Gặp nhau cuối năm (Táo quân 2023) đánh dấu dịp kỷ niệm 20 năm lên sóng của chương trình, quy tụ đông đảo nghệ sĩ tham gia. Những gương mặt quen thuộc gồm nghệ sĩ Xuân Bắc, Công Lý, Chí Trung, Tự Long, Quốc Khánh, Quang Thắng, Vân Dung, Duy Nam, Trung Ruồi. Bên cạnh đó còn có Mạnh Dũng, Lý Chí Huy, Thái Sơn, Thanh Dương, Anh Đức, MC Thành Trung, ca sĩ Minh Quân, nhạc sĩ Tiến Minh, nhà thiết kế Đức Hùng.
Đề cập loạt vấn đề nổi cộm
Dưới bàn tay của đạo diễn Khải Anh và ê-kíp, Táo quân năm nay được dàn dựng như khuôn khổ một cuộc thi sắc đẹp. Mỗi nhân vật Táo đều đeo sash mang tên mình cùng số báo danh, xuất hiện rạng rỡ, nhảy đồng diễn trên sân khấu. Đó là Táo Xã hội (Tự Long), Táo Kinh tế (Quang Thắng), Táo Giao thông (Chí Trung), Táo Y tế (Vân Dung), Táo Năng lượng (Thanh Dương)...
Hơn 30 thí sinh Táo cùng tranh tài để giành được chiếc vương miện mang tên "Táo bạo". Qua lăng kính hài hước, các nghệ sĩ tái hiện những màn catwalk và hô tên kéo dài tại một cuộc thi hoa hậu Việt trong năm 2022. Chuyện các thí sinh trưng trổ khả năng nói tiếng Anh cũng được đề cập thông qua nhân vật Táo Y tế khi thực hiện video giới thiệu bản thân, kêu gọi bình chọn.
Bộ ba uy quyền trên thiên đình vẫn là Ngọc Hoàng (Quốc Khánh), Nam Tào (Xuân Bắc), Bắc Đẩu (Công Lý). Duy Nam và Trung Ruồi đảm nhận vai trợ lý.
Dàn Thiên Lôi năm nay được dành đất để tung hứng, xoay quanh vụ việc Táo Quy hoạch bị ngất xỉu. Từ đó, họ phát hiện ra mối quan hệ họ hàng chồng chéo theo kiểu "một người làm quan cả họ được nhờ".
Sau khi Ngọc Hoàng công bố top 5 của cuộc thi, các Táo bước vào vòng thi chính. Tại đây, loạt vấn đề nóng ở các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa được nhắc đến như chuyện cán bộ không biết chữ, chứng khoán lao dốc, bán tháo chứng khoán, nhóm lợi ích, tham ô tham nhũng, giao thông ách tắc, vỉa hè lún nứt.
Đến phút cuối, Táo Năng lượng rút lui do sợ bị phanh phui sự thật không biết chữ. Cuộc đấu chỉ còn lại Táo Giao thông, Kinh tế, Y tế và Xã hội. Thông điệp được những nhân vật Táo này nhắc đi nhắc lại là “một, hai, đúng hay sai”, “một, hai, sống hay die”.
Thực trạng không dám làm gì vì sợ sai, bước tiến bước lùi, chuyển động cho có chuyển động nhưng không làm gì cũng được châm biếm nhẹ nhàng. Câu nói của Ngọc Hoàng "được ăn cả ngã còn nguyên" cũng được đánh giá là sâu cay.
Các nghệ sĩ trong chương trình Táo quân. |
Loạt từ khóa xu hướng trên mạng xã hội trong năm như "ố dề", "con sông quê", "lòng xào dưa"… được lồng ghép vào những câu thoại, nhằm mục đích gây cười.
Chương trình dành phần kết để nhìn lại quãng đường 20 năm đã làm nên thương hiệu Táo quân. Hình ảnh của các nghệ sĩ từ hàng thập kỷ trước được chiếu qua màn ảnh. Liên khúc “nhạc chế” ấn tượng từ Táo Kinh tế (Quang Thắng) hay Táo Xã hội (Tự Long) khuấy động bầu không khí. Khán giả được nghe lại các ca khúc Lụt từ ngã tư đường phố, Hoang mang style, Thật bất ngờ, Tình khúc nợ nần với phần lời mới.
Nhưng khó cười, ít mảng miếng thú vị
So với nhiều mùa trước, Táo quân 2023 có cách thể hiện mới, không còn nặng về màn lên chầu và báo cáo thành tích đơn thuần. Đây là điểm khác biệt không thể phủ nhận, góp phần mang đến không khí mới, tinh thần mới.
Tính giễu nhại sâu cay của Táo quân vẫn còn đó, nhưng nhìn tổng thể, kịch bản năm nay bị chê ở nội dung dài dòng, lan man. Cách diễn, tung hứng của bộ tứ nghệ sĩ Chí Trung, Tự Long, Quang Thắng, Vân Dung đã quá quen thuộc với khán giả, không có tình huống hay nội dung bất ngờ khiến người xem phải trầm trồ. Phần đối chất giữa Nam Tào và 4 nhân vật Táo chủ chốt ở vòng thi logic trở nên quẩn quanh, rườm rà và ít tiếng cười.
Không những thế, trong phân cảnh này, Táo Xã hội có câu nói khiến khán giả tranh cãi khi quát Thiên Lôi: “Bố mày xiên chết cụ mày bây giờ”. Nhiều ý kiến cho rằng những câu thoại hàm ý pha trò như thế này không thích hợp để xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia vào đêm 30 Tết.
Khoảng trống Bắc Đẩu cũng là một vấn đề khác của Táo quân 2023. Hình ảnh NSND Công Lý ngồi kiệu trên sân khấu, với tạo hình chỉn chu ấn tượng, chắc hẳn đã khiến khán giả xúc động, vui mừng. Nhưng tiếc là sức khỏe của NSND Công Lý chưa đảm bảo để anh có thể đảm nhận nhiều đất diễn hơn, được “cháy” hết mình cùng đồng nghiệp trong dịp kỷ niệm 20 năm.
Nghệ sĩ Quốc Khánh đảm nhận vai Ngọc Hoàng. |
Nam Tào - Ngọc Hoàng - Bắc Đẩu vốn được coi như thế kiềng ba chân của thiên đình, nên sẽ không còn vững chãi nếu thiếu bất cứ ai trong ba người. Thế nên, năm nay, dù hình tượng Ngọc Hoàng được xây dựng theo hướng nhí nhảnh, vui tươi và táo bạo hơn, khoảng trống Bắc Đẩu để lại vẫn khó lấp đầy. Chưa kể, Ngọc Hoàng và Nam Tào còn bị phản ứng khi đề cập chuyện bán hàng online bằng các từ “bưởi”, “mướp”. Cách tấu hài này đã lỗi thời và không cần thiết để đưa vào chương trình như Táo quân.
Mùa cuối để khép lại 20 năm
Một điểm gây tiếc nuối nữa của Táo quân 2023 là không có nhiều câu thoại độc đáo để đủ sức thành trend hoặc khiến khán giả ghi nhớ mãi về sau. "Tre già măng mọc là tốt nhưng măng mọc thế nào đừng chọc vào ghế của tre", “Tôi không hứa sẽ làm giảm tắc đường nhưng tôi hứa sẽ khiến nhiều người tắc đường cùng bạn”… là hai trong số ít lời thoại điểm nhấn nhưng chưa đặc sắc.
Còn nhớ, vào năm 2016, ngoài vòng quay tham nhũng, Táo quân có rất nhiều câu nói đầy sức nặng như “Nước trong thì không có cá, người tốt quá thì không ai chơi" hay "Nghèo bền vững, tham nhũng giữ ở mức ổn định", "Giàu thì nó ghét, đói rét thì nó khinh, thông minh thì nó tìm cách tiêu diệt", "Trước mình cần một chỗ đứng, bây giờ mình cần đứng đúng chỗ đó"…
Lời thoại “Cống rãnh mà đòi sóng sánh với đại dương, kênh mương mà đòi tương đương với thủy điện” của cô Đẩu Công Lý đến nay vẫn nằm lòng với nhiều tầng lớp khán giả.
“Cầm tiền thì sợ tiền rơi. Cầm tờ A4 đời đời ấm no”, “Cuộc đời thật lắm éo le. Nhân sâm thì ít, rễ tre thì nhiều” cũng là những câu nói thú vị khác đã được đưa vào Táo quân 2018.
Táo quân 2023 có thể là mùa cuối cùng. |
Sau khi Táo quân 2023 khép lại, một lần nữa luồng ý kiến trái chiều lại nổ ra. Không ít khán giả bày tỏ tâm trạng hụt hẫng bởi họ đã kỳ vọng nhiều hơn thế vào dấu ấn kỷ niệm 20 năm. Và những gì nhận được là chưa đủ.
Nhưng số khác cho rằng nghịch lý là điều tồn tại ở Táo quân nhiều năm nay. Bởi người ta thường ví von thấy Táo quân là thấy Tết, giống như hoa mai, hoa đào, bánh chưng. Có những gia đình vẫn duy trì thói quen quây quần vào đêm Giao thừa để xem các Táo chầu trời và điểm lại những sự kiện trong năm.
Không có thì thiếu, mà có thì luôn gây tranh cãi. Điều này âu cũng là khó tránh đối với một thương hiệu kéo dài đã hai thập kỷ và cùng một ê-kíp.
Năm 2020, Táo quân từng ngừng phát sóng và được thay thế bằng format mới, rồi tiếp tục trở lại vào Tết Nguyên đán 2021. Năm nay, một số nguồn tin hậu trường tiết lộ Táo quân chọn con số 20 năm để khép lại hành trình.
Thông tin chưa được khẳng định, song dù thế nào, Táo quân từng đi qua những ngày tháng rực rỡ và đáng nhớ. Nếu buộc phải dừng, đó có lẽ cũng là quy luật tất yếu.
Sách về Tết Táo quân
Có nhiều văn bản, nghiên cứu chỉ ra nguồn gốc, tục lệ, cùng các nghi thức cúng Táo quân vào 23 tháng chạp hàng năm. Trong cuốn Việt Nam phong tục tập hợp các bài viết trên Đông Dương tạp chí (1915), Phan Kế Bính dành một dung lượng nhỏ nói về Tết Táo quân.
Theo đó, 23 tháng Chạp là Tết Táo quân. Ta thường cho hôm ấy là ngày vua bếp lên chầu trời. Nguyên ở trong đạo Lão Tử có nói rằng: Ngày 23 tháng Chạp thì Táo quân lên chầu trời để tâu việc thiện ác của nhân gian.