Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho hay thời gian gần đây số lượng người đi lao động nước ngoài tăng rất nhanh, góp phần nâng thu nhập của người dân các địa phương. Nhưng ở nhiều thị trường lao động tốt lại có tình trạng lao động trốn việc, ra làm công ty khác…ảnh hưởng đến hình ảnh của lao động Việt Nam.
Trốn ra ngoài vì có thu nhập cao hơn
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay Việt Nam có khoảng 500.000 người đang làm việc tại nước ngoài. Số lượng gần đây tăng lên rất nhanh, riêng năm 2017 đã có tới 134.000 lao động xuất khẩu.
Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Thanh Tuấn. |
“Bình quân mỗi năm những lao động tại nước ngoài mang về thu nhập xấp xỉ 3 tỷ USD. Riêng tỉnh Nghệ An, mỗi năm số tiền người lao động từ nước ngoài gửi về lên tới 250 triệu USD”, Bộ trưởng cho biết.
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ LĐTB&XH cũng cho biết ở một số thị trường tiềm năng thì tỷ lệ bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không chịu về nước lại rất cao, đặc biệt là Hàn Quốc. Trong khi các nước khác tỷ lệ lao động bỏ trốn chỉ trên 30% thì Việt Nam đã có thời điểm lên tới 60%.
Vì lý do này, Hàn Quốc đã cấm lao động Việt Nam sang trong 4 năm.
“Đáng chú ý, những người bỏ trốn thường là lao động tay nghề cao, trốn ra ngoài vì có mức lương cao và trốn được cả thuế. Và chính các doanh nghiệp tại đây cũng cần những lao động này”, Bộ trưởng nói.
Đại biểu Đôn Tuấn Phong (An Giang) phản ánh tình trạng khác, đó là lao động tại các tỉnh giáp biên tự do sang nước ngoài làm việc diễn ra phổ biến.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đưa ra con số đang có khoảng 139.000 người thường xuyên qua lại biên giới và các tỉnh giáp ranh làm việc. Trong đó, chủ yếu là Trung Quốc với 100.000 người, Thái Lan 20.000 người và Lào là 13.000 người…
“Số lao động này khi sang làm việc đều đảm bảo về mặt pháp lý có hộ chiếu, Visa, nhưng lại không có giấy phép hành nghề”, Bộ trưởng nói.
Lao động xuất khẩu nước ngoài trốn ra ngoài làm việc để nhận mức thu nhập cao hơn, trang trải cuộc sống. |
Người đứng đầu Bộ LĐTB&XH cho biết đã đàm phán với các đối tác để quản lý tình trạng này, để giúp người lao động có Visa sang biên giới lao động không chỉ trong ngắn hạn mà là 2 năm, đảm bảo các quyền lợi. Điều này đồng thời cũng giúp số lao động làm việc qua biên giới tăng hơn và mang lại hiệu quả thực sự.
Không có chuyện lao động nữ 30-35 tuổi bị sa thải hàng loạt
Chia sẻ thông tin về người lao động tại các doanh nghiệp FDI trong độ tuổi 30-35 bị sa thải hàng loạt, đặc biệt là nữ, Bộ trưởng Dung khẳng định đích thân đã đi kiểm tra, làm việc với các doanh nghiệp và không hề có tình trạng này.
“Ngay sau khi có thông tin, Bộ đã phối hợp đi khảo sát ở một số doanh nghiệp của 3 tỉnh là Đồng Nai, Bắc Ninh và TP.HCM và con số không phải như vậy. Số liệu cho biết chỉ 1,9% tổng số lao động của doanh nghiệp trong độ tuổi 30-35 nghỉ việc với nhiều lý do khác nhau, chứ không phải bị sa thải”, Bộ trưởng khẳng định.
Việt Nam hiện nay có khoảng 2,68 triệu người làm việc tại các doanh nghiệp FDI, tập trung tại một số tập đoàn lớn như Samsung là 170.000 người; Nike bao gồm cả gia công là 400.000 người… Bình quân mức lương của lao động tại các doanh nghiệp FDI lớn cũng khoảng 5,5 triệu đồng/tháng.
Riêng Samsung có khoảng 170.000 lao động Việt Nam đang làm việc. Ảnh: Ngô Minh. |
Theo ông Dung, hiện nay nhiều doanh nghiệp FDI còn sẵn sàng chi trả phí đào tạo nâng cao chất lượng lao động và sẵn sàng tăng lương khi đào tạo xong.
“Cách đây một tuần, tôi có trực tiếp làm việc với Samsung, họ chi tiền đào tạo 1.986 công nhân học cao đẳng, trong đó 555 người đã tốt nghiệp họ nâng lương thêm 977.000 đồng/tháng. Trong số những người được cử đi học này cũng có 551 người trong độ tuổi 35”, Bộ trưởng cho biết.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho hay vẫn phải chăm lo cho lao động trong khu vực này, vì những đặc thù trong công việc. Bộ đang xem xét xây dựng đề án đào tạo lại cho công nhân, người lao động FDI nếu thất nghiệp, để có thể chuyển nghề khi doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, dẫn tới nguy cơ người lao động mất việc.