Dịch Covid-19 trở lại khi các hoạt động kinh tế tại Việt Nam đang "gượng dậy" sau đợt bùng phát đầu tiên. Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, quyết liệt chống dịch nhưng không để đứt gãy nền kinh tế.
Trao đổi với Zing, ông Chad Ovel, Tổng giám đốc Mekong Capital, cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, cố gắng duy trì các hoạt động của doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng nội địa và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Đẩy nhanh các dự án hạ tầng
- Theo ông, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ hai sẽ tác động ra sao đến kinh tế Việt Nam?
- Mặc dù tốc độ tăng trưởng giảm dần và rủi ro từ dịch Covid-19 vẫn còn, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt nhất Đông Nam Á.
Các động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam là lực lượng lao động có trình độ học vấn cao và cần cù, đồng tiền ổn định trên nền tảng tăng trưởng tín dụng bền vững, môi trường chính trị ổn định, thặng dư thương mại, tầng lớp trung lưu mới nổi và số lượng các hộ kinh doanh nhỏ ngày càng tăng.
Thêm vào đó, dịch Covid-19 làm gián đoạn nhiều chuỗi cung ứng trên toàn cầu, khiến hàng loạt doanh nghiệp quốc tế đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro.
Ông Chad Ovel, Tổng giám đốc Mekong Capital. |
Ngoài ra, các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam đang tham gia cũng giúp mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và thúc đẩy nền kinh tế quốc gia.
Theo Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á năm 2020, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và trở lại mức tăng trưởng 6,8% vào năm 2021, miễn là dịch bệnh được kiểm soát.
- Theo ông, Việt Nam nên làm gì lúc này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?
- Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt trong việc kiểm soát cuộc khủng hoảng này. Việt Nam đang thực hiện các biện pháp từng làm trong suốt tháng 3 và tháng 4. Đó là chiến dịch xét nghiệm nhanh, truy vết tích cực và truyền thông hiệu quả.
Về mặt tài chính, điều quan trọng là giúp hộ gia đình và doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận các khoản vay, từ đó giảm bớt khó khăn, duy trì hoạt động của doanh nghiệp và thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Chính phủ cũng nên đẩy nhanh triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn đã được quy hoạch phê duyệt với tốc độ tối đa.
Quan trọng hơn nữa, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, duy trì các chính sách thương mại cởi mở, phát triển mối quan hệ đối tác công - tư. Hợp tác quốc tế sâu rộng hơn là biện pháp hữu hiệu nhất để chống lại tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng này.
"Sống chung" với dịch Covid-19
- Việt Nam nên làm gì để hỗ trợ nền kinh tế trong trường hợp phải "sống chung" với dịch Covid-19 lâu dài?
- Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp bùng phát dịch lần thứ hai với hàng triệu khẩu trang và hàng nghìn máy thở. Các bệnh viện cũng được trang bị thêm những thiết bị y tế cần thiết trong các trường hợp khẩn cấp.
Ngân hàng Thế giới đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn có khả năng phục hồi và sẽ hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do cùng với điều kiện thị trường lao động thuận lợi. Do đó, các nhà sản xuất toàn cầu đang tìm đến Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Vì vậy, các nhà đầu tư có thể yên tâm rằng Việt Nam sẽ tiếp tục cảnh giác và sẵn sàng đối mặt với những thách thức do dịch Covid-19 gây ra. Theo The Economist, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các nền kinh tế mới nổi theo 3 cách. Đó là người dân bị hạn chế đi lại, ảnh hưởng đến xuất khẩu và ngăn cản dòng vốn nước ngoài. Việt Nam đã giải quyết vấn đề đầu tiên và vẫn đang đối phó với các vấn đề còn lại.
Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam là lực lượng lao động có trình độ học vấn cao và cần cù. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Một số ngành nghề quan trọng của Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19 như du lịch và hàng không. Chính phủ nên có giải pháp gì để hỗ trợ những ngành này?
- Không may là ngành du lịch của Việt Nam đã bị ảnh hưởng đáng kể vì đại dịch. Sự gia tăng du lịch nội địa sẽ không bao giờ bù đắp được số lượng lớn khách du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, nếu Việt Nam thành công trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và được coi là một quốc gia an toàn, số lượng khách du lịch sẽ phục hồi và tăng hơn nữa sau khi các hạn chế du lịch quốc tế được dỡ bỏ.
- Theo ông, đại dịch Covid-19 có giúp hình thành những xu hướng kinh doanh mới trong nền kinh tế?
- Đại dịch đã tạo ra một cơ hội tốt cho tất cả các công ty tăng tốc chuyển đổi số. Trong danh mục đầu tư của chúng tôi, một số công ty cũng giới thiệu những sản phẩm và dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Ví dụ như tăng cường học tập trực tuyến, giao hàng nhanh...
Tuy không đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hay các startup công nghệ, chúng tôi vẫn cho rằng việc có nhiều công ty khởi nghiệp mới và phong trào chuyển đổi số nổi lên tại Việt Nam là rất đáng khích lệ.