xuất hoặc tạm thời dừng hoạt động của bất kỳ doanh nghiệp nào, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chung và cả đóng góp cho ngân sách, cũng như các chỉ số phát triển kinh tế của thành phố.

Ban quản lý đã yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động ở khu chế xuất, công nghiệp có phương án phòng chống dịch. Chúng tôi cũng đề xuất phương án thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch và các tổ ứng phó bên trong doanh nghiệp, kích hoạt các bộ chỉ số an toàn sản xuất, và sẵn sàng tạm dừng hoạt động nếu chưa đảm bảo an toàn.

Hiện các đơn vị đều có giải pháp kiểm soát nhân viên và khách hàng ra vào công ty, phòng chống lây nhiễm tại khu vực công cộng.

Chúng tôi cũng đã phối hợp với HCDC và trung tâm y tế các quận - huyện tổ chức lấy mẫu tầm soát diện rộng công nhân bên trong nhà xưởng, kể cả nơi lưu trú của người lao động. Đến nay, chúng tôi đã lấy được gần 20.000 mẫu và đang tiếp tục triển khai.

- Ban quản lý đã có kế hoạch và mục tiêu gì trong giai đoạn tới?

- Thời gian tới, các khu chế xuất, công nghiệp của thành phố sẽ tiếp tục giữ vai trò là một trong những động lực phát triển kinh tế, bên cạnh các đối trọng khác như dịch vụ, thương mại, tài chính, logistics…

Trong giai đoạn 2021-2026, Ban quản lý đang nghiên cứu tham mưu UBND thành phố giải pháp từng bước chuyển đổi các khu chế xuất, công nghiệp hiện hữu sang hướng khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đây là thời điểm phù hợp và quan trọng để rà soát lại quy hoạch các khu công nghiệp, chế xuất, vì hầu hết đã trải qua phân nửa chu kỳ sử dụng đất. Việc rà soát, đánh giá thời điểm này cũng góp phần cho việc điều chỉnh quy hoạch, cũng như định hướng phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất phù hợp với phát triển kinh tế, xã hội của thành phố trong giai đoạn tới.

cong nghiep cong nghe cao anh 3

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất hiện nay chính là công tác phòng chống dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới đã và đang xây dựng kế hoạch dịch chuyển nhà máy, dây chuyền sản xuất từ các quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 về Việt Nam để mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất.

Do đó, để thu hút đầu tư hiệu quả thì ngoài chuẩn bị điều kiện quỹ đất, chính sách, cơ chế và môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, chúng ta cần làm tốt công tác phòng chống dịch.

Phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả là bảo vệ sản xuất, bảo vệ việc làm và thu nhập cho công nhân, góp phần giữ vững đóng góp của doanh nghiệp đối với sự phát triển của thành phố.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM là ứng cử viên ĐBQH khóa XV, đơn vị bầu cử số 2 (quận 1, 3 và Bình Thạnh).

Danh sách ứng cử viên ĐBQH khóa XV, đơn vị bầu cử số 2 (quận 1, 3 và Bình Thạnh), gồm:

1. Ông Đỗ Đức Hiển, sinh ngày 14/9/1977. Ông là Ủy viên BCH Đảng bộ Bộ Tư pháp, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp.

2. Bà Nguyễn Thị Hiệp, sinh ngày 27/11/1981. Bà là Giảng viên, Trưởng khoa Kỹ thuật Y Sinh, Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM.

3. Ông Hứa Quốc Hưng, sinh ngày 7/7/1982. Ông là Bí thư Đảng ủy các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, Trưởng ban Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM.

4. Ông Nguyễn Sỹ Quang, sinh ngày 1/2/1970. Ông là Ủy viên BCH Đảng bộ TP.HCM; Ủy viên BTV Đảng ủy Công an TP.HCM; Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra; Phó giám đốc Công an TP.HCM.

5. Bà Trần Kim Yến, sinh ngày 3/8/1969. Bà là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, Bí thư Quận ủy quận 1.

Hứa Nhật

Ảnh: Duy Anh
Đồ họa: Hoài Trần

Bạn có thể quan tâm