Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Sinh mạng và sinh kế là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam thời dịch'

Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng Việt Nam cần tăng tốc giải ngân các gói kích thích tài khóa để bảo vệ doanh nghiệp và việc làm của người lao động.

Dịch Covid-19 trở lại khi các hoạt động kinh tế tại Việt Nam đang gượng dậy sau đợt bùng phát đầu tiên. Trước tình hình đó, Chính phủ quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, quyết liệt chống dịch nhưng không để đứt gãy nền kinh tế.

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, nhận định hai mục tiêu hàng đầu của Việt Nam trong giai đoạn này là đảm bảo sinh mạng và sinh kế. Theo đó, bảo vệ doanh nghiệp và công ăn việc làm của người lao động sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Kinh te Viet Nam trong dich Covid-19 anh 1

Mục tiêu kép

- Theo ông, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ hai sẽ tác động ra sao đến kinh tế Việt Nam?

Không khó để kể ra những tác động nhìn thấy được của dịch Covid-19. Ngoài tác động rõ rệt nhất về mặt y tế, kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch bệnh. Tăng trưởng trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ sáu tháng đầu năm giảm mạnh, đặc biệt là dịch vụ du lịch và hàng loạt dịch vụ kèm theo.

Cùng với đó là đầu tư thương mại. Thặng dư thương mại bảy tháng đầu năm đạt mức cao kỷ lục. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là nhập khẩu giảm mạnh trong khi xuất khẩu tăng nhẹ. Trên thực tế, nhập khẩu giảm mạnh cho thấy tín hiệu đáng lo ngại hơn. Điều này có nghĩa là tiêu dùng nội địa và sản xuất giảm. Cuối cùng là tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh với số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động gia tăng.

Ngoài ra còn có những tác động không nhìn thấy được. Khi các nguồn lực bị hạn chế, việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao kỹ năng và tay nghề của người lao động sẽ bị ảnh hưởng. Cùng với đó, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 cũng có thể bị tác động. Câu hỏi đặt ra là mô hình tăng trưởng mới sẽ ra sao, vai trò của Nhà nước như thế nào.

Kinh te Viet Nam trong dich Covid-19 anh 2

Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam.

- Ông đánh giá thế nào về các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế chống đỡ ảnh hưởng của dịch Covid-19 của Việt Nam?

Trên thực tế, Chính phủ Việt Nam đã phản ứng rất nhanh. Các chính sách được đưa ra ngay sau tháng 4 với gói giãn thuế 180.000 tỷ đồng, gói tín dụng 16.000 tỷ đồng, gói an sinh xã hội 62.000 tỷ, gói hỗ trợ tiền điện 11.000 tỷ đồng... Tuy nhiên, việc thực hiện là vấn đề. Đây không phải vấn đề của riêng Việt Nam, mà nhiều nước phát triển khác cũng gặp phải.

Nguyên nhân là cuộc khủng hoảng diễn ra quá nhanh với quy mô lớn và tốc độ lây lan khủng khiếp. Các gói cứu trợ có quy mô chưa từng thấy khiến tất cả bộ máy hiện tại khó đáp ứng ngay lập tức. Đối với riêng Việt Nam, gói kích thích tài khóa tương đương gần 4% GDP. Tuy nhiên, nếu cộng thêm 700.000 tỷ giải ngân đầu tư công, con số sẽ lên đến 14% GDP, lớn hơn gói 10% GDP của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Với cuộc khủng hoảng kép lần này, điều quan trọng nhất là tập trung vào sinh mạng và sinh kế, tức là tập trung ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ doanh nghiệp và việc làm của người lao động. Cần tăng tốc giải ngân các gói kích thích tài khóa, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp, ngăn chặn việc giải thể và phá sản. Tình trạng doanh nghiệp phá sản càng nhiều thì động lực tăng trưởng càng bị thu hẹp. Ngoài ra, hỗ trợ người lao động, đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập cũng giúp kích thích tiêu dùng nội địa, một động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế.

- Như vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, các gói hỗ trợ tài khóa và dịch bệnh. Ngân hàng Phát triển châu Á có thể đưa ra một số khuyến nghị gì giúp tăng tốc giải ngân?

"Cuộc khủng hoảng diễn ra quá nhanh với quy mô lớn và tốc độ lây lan khủng khiếp. Các gói cứu trợ có quy mô chưa từng thấy khiến tất cả bộ máy hiện tại khó đáp ứng ngay lập tức"

- Ông Nguyễn Minh Cường (Ngân hàng Phát triển châu Á)

Đầu tiên, hai yếu tố cần có để thực hiện giải ngân nhanh chóng là quyết tâm chính trị cao và phân quyền rõ ràng. Quyết tâm chính trị của Việt Nam trong cuộc khủng hoảng lần này đã rất cao nhưng cần đi cùng phân quyền. Chẳng hạn, giải ngân đầu tư công trong tháng 7 đạt hiệu quả cao nhờ quyết tâm chính trị cao, phân quyền đến cấp cơ sở và giám sát mạnh mẽ.

Thủ tướng và các Phó thủ tướng đến từng khu vực để đôn đốc và giám sát; các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh đứng ra chỉ đạo. Chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng, giải ngân đầu tư công đã tăng rất mạnh. Biện pháp tương tự có thể được áp dụng vào giải ngân chính sách tài khóa. Việc phân quyền thậm chí có thể xuống cấp phường, xã. Dĩ nhiên, sẽ có một số sai sót về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, không nên bị ràng buộc bởi những mối lo ngại đó vào thời điểm này.

Thứ hai, có thể cân nhắc thành lập ủy ban hoặc cơ chế liên bộ tập trung vào vấn đề phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, trong đó có vấn đề giải ngân. Đã có ủy ban quốc gia đối với y tế, phòng chống dịch bệnh nhưng chưa có ủy ban quốc gia về ứng phó tác động kinh tế của dịch bệnh và phục hồi kinh tế. Cuộc khủng hoảng này có thể kéo dài, thậm chí đến tận cuối năm 2021. Tác động của nó sẽ kéo dài suốt chu kỳ phát triển 5 năm. Vì vậy, nhiệm vụ của ủy ban này là tập trung vào ứng phó các vấn đề trước mắt như là giải ngân đầu tư công, thực hiện các gói hỗ trợ kinh tế, cũng như các mục tiêu phục hồi kinh tế trong trung và dài hạn.

Cuối cùng, nên đưa ra văn bản hướng dẫn đi kèm ngay sau khi đưa ra các chính sách, nghị định, nghị quyết.

Thu hút sóng FDI: "Đừng chọn đại bàng mà bỏ qua chim sẻ"

- Theo ông, làm cách nào để Việt Nam vừa đảm bảo tăng trưởng tốt, vừa ổn định kinh tế vĩ mô?

Cuộc khủng hoảng này chưa từng xảy ra trong quá khứ. Theo mô-típ thông thường, chính sách được đưa ra là ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế chi tiêu của Chính phủ trong thời điểm khủng hoảng có thể tạo ra những bài học rất lớn. Chẳng hạn, trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, tất cả quốc gia đi theo mô hình thắt chặt chi tiêu và rơi vào cuộc khủng hoảng không đáy. Kết quả là cuộc khủng tài kinh tế-tài chính dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị-xã hội nghiêm trọng. Chỉ riêng Malaysia "thoát nạn" nhờ đi theo chính sách tăng chi tiêu.

Khi một người bị bệnh nặng được đưa vào phòng cấp cứu, nhịp tim đã bị rối loạn, người ta phải sử dụng phương pháp sốc điện. Những giải pháp "sốc điện" như vậy chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng, nhưng đó là việc cần làm vì lúc đó nền kinh tế đã rơi vào khủng hoảng rồi. Không thể duy trì mọi chỉ số (nợ công và thâm hụt ngân sách) đều đẹp, sẽ có lúc các chỉ số phải vượt ngưỡng.

Kinh te Viet Nam trong dich Covid-19 anh 3

Các doanh nghiệp quốc tế cần đáp ứng được tiêu chí về chuyển giao công nghệ, môi trường, tiêu chuẩn lao động và kết nối với những doanh nghiệp trong nước. Ảnh: Hoàng Hà.

Riêng đối với nền kinh tế Việt Nam, nhìn chung, các chỉ số vẫn ổn. Nợ công trong năm qua giảm mạnh, thâm hụt ngân sách không tăng. Tuy nhiên, khả năng tăng lên là có thể xảy ra. Để giải quyết hai vấn đề này, việc cần làm là giúp "chiếc bánh GDP" rộng ra.

- Ngân hàng Phát triển châu Á khuyến nghị gì giúp Việt Nam tăng GDP"?

Việt Nam có rất nhiều khả năng để tăng GDP. Một trong những đóng góp rất lớn là tiêu dùng nội địa. Động lực thứ hai là xuất khẩu, nhất là với các hiệp định thương mại tự do và sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc. Tiếp theo là xuất khẩu sang những quốc gia như Mỹ và châu Âu. Thứ ba, dịch Covid-19 cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số, giúp tăng chất lượng và năng suất lao động của Việt Nam. Về mặt trung hạn và dài hạn, quá trình chuyển đổi kinh tế số này sẽ tác động rất mạnh đến năng suất lao động của Việt Nam.

Cuối cùng là làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng đã bắt đầu tư trước dịch Covid-19. Dịch bệnh gây ra một số gián đoạn nhưng xu hướng này sẽ tiếp tục tăng mạnh. Việt Nam vẫn luôn được coi là một điểm đến hấp dẫn. Chính dòng đầu tư này sẽ hỗ trợ các vấn đề về nợ công và ngân sách.

- Làm cách nào để Việt Nam thu hút làn sóng FDI chất lượng trong giai đoạn này?

Thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam luôn là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhìn vào thập kỷ vừa qua, chất lượng và số lượng FDI vào Việt Nam đã tăng lên. Nguyên nhân là nền kinh tế Việt Nam đang từng bước phát triển. Khi một nền kinh tế phát triển, thu nhập của người dân và nhu cầu cũng gia tăng.

Các yếu tố thu hút FDI là tiêu dùng nội địa, chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính... Trong suốt thập kỷ qua, Việt Nam đã tìm cách hỗ trợ và khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài thông qua những chính sách ưu đãi và đơn giản hóa thủ tục hành chính.

"Đừng chỉ tập trung vào đại bàng, mà tốt nhất không nên phân biệt đại bàng và chim sẻ"

- Ông Nguyễn Minh Cường (Ngân hàng Phát triển châu Á)

Tuy nhiên, theo tôi, các chính sách ưu đãi về đất đai và thuế đã lỗi thời. Không nên thu hút FDI bằng ưu đãi mà hãy hấp dẫn nhà đầu tư thông qua thị trường hấp dẫn và môi trường kinh doanh. Việc tiếp tục đưa ra các ưu đãi để thu hút nhà đầu tư sẽ dẫn đến sự méo mó trong nền kinh tế. Đầu tiên là vấn đề chuyển giá. Chúng ta đều biết rằng chính những ưu đãi thuế mà các quốc gia đua nhau đưa ra đã tạo kẽ hở cho doanh nghiệp chuyển giá. Thứ hai là nguy cơ tạo nên nền kinh tế hai thành phần khi doanh nghiệp trong nước không nhận được những ưu đãi như vậy.

Ngoài ra, bên cạnh việc thu hút các doanh nghiệp quốc tế lớn, Việt Nam cũng không nên bỏ lỡ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trên thực tế, những doanh nghiệp lớn sở hữu công nghệ cao sẽ có yêu cầu cao với các doanh nghiệp trong nước. Còn doanh nghiệp quốc tế vừa và nhỏ sẽ đáp ứng tốt hơn điều kiện kết nối. Họ có thể chuyển giao công nghệ, dù không phải công nghệ hàng đầu nhưng vẫn là công nghệ mới.

Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo rằng các doanh nghiệp quốc tế đáp ứng được các tiêu chí quan trọng về chuyển giao công nghệ, môi trường, tiêu chuẩn lao động, và kết nối với những doanh nghiệp trong nước. Đừng chỉ tập trung vào đại bàng, mà tốt nhất không nên phân biệt đại bàng và chim sẻ.

Nền kinh tế tư nhân đóng vai trò lớn trong phát triển lâu dài

- Ông có lưu ý gì về kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới?

Trước hết là ứng phó trong năm 2020, bởi không ứng phó được thì không thể nói đến việc phục hồi. Về mặt kinh tế, cần tập trung vào giải ngân hết những gói kích thích tài khóa đã đưa ra, đặc biệt là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, ngăn chặn việc giải thể và phá sản.

Nền kinh tế tư nhân rất quan trọng vì đến thời điểm hiện tại, họ tạo ra phần lớn công ăn việc làm trong xã hội và đóng góp tỷ lệ lớn nhất vào GDP. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

Kinh te Viet Nam trong dich Covid-19 anh 4

Việt Nam cần tập trung ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ doanh nghiệp và người lao động. Ảnh: Duy Hiếu.

Trong cuộc khủng hoảng hiện tại, một trong những vấn đề lớn nhất là khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những nguồn vốn như quỹ tín dụng nhân dân, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp và nhỏ rất hạn chế, trong khi ngân hàng không thể cho vay bừa bãi.

Thực chất, hệ thống ngân hàng đã hoạt động rất tốt và hiệu quả trong cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, không thể ép ngân hàng cho vay. Việc giãn nợ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến vấn đề nợ xấu, dẫn đến rủi ro cho sức khỏe của hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, ngân hàng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong giai đoạn phục hồi của nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Vì vậy, theo tôi, cần cân nhắc các cơ chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là vấn đề nhỏ trong cuộc khủng hoảng lớn này. Tuy nhiên, về lâu dài, nền kinh tế tư nhân có đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Đây cũng là một trong hai mục tiêu mà Việt Nam cần đặt lên hàng đầu như tôi đã nhắc đến bên trên. Đó là sinh mạng và sinh kế, sinh nhai.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm