Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2019

Mức lương tối thiểu vùng mới từ 2,92 triệu đến 4,18 triệu đồng/tháng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 1/1/2019.

Anh Quang Hải (28 tuổi, Hà Nội) đang công tác tại vị trí kế toán của một nhà máy sản xuất đồ gia dụng trên địa bàn huyện Gia Lâm.

Anh cho hay với vị trí hiện tại, hàng tháng mức lương cơ bản anh được nhận là hơn 4,2 triệu đồng. Trong đó bao gồm 3,98 triệu là lương tối thiểu vùng 1 anh được nhận và cộng thêm 7% do là lao động đã qua đào tạo từ cấp nghề trở lên.

Với hệ số lương 3,4 hiện tại ở công ty, bình quân mỗi tháng anh Hải được hưởng mức lương gần 14,5 triệu đồng.

Từ ngày 1/1/2019 tới đây, thu nhập từ lương mỗi tháng của anh sẽ tăng lên mức 15,2 triệu đồng nhờ việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới.

tang luong toi thieu vung 2019 anh 1
Mức lương tối thiểu vùng mới từ 2,92 triệu đến 4,18 triệu đồng/tháng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Ảnh: Hồ Như Ý. 

Việc này áp dụng theo Nghị định số 157/2018/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng từ năm 2019 vừa được Chính phủ ban hành.

Căn cứ theo nghị định này, tất cả người lao động làm việc theo hợp đồng lao động sẽ được hưởng mức lương tối thiểu cao hơn từ 160.000 đồng đến 200.000 đồng tùy từng vùng.

Cụ thể, với lao động làm việc tại doanh nghiệp ở vùng I (chủ yếu các quận, huyện tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương...) sẽ được áp dụng mức lương tối thiểu mới 4,18 triệu đồng/tháng, tăng 200.000 đồng so với mức đang áp dụng.

Do anh Hải làm việc tại nhà máy trên địa bàn huyện Gia Lâm thuộc vùng I, nên từ năm 2019, mức lương tối thiểu của anh sẽ áp dụng mức mới này, giúp lương cơ bản trước hệ số của anh tăng lên 4,47 triệu đồng.

Trong khi đó, người lao động tại vùng II sẽ được hưởng mức lương tối thiểu 3,71 triệu đồng, tăng 180.000 đồng mỗi tháng. Vùng III, người lao động sẽ được tăng 160.000 đồng mỗi tháng lên mức 3,25 triệu đồng; và vùng IV được tăng lên 2,92 triệu đồng.

tang luong toi thieu vung 2019 anh 2

Nghị định cũng nêu rõ địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh.

Theo đó, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Nếu doanh nghiệp có chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì chi nhánh ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng với địa bàn đó.

Còn với doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng cao nhất.

Hồi giữa tháng 8, Hội đồng tiền lương Quốc gia cũng đã họp bàn và thống nhất với phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2019 mức bình quân tăng 5,3% so với năm 2018.

Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động thương binh và Xã hội, đây là mức mà người lao động có thể bù đắp vào khoản trượt giá 4%/năm và vẫn còn mức tăng lương so với năm trước. Với mức tăng lương tối thiểu này, doanh nghiệp cũng có thể chi trả được.

Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương. Trong đó, mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động phải không thấp hơn lương tối thiểu vùng đối với người làm công việc giản đơn nhất; cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề.

Lương cán bộ, công chức tối đa là 11,9 triệu đồng từ tháng 7/2019

Đây là mức lương chuyên môn, nghiệp vụ cao nhất đối với công chức trong các cơ quan Nhà nước được áp dụng từ ngày 1/7/2019, tăng so với hiện tại 800.000 đồng/tháng.



Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm