Cuối tháng 5/2018, một nhóm phi công đã gửi đơn cầu cứu tới các cơ quan chức năng vì cho rằng Vietnam Airlines gây khó không cho nghỉ việc, nếu nghỉ phải bồi thường số tiền lớn.
Cụ thể, nhóm phi công cho hay hiện nếu muốn nghỉ việc, phi công phải thông báo trước 120 ngày và bồi hoàn chi phí 2-3,5 tỷ đồng.
Đây không phải là lần đầu phi công Việt có bức xúc với hãng bay. Những bất đồng như trên đã kéo dài trong nhiều năm và càng trở nên nhức nhối khi thị trường hàng không Việt đang mở cửa.
Phi công xin nghỉ ốm đồng loạt
Năm 2015, nhiều phi công của Vietnam Airlines đình công, xin nghỉ việc để phản đối sự chênh lệch quá lớn giữa thu nhập của phi công trong nước và phi công nước ngoài.
Chênh lệch thu nhập giữa phi công trong nước và nước ngoài từ lâu đã là mâu thuẫn lớn. Ảnh minh họa: Hoàng Anh. |
Thời điểm đó, nhóm phi công xin nghỉ việc nhận định tính chất công việc như nhau, năng suất lao động như nhau nhưng phi công nước ngoài được trả công cao gần gấp đôi so với phi công Việt Nam.
Mâu thuẫn này đã có từ năm 2011 khi nhiều phi công đoàn bay 919 đặt ra câu hỏi tại sao năng lực như nhau nhưng phi công ngoại được trả công cao hơn nhiều so với phi công nội.
Câu trả lời được lãnh đạo Vietnam Airlines khi đưa ra là "thuê phi công nước ngoài, chúng tôi không phải tốn chi phí đào tạo”. Khoản chi phí này được cho là lên đến 2,5-3 tỷ đồng mỗi người vào thời điểm đó, chưa kể các chi phí cho các khóa học đào tạo tiếp theo để phân cấp và chuyển loại phi công.
Theo chính sách của Vietnam Airlines, trước khi đào tạo cơ bản (bằng kinh phí của tổng công ty), phi công cần phải ký hợp đồng đào tạo, cam kết sau khi kết thúc khóa học thành công, phi công sẽ phải ký hợp đồng lao động, làm việc cho Vietnam Airlines trong 15 năm.
Các phi công nhận định việc phải ký hợp đồng 15 năm với Vietnam Airlines đã khiến họ bị "trói chân", không thể tìm việc tại những hãng hàng không có thu nhập tốt hơn.
Để phản đối sự chênh lệch trong thu nhập trên, 117 phi công của Vietnam Airlines đã viết đơn xin nghỉ ốm gần Tết Nguyên đán và 30 phi công điều khiển máy bay Airbus muốn từ chức.
Tương tự, năm 2017, gần 10 phi công đang là cơ trưởng của Jetstar Pacific, hãng hàng không giá rẻ do Vietnam Airlines nắm giữ khoảng 70% cổ phần, đồng loạt xin nghỉ ốm. Một số chuyến bay của hãng đã phải thay đổi lịch, hủy cất cánh.
Tuy nhiên, nguồn tin của Dân Trí cho biết việc báo ốm chỉ là cái cớ, bởi Luật cho phép người lao động được hưởng các chế độ nghỉ ốm. Các phi công cơ trưởng đã đồng loạt nghỉ ốm để chuyển sang một hãng hàng không khác với mức lương cao hơn.
Để khắc phục tình trạng này, Jetstar Pacific cũng đã tiếp nhận thêm phi công nhiều kinh nghiệm từ Vietnam Airlines sang hỗ trợ.
Bức xúc vì nghỉ việc phải báo trước 4 tháng
Bên cạnh đó, năm 2015, nhóm phi công cũng bức xúc về việc Bộ GTVT đưa quy định người lao động trình độ cao trong ngành hàng không phải thông báo trước khi nghỉ việc 120 ngày.
Phi công Việt bức xúc vì nhiều quy định đang "trói chân" họ trong việc lựa chọn nơi làm việc. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Quy định này ảnh hưởng tới các phi công, nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay, nhân viên điều độ, khai thác bay.
Đại diện Bộ GTVT khi đó khẳng định hàng không là ngành có đặc thù riêng nên có thể đưa ra mức thời gian thông báo chấm dứt hợp đồng nhiều hơn 45 ngày.
Việc phải báo trước 4 tháng nếu muốn nghỉ việc được nhóm phi công cho là trái với Luật lao động và trái với Hiến pháp. Thời điểm đó, nhiều luật sư cũng cho rằng đây là quy định không hợp lý vì không thể cứ ngành có đặc thù là được đứng cao hơn Luật lao động.
Việc lao động trình độ cao nghỉ việc chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng không thể vì thế mà làm trái Luật. Doanh nghiệp cần có phương án tự cân đối để giảm thiểu ảnh hưởng.
Nhân viên kỹ thuật cũng kêu cứu
Tháng 11/2013, hàng loạt nhân viên của Vietnam Airlines đang làm việc tại Công ty Kỹ thuật hàng không (VAECO) - công ty thành viên của hãng hàng không quốc gia, gửi đơn kêu cứu vì bị Vietnam Airlines ép ký hợp đồng lao động ràng buộc phải làm việc trong 20 năm.
Không chỉ có phi công bức xúc về thu nhập và việc bị "trói chân" bằng hợp đồng. Ảnh: VAECO. |
Theo nội dung đơn kêu cứu, nhiều hãng hàng không khác đang tuyển dụng vào thời điểm đó và đưa ra mức thu nhập cao gấp 3 lần mức mà Vietnam Airlines chi trả cho nhân viên kỹ thuật của VAECO.
Vì lý do này, một số nhân viên VAECO đã nghỉ việc để sang công ty mới có mức đãi ngộ cao hơn. Sau đó doanh nghiệp này đã xây dựng các văn bản quy định về mức chi phí đào tạo và các khoản bồi thường
Cụ thể, những nhân viên đã nghỉ việc phải bồi 500 triệu đồng/người cho chi phí đào tạo nếu đạt trình độ A, còn đạt trình độ B1 hoặc B2, con số lên đến trên 1 tỷ đồng. Cách tính chi phí này bị những người làm đơn đánh giá là “không xác đáng”.
Những người ở lại cũng bị bắt ký hợp đồng cam kết thời gian làm việc cho công ty, tùy mức chi phí công ty bỏ ra đào tạo mà mọi người phải làm việc từ 10-20 năm.