Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tăng trưởng GDP Việt Nam trở lại mốc 6%

Tổng cục Thống kê vừa công bố mức tăng trưởng GDP quý II/2017 của Việt Nam đạt 6,17%. Hai động lực tăng trưởng chính là sản xuất nông nghiệp, thủy sản và dịch vụ.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tăng trưởng quý II khởi sắc hơn quý I với tốc độ 6,17%. Trước đó, quý I/2017 chứng khiến chỉ số tăng trưởng của nền kinh tế khá thấp, chỉ 5,15%. 

Điểm sáng là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,65%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,81%, đóng góp 2,0 điểm phần trăm. Khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 2,59 điểm phần trăm.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành thủy sản có mức tăng cao nhất với 5,08% so với cùng kỳ năm 2016, đóng góp 0,15 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Ngành lâm nghiệp tăng 4,31%, thấp hơn mức tăng 5,75% của 6 tháng năm 2016, đóng góp 0,03 điểm phần trăm. Ngành nông nghiệp tăng khá ở mức 2,01% so với mức giảm 0,78% của cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,25 điểm phần trăm.

tang truong gdp quy II anh 1
Tốc độ tăng trưởng một số khu vực kinh tế trong quý II. Đồ họa: Hiếu Công.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 5,33%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,66% và 7,01% của cùng kỳ năm 2015 và năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 8,2%, làm giảm 0,61 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung. Tổng cục Thống kê đánh giá đây là mức giảm sâu nhất so với cùng kỳ các năm từ 2011 đến nay.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng 10,52%, tương đương mức tăng 10,5% của cùng kỳ 2016, đóng góp 1,79 điểm phần trăm. Ngành xây dựng 6 tháng đầu năm tăng trưởng khá với tốc độ 8,5%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành cũng có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung. Trong đó bán buôn và bán lẻ tăng 7,1% so với cùng kỳ 2016. Đây là ngành có mức đóng góp cao nhất vào mức tăng chung (0,65 điểm phần trăm).

Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,9%, đóng góp 0,35 điểm phần trăm. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,66%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm. Hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,86% (mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây[2]), đóng góp 0,21 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,06%. Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,76%. Khu vực dịch vụ chiếm 41,84%. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,34%.

Tổng cục Thống kê đánh giá tăng trưởng trong quý II cải thiện không phải là nhờ tăng khai thác dầu thô. Sản lượng dầu thô có tăng trong quý 2, nhưng tính cả 6 tháng đầu năm thì vẫn giảm đến 8,2% và làm tăng trưởng chung giảm tới 0,61 điểm phần trăm.

Công nghiệp chế biến - chế tạo tuy có tăng trưởng cao, nhưng cũng chỉ tương đương như năm 2016 (10,5%). Lĩnh vực xây dựng có tốc độc tăng trưởng giảm nhẹ. 

Theo Tổng cục Thống kê, sự cải thiện tốc độ tăng trưởng đến từ nông nghiệp - thủy sản và dịch vụ. Theo đó sự khôi phục của khu vực nông - lâm - ngư nghiệp có được nhờ tăng trưởng mạnh hơn của lĩnh vực thủy sản (5,08%).

Về dịch vụ, lĩnh vực thương mại tăng 7,1%, du lịch (lưu trú - ăn uống) tăng 8,9% là động lực quan trọng góp phần vào tăng trưởng chung. 

Điểm đáng chú ý của quý II/2017 là bước tăng nhanh của xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 20% mỗi tháng của quý II/2017.

Trong khi đó, Bloomberg dẫn báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới nhận định tăng trưởng năm nay của Việt Nam sẽ vượt con số 6%. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trong khu vực có mức tăng trưởng cao, cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, và Philippines. 

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm