Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình về những băn khoăn của đại biểu Quốc hội liên quan đến mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017.
Mức 6,7% là cao nhưng Chính phủ có cơ sở để phấn đấu
Ông Nguyễn Chí Dũng cho biết đây là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết của Đảng và Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm.
Do đó, yêu cầu đặt ra là phải phát triển nhanh để chống tụt hậu, tạo nguồn lực để đầu tư phát triển cho giai đoạn sau, đồng thời duy trì cân đối lớn như nợ công, chi ngân sách, bảo vệ môi trường, phát triển biền vững.
Bộ trưởng Dũng cũng nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ là không tăng trưởng bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường, bất ổn kinh tế vĩ mô lấy tăng trưởng.
“Giải pháp căn cơ là khơi dậy tiềm năng tận dụng mọi cơ hội phát triển”, ông Dũng nói.
Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư cũng thừa nhận mức tăng trưởng 6,7% là cao nhưng Chính phủ thấy hoàn toàn có cơ sở để phấn đấu với điều kiện các cơ chế được triển khai đồng bộ, có sự tham gia của hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp.
Cơ sở của mục tiêu tăng trưởng 6,7% là do bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thuận lợi.
Nông nghiệp, công nghiệp chế tạo có sự phục hồi. Xuất khẩu có khả năng đạt 10%, tiêu dùng tăng trưởng tới 10%, dịch vụ tăng hơn 7%. Các dự án đầu tư từ ngân sách đang được đẩy nhanh tiến độ từ nguồn vốn tư nhân và FDI. Một số dự án lớn cũng chuẩn bị được đưa vào khai thác, sử dụng. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng giải trình thêm về kế hoạch khai thác thêm 1 triệu tấn dầu năm 2017.
Theo ông Dũng, năm 2016, sản lượng dầu khai thác đạt 17,2 triệu tấn. “Kế hoạch khai thác dựa trên khả năng khai thác, chuyển mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Bên cạnh đó, giá dầu phục hồi tốt. Do đó, Chính phủ tận dụng bổ sung một triệu tấn dầu cho tăng trưởng”, ông Dũng nói.
Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư nhận định việc này sẽ tốt cho nền kinh tế nhưng không đến mức khai tác cạn kiệt tài nguyên. Ông Dũng cũng trấn an các đại biểu Quốc hội yên tâm.
Việc tái cơ cấu nợ công đã diễn ra khá tốt
Trình bày về vấn đề thu ngân sách, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết thời gian vừa qua Chính phủ đã tích cực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đưa thuế thu nhập doanh nghiệp về mức 22-25%. Riêng thuế với doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thấp hơn.
Chính phủ cũng tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân từ 4 lên 9 triệu đồng. Việc giảm thuế phần nào dẫn đến giảm thu NSNN.
Thu NSNN tuy không đạt yêu cầu đề ra nhưng vẫn cao hơn 1,9 lần giai đoạn 2006-2010. Cơ cấu thu nội địa cũng có bước chuyển biến tích cực, tăng từ 71% năm 2015 đến năm 2016 đạt 81,7%. Việc thu ngân sách từ dầu thô cũng giảm nhanh chóng.
Chính phủ cũng thực hiện nhiều chính sách giãn, hoãn, miễn thuế để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Về chi NSNN, Chính phủ vẫn tập trung nhiều nguồn lực cho con người, tăng 18%/năm cho an sinh xã hội, cao hơn cả tốc độ thu ngân sách.
Vì vậy, cơ cấu ngân sách ngày càng khó khăn hơn. Nếu như năm 2011 chỉ chi cho 11 nhóm chinh sách an sinh xã hội thì hiện tại là 21 nhóm với 57.100 tỷ đồng/năm.
Chi cho đầu tư phát triển giai đoạn 2011-2015 cũng tăng đều 18,2%/năm. Chính phủ cũng bổ sung kế hoạch giải ngân vốn ODA.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định việc tăng đầu tư diễn ra khá nhanh. Giai đoạn 2014-2016, Quốc hội đã duyệt phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu cộng thêm vốn ODA giải ngân cao làm tăng đầu tư phát triển. Theo đó vốn ODA đã giải ngân đạt 251.000 tỷ đồng.
Về vấn đề nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết đã ban hành nghị quyết tái cơ cấu ngân sách và nền kinh tế. Qua đó vấn đề nợ công được kiểm soát một cách tích cực.
Chính phủ đã kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu, năm 2013 khoảng 3 năm thì đến năm 2016 tăng lên 8 năm. Đến nay không còn trái phiếu dưới 5 năm là một thắng lợi.
Bộ trưởng cũng cho biết đã đẩy được đỉnh nợ qua đi. Toàn bộ khoản vay lãi suất cao đã phát hành đảo nợ, trả hết được với lãi suất dưới 6%. Bộ trưởng nhận định việc tái cơ cấu nợ công đã diễn ra khá tốt.
Trong thời gian tới, Bộ tài chính sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp, siết chặt chi tiêu thường xuyên, ráo riết quản lý thu ngân sách. Chính chủ cũng sẽ ban hành quyết định chế độ về xe công.
Quốc hội cũng dự tính thông qua luật quản lý tài sản công. Các giải pháp khoán chi, tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế, đẩy mạnh sự nghiệp công sẽ được đẩy mạnh. Khi đó công tác tái cơ cấu nợ công sẽ rõ nét hơn.
‘Thịt heo rẻ như khoai lang’ làm nóng nghị trường Quốc hội
Vấn đề giải cứu nông sản trong đó có thịt heo và sự phát triển bất hợp lý ngành nông nghiệp được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội chiều nay.
Lùn và thiếu kỹ năng khiến thanh niên Việt thiệt thòi cơ hội việc làm
1
Theo đại biểu Quốc hội Mùa A Vảng (Điện Biên), hạn chế về thể chất, kỹ năng sống, đào tạo khiến thanh niên Việt Nam thiệt thòi về cơ hội việc làm, đặc biệt vùng sâu, vùng xa.
Đại biểu Quốc hội lo ngại hàng tỷ USD vốn FDI đổ vào thâu tóm DN Việt
1
Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), sản phẩm của các doanh nghiệp Việt vơi dần khi siêu thị Việt rơi vào tay chủ ngoại. Các start up có thể chết từ trong trứng nước.