Bước sang năm thứ 21, Gặp nhau cuối năm (Táo Quân) được đông đảo khán giả quan tâm khi mạnh dạn thay đổi cả về nội dung và dàn diễn viên. Suốt thời lượng gần 2 tiếng, chương trình thẳng thắn đề cập nhiều vấn đề nổi bật xoay quanh các lĩnh vực về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và giáo dục.
Chương trình vẫn đảm bảo phần nào đặc trưng tiếng cười "tống cựu nghinh tân", nhắc chuyện cũ để đón những điều mới. Tuy nhiên, tổng thể Táo Quân 2024 khó chinh phục người xem với một kịch bản còn rời rạc. Tới nửa sau chương trình, dàn Táo gồm NSƯT Tú Oanh (Táo Văn Thể), NSƯT Bá Anh (Táo Giao thông), NSƯT Quốc Quân (Táo Kinh tế), diễn viên Quân Anh (Táo Xã hội) xuất hiện nhạt nhòa, phối hợp chưa ăn ý.
Đề cập nhiều vấn đề, nắm bắt xu hướng
Lược bỏ màn báo cáo quen thuộc, Táo Quân 2024 phân tách thành hai phần rõ rệt. Nửa đầu, Ngọc Hoàng (Quốc Khánh) cùng Nam Tào (Duy Nam) vi hành hạ giới, trực tiếp trao đổi với người dân về nhiều vấn đề trong xã hội. Nửa sau, cả hai trở về thiên đình, chất vấn, bàn luận sôi nổi cùng các Táo.
Theo đó, vấn nạn livestream câu view được nhắc tới đầu tiên. Thời gian qua, xã hội chứng kiến sự bùng nổ của hàng loạt nhà sáng tạo nội dung. Đáng nói, ngoài công việc review, sản xuất nội dung, một số cá nhân lợi dụng việc livestream gây tranh cãi nhằm mục đích kiếm tiền. Bản tính sân si, ồn ào của nhóm người này được mô tả qua nàng Luyến (Thanh Hương) cùng bộ 3 diễn viên trẻ.
Đặc biệt, Táo Quân 2024 thẳng thắn đề cập không ít chủ đề nóng. Mở đầu là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, dù đó là bất kỳ ai". Nối tiếp là công tác tinh gọn các cơ quan trong hệ thống chính trị, định danh biển số hay nghiêm túc xử phạt tài xế vi phạm nồng độ cồn cũng được gợi nhắc. Thành tích trong lĩnh vực ngoại giao năm qua được ca ngợi trong chương trình.
Sự việc đăng kiểm quá tải, chung cư mini không đảm bảo an toàn, khu đô thị Thanh Hà mất nước cùng nhiều vấn đề nhức nhối khác cũng được đề cập. Lĩnh vực giáo dục nổi bật khi bị gọi tên trong hai vụ việc gây bức xúc là cắt xén khẩu phần ăn học sinh và nạn bạo lực học đường.
Trong khoảng 30 phút còn lại, bộ tứ Táo Văn Thể, Kinh Tế, Xã hội, Giao thông liên tục né tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi bị Ngọc Hoàng, Nam Tào chất vấn. Thực trang sợ sai, "bình chân như vại", không dám làm do đó cũng được nhắc đến khéo léo. Điều này khiến các Táo bị khiển trách, nhắc nhở.
Khép lại chương trình, Ngọc Hoàng cùng Táo đọc sớ phát biểu ý kiến và tuyên bố bãi triều.
Nhắc tới Táo Quân, khán giả không thể bỏ qua những bản nhạc chế làm nên thương hiệu. Chương trình năm nay sử dụng loạt hit từng làm mưa làm gió làng nhạc Việt như Cắt đôi nỗi sầu, See tình, Gieo quẻ. Ngoài ra, những giai điệu thân thuộc như Đi cấy, Chỉ riêng mình ta, Con cò xuất hiện đầy thú vị hay nhạc phim Cảnh sát hình sự xuất hiện với phần lời đầy châm biếm, sâu cay.
Kịch bản, diễn xuất là điểm yếu
So với hai thập kỷ qua, Táo Quân 2024 có biến tấu, song chưa thực sự "thay da đổi thịt" như ê-kíp chia sẻ. Dễ dàng nhận thấy chương trình là sự giao thoa giữa phiên bản làm mới của Táo Quân vi hành (2020) với format Táo Quân truyền thống. Đáng tiếc, hướng đi này chưa mang lại hiệu quả, còn xa lạ với người xem.
Thẳng thắn đề cập nhiều vấn đề, song kịch bản Táo Quân 2024 bị chê vì lan man, khó để người xem bật cười. Cách chuyển giao giữa các chủ đề chưa có sự dẫn dắt mượt mà. Ngoài ra, nhiều cụm từ tạo trend như flex hay check VAR xuất hiện chớp nhoáng, không đặt trong tình huống đắt giá để khán giả hiểu.
Ở chuyến vi hành, phần lớn dàn diễn viên góp mặt vào loạt tiểu phẩm tái hiện lại sự vụ đã qua. Tuy nhiên, tình huống kịch chưa đủ hấp dẫn để tạo ra sự hài hước thực sự. Đắt giá nhất là những câu nhận định, châm chọc của Ngọc Hoàng thiếu vắng ở chương trình năm nay.
Với thời lượng ngắn ngủi, dàn Táo năm nay chưa có nhiều đất diễn mà chỉ đơn thuần là đọc thoại. Màn tương tác giữa các nghệ sĩ chưa thực sự ăn khớp, rơi vào cảnh kẻ tung người hứng trượt. Việc quảng cáo bằng lời thoại của diễn viên cũng nhận phản hồi tiêu cực.
Sau khi phát sóng, Táo Quân 2024 gây tranh cãi trong khán giả. Một bên cho rằng cần mở lòng, trao cơ hội cho những gương mặt mới, hay dở thì vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu đêm 30 Tết. Tuy nhiên, nhóm khán giả đối lập không ngần ngại chỉ trích chương trình.
"Hết vốn, kịch bản không sáng tạo, diễn viên mới chưa ăn khớp, ít câu thoại đắt giá vốn có của Táo Quân. Thất vọng & Hy vọng cho năm sau!", "Đã xem đủ hơn 20 năm Táo Quân nhưng chưa năm nào Táo nhạt thếch, nhảm nhí và vô duyên như năm nay, không thể thẩm nổi từ diễn viên đến nội dung", một số khán giả để lại bình luận.
Nhìn chung, Gặp nhau cuối năm xuân Giáp Thìn là nỗ lực đổi mới của đơn vị sản xuất với dàn dựng mới, diễn viên mới. Chương trình vẫn đảm bảo được đặc trưng là đả kích các vấn đề xã hội tuy nhiên gặp hạn chế lớn về kịch bản và chuyện quảng cáo chưa khéo.
Sách về Tết Táo quân
Có nhiều văn bản, nghiên cứu chỉ ra nguồn gốc, tục lệ, cùng các nghi thức cúng Táo quân vào 23 tháng chạp hàng năm. Trong cuốn Việt Nam phong tục tập hợp các bài viết trên Đông Dương tạp chí (1915), Phan Kế Bính dành một dung lượng nhỏ nói về Tết Táo quân.
Theo đó, 23 tháng Chạp là Tết Táo quân. Ta thường cho hôm ấy là ngày vua bếp lên chầu trời. Nguyên ở trong đạo Lão Tử có nói rằng: Ngày 23 tháng Chạp thì Táo quân lên chầu trời để tâu việc thiện ác của nhân gian.