Cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19 giáng đòn mạnh lên hầu hết ngành nghề, đẩy nhiều doanh nghiệp trên thế giới trượt đến bờ vực phá sản. Kể từ đầu năm đến nay, chính phủ các nước đã tung ra hàng loạt gói kích thích để hỗ trợ doanh nghiệp chống đỡ tác động tiêu cực từ dịch bệnh.
Các chuyên gia nói với Zing, Chính phủ Việt Nam nên hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách đẩy mạnh thị trường tiêu dùng trong nước. Còn bản thân doanh nghiệp nên tư duy lại để tăng cường "tính đề kháng" của sản phẩm hàng hóa và dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện tại.
Đẩy mạnh tiêu dùng nội địa
Trao đổi với Zing, ông Trần Bằng Việt, nhà sáng lập kiêm CEO Công ty Giải pháp Phát triển DongA Solutions, Cựu CEO Mai Linh Taxi, bình luận: "Chính phủ Việt Nam nên sử dụng các biện pháp kích cầu để tạo ra một thị trường nội địa đủ lớn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng trong nước, nhất là trong bối cảnh nhu cầu quốc tế sụt giảm và các biến động địa chính trị gia tăng".
Theo ông Trần Bằng Việt, đại dịch Covid-19 khiến tổng cầu thế giới sụt giảm. Điều đáng nói là không phải các thương hiệu như Nike, Adidas, Coca-cola, mà chính những quốc gia gia công hàng hóa mới là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Bởi chi phí về đất đai, trang thiết bị, nguyên vật liệu, nhân công... đè nặng lên doanh nghiệp sản xuất.
Vị CEO cho rằng việc nhu cầu trên thế giới sụt giảm chưa ảnh hưởng ngay lập tức nhưng sẽ tác động trong vòng 6 tháng đến một năm tới. "Tôi thấy rõ câu chuyện này trong quá trình tư vấn cho các doanh nghiệp. Chẳng hạn, một số công ty dệt may cho biết họ chỉ có đơn đặt hàng đến tháng 9 mà thôi. Trong khi đó, đơn hàng của ngành này thường có trước từ 6 đến 9 tháng. Như vậy, thị trường lao động gần 3 triệu người sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng", ông Việt bình luận.
Dịch Covid-19 khiến tổng cầu thế giới sụt giảm. Ảnh: Reuters. |
"Lấy ví dụ, bản thân tôi có khoảng 6, 7 đôi giày thể thao. Mỗi năm tôi mua khoảng 3, 4 đôi giày. Nhưng khi tình hình khó khăn, thu nhập sụt giảm, tương lai không chắc chắn, chúng ta có thể trì hoãn mua giày mới từ vài tháng đến vài năm, thậm chí đến bao giờ đôi cũ hỏng mới mua đôi mới", ông Việt nói thêm.
Thêm vào đó, theo CEO DongA Solutions, khi tổng cầu thế giới sụt giảm hàng chục nghìn tỷ USD, không quốc gia nào muốn mình là người chịu thiệt, từ đó dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga... "Nền kinh tế có tỷ trọng xuất khẩu trên GDP cao như Việt Nam có thể chịu tác động từ việc này", ông Việt nhấn mạnh.
Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp khi hướng đến thị trường trong nước sẽ không gặp các vấn đề về vận chuyển và hiểu rõ thói quen, hành vi của khách hàng hơn. "Nếu tỷ trọng doanh thu bán hàng trong nước đạt 20-30%, các doanh nghiệp sẽ có thể đảm bảo dòng tiền để duy trì hoạt động khi nhu cầu quốc tế chững lại", ông nhận xét.
Nếu tỷ trọng doanh thu bán hàng trong nước đạt 20-30%, các doanh nghiệp sẽ có thể đảm bảo dòng tiền để duy trì hoạt động khi nhu cầu quốc tế chững lại.
- Ông Trần Bằng Việt (CEO DongA Solutions)
Để kích thích tiêu dùng nội địa, theo ông Việt, Chính phủ Việt Nam nên đưa ra các chính sách hỗ trợ người tiêu dùng cuối. Một phần nguyên nhân là giúp phòng tránh những biến tướng như hồi khủng hoảng tài chính năm 2008.
Đồng quan điểm với ông Trần Bằng Việt, giáo sư MBA Soren Kirchner tại Đại học Andrews cũng cho rằng Việt Nam cần tìm mọi cách kích thích tiêu dùng nội địa để duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ông đề cập đến giải pháp phát phiếu giảm giá cho người dân thông qua điện thoại thông minh và giới hạn thời gian.
"Nếu trao tiền trực tiếp đến tay người dân, nhiều người sẽ giữ tiền hoặc mua vàng mà không chi tiêu. Chính vì vậy, khi đưa ra chương trình phiếu giảm giá, tiêu dùng nội địa có thể được thúc đẩy, từ đó giúp ích cho việc làm và đưa sự lưu thông của tiền vào nền kinh tế", ông giải thích với Zing.
Giáo sư Kirchner đề xuất giải pháp miễn tiền thuê nhà và lùi thời hạn trả nợ của các doanh nghiệp xuống 6-12 tháng. Điều kiện là doanh nghiệp không sa thải và trả 100% lương cho người lao động như trước dịch Covid-19. "Thay vì trả lãi vay và tiền thuê nhà, họ trả tiền người lao động, người lao động có tiền để tiêu và giúp nền kinh tế hồi sinh", ông giải thích.
Việt Nam còn dư địa tăng nợ
Tuy nhiên, việc các chính phủ đưa ra hàng loạt gói hỗ trợ kinh tế sẽ dẫn đến nhiều rủi ro về kinh tế vĩ mô. Tính riêng nền kinh tế hàng đầu thế giới, hồi cuối năm ngoái, nợ công của chính phủ Mỹ quanh mức 17.000 tỷ USD, tương đương 80% GDP. Theo dự báo được đưa ra hồi đầu năm, nợ chính phủ sẽ đạt 100% GDP vào năm 2030. Nhưng đến cuối tháng 6 năm nay, con số này đã chạm ngưỡng 20.530 tỷ USD, tức 106% GDP.
Nguyên nhân là chính phủ Mỹ đưa ra các gói kích thích trị giá hàng nghìn tỷ USD, mở rộng bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Giới chuyên gia cảnh báo nợ liên bang tăng nhanh có thể hủy hoại nền kinh tế Mỹ, lạm phát hoành hành, lãi suất và thuế sẽ tăng vọt.
Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc phải hạn chế sử dụng các gói kích thích ồ ạt như sau cuộc khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, nước này cũng sẽ dần bơm tiền vào nền kinh tế. Các nhà hoạch định chính sách không dám bơm quá nhiều tiền vào một nền kinh tế vốn có đòn bẩy tài chính cao. Tuy nhiên, cơ hội phục hồi mong manh vẫn khiến Bắc Kinh phải tiếp thêm nhiệt lượng.
Việt Nam vẫn còn dư địa để tăng nợ, đẩy mạnh đầu tư và chi tiêu trong ngắn hạn. Ảnh: Thuận Thắng. |
Theo ông Trần Bằng Việt, so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng nợ, đẩy mạnh đầu tư và chi tiêu.
"Những chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản của Việt Nam như nợ công và thâm hụt ngân sách vẫn ổn định. Chúng ta còn nhiều công cụ có thể sử dụng. Thêm vào đó, trong cuộc khủng hoảng lần này, Việt Nam nhận được sự quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ từ các quốc gia khác trên thế giới, cũng như người dân VIệt Nam", ông khẳng định.
Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam thì giải thích: "Theo mô-típ thông thường, chính sách được đưa ra trong các cuộc khủng hoảng là ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, những biện pháp hạn chế chi tiêu của các chính phủ trong thời điểm khủng hoảng có thể tạo ra những bài học rất lớn".
Chẳng hạn, trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, các quốc gia đã đi theo mô hình thắt chặt chi tiêu, dẫn đến cuộc khủng hoảng không đáy. Tiền tệ mất giá, thị trường chứng khoán sụp đổ, giá tài sản rơi tự do tại một số nước châu Á.
Không chỉ thắt chặt chi tiêu mà chi tiêu không đủ cũng có thể gây ra hậu quả lớn.
- Ông Nguyễn Minh Cường (Ngân hàng Phát triển châu Á)
Nhiều doanh nghiệp bị phá sản, hàng triệu người bị đẩy xuống ngưỡng nghèo khổ. Những quốc gia châu Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng này là Indonesia, Thái Lan và Hàn Quốc.
"Không chỉ thắt chặt chi tiêu mà chi tiêu không đủ cũng có thể gây ra hậu quả lớn", ông Nguyễn Minh Cường tại ADB nhấn mạnh. Theo ông, cân đối kinh tế vĩ mô luôn là mục tiêu quan trọng. Nợ công, thâm hụt ngân sách, tỷ lệ lạm phát... cũng giống các chỉ số cơ bản của cơ thể người như huyết áp, nhịp tim, cholesterol. "Nhưng có những thời điểm chúng ta vẫn phải chấp nhận một số chỉ số vượt ra ngoài", ông bình luận.
"Chẳng hạn, một người bị ung thư gan phải tiến hành phẫu thuật. Khi đó, men gan sẽ tăng vọt trong một khoảng thời gian rất ngắn. Nhưng đó là việc buộc phải làm khi sức khỏe đã rơi vào 'khủng hoảng'. Chúng ta không thể duy trì tất cả chỉ số đẹp ở mọi thời điểm", ông Nguyễn Minh Cường nhấn mạnh.
Theo ông, việc đẩy mạnh giải ngân các gói hỗ trợ tài khóa và dịch bệnh cần quyết tâm chính trị cao và phân quyền rõ ràng. "Chẳng hạn, giải ngân đầu tư công trong tháng 7 đạt hiệu quả cao nhờ quyết tâm chính trị cao, phân quyền đến cấp cơ sở và giám sát mạnh mẽ. Ngoài ra, có thể cân nhắc thành lập ủy ban hoặc cơ chế liên bộ tập trung vào vấn đề phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, trong đó có vấn đề giải ngân", ông Cường bình luận.