Cách đây vài năm, nhiếp ảnh gia Guillaume Herbaut của National Geographic tới Thượng Hải để đưa tin về "chợ tình yêu", một công viên nơi các bậc cha mẹ tụ tập để mai mối cho những đứa con độc thân của mình.
Trên đường đi, ông tình cờ ghé qua một công ty có tên "The Only Studio". Khi vào bên trong, ông thấy một phim trường theo kiểu Disneyland với hơn 20 bối cảnh chụp ảnh khác nhau, từ lâu đài tuyết đến các hòn đảo Hy Lạp.
Các thợ trang điểm, nhà thiết kế trang phục và nhiếp ảnh gia hỗ trợ và chỉ dẫn cho các cặp đôi trong từng bối cảnh để ghi lại những bức hình đẹp nhất của cô dâu chú rể.
Ngành công nghiệp tỷ USD
"Đó là sự pha trộn giữa câu chuyện tình yêu thực và cảnh trí giả tạo. Nó khiến tôi có cảm giác như đang ở trong trường quay của các bộ phim truyền hình với bối cảnh được dàn dựng", Herbaut nhớ lại.
Vào mùa cao điểm, studio này có thể phục vụ 80 cặp đôi một ngày với 60 nhiếp ảnh gia trong nhà.
Trong thế kỷ qua, hôn nhân ở Trung Quốc đã thay đổi đáng kể. Theo truyền thống, hôn nhân do người mai mối và cha mẹ sắp đặt, thậm chí không cần sự đồng ý của cô dâu chú rể.
Một cặp đôi chụp ảnh cưới với bối cảnh "lâu đài mơ ước" tại phim trường The Only, Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: National Geographic. |
Khi triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc kết thúc vào đầu những năm 1900, nhiếp ảnh đã được giới thiệu trong các đám cưới. Tuy nhiên, lúc đó, các bức ảnh chỉ có mục đích lưu giữ kỷ niệm và truyền lại cho các thế hệ sau này.
Sau khi cải cách kinh tế sản sinh ra tầng lớp trung lưu Trung Quốc thế kỷ 20, trọng tâm của các cuộc hôn nhân đã chuyển sang các cặp đôi. Các buổi chụp hình trước đám cưới bùng nổ như một công cụ thể hiện cá tính và sự giàu có.
"Chụp ảnh cũng giống như hóa trang", Jiajing Mao, chuyên gia về truyền thống đám cưới Trung Quốc, cho biết.
"Nhiều cặp đôi không chỉ chụp ảnh với lễ phục mà còn chụp ảnh với bối cảnh mô phỏng thời sinh viên, thời kì Cách mạng Văn hóa hoặc những cảnh khác nhau của cuộc sống thường ngày bất kể họ có từng cùng nhau trải qua giai đoạn đó hay không", Mao nói.
Xu hướng chụp ảnh trong phim trường bắt nguồn từ Đài Loan như một cách để bán trang phục, sau đó lan sang Trung Quốc vào những năm 1980. Ngành công nghiệp này được cho là trị giá hàng tỷ USD. Tại "The Only Studio", khách hàng chi từ 400 đến 18.000 USD cho mỗi lượt chụp hình.
Theo Tianyi Li, người đang tiến hành nghiên cứu về các nghi lễ trong đám cưới ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, các gia đình Trung Quốc có lịch sử chi tiêu mạnh tay cho hôn lễ.
Theo số liệu thống kê mà ông Li trích dẫn của chính phủ, các đám cưới thời nay tiêu tốn trung bình 11.000 USD, cao hơn thu nhập của người lao động thành thị điển hình.
Chuẩn mực xã hội thay đổi
Thông tin về các đám cưới xa hoa của người nổi tiếng thường nổi đình nổi đám trên truyền hình và mạng xã hội. Vài năm trước, một ngôi sao trong làng giải trí được mệnh danh là "Kim Kardashian của Trung Quốc" đã tổ chức lễ cưới trị giá 30 triệu USD.
Mỗi người đều muốn phô trương sự hào nhoáng của họ qua những lễ cưới đắt tiền.
Nhiều cặp đôi không tiếc tiền tới tận nước Anh để chụp ảnh đám cưới với bối cảnh đồng cỏ và lâu đài như trong các bộ phim truyền hình. Các công ty du lịch Trung Quốc đã bắt kịp nhu cầu này để cung cấp gói chụp ảnh cho các cặp vợ chồng tham gia.
Nhiều gia đình Trung Quốc chi nhiều số tiền thu nhập trong một năm cho đám cưới. Ảnh: National Geographic. |
Xu hướng "hồi tưởng quá khứ" cũng đang nổi lên trong thời gian gần đây. Jiajing Mao cho biết các công ty đã bắt đầu cung cấp các gói dịch vụ đám cưới truyền thống với trang phục thời xưa cho cô dâu chú rể.
"Nhiều người bắt đầu băn khoăn tại sao chúng ta lại mặc lễ phục theo kiểu phương Tây trong lễ cưới mà ít khi mặc trang phục truyền thống của Trung Quốc, bởi vậy họ đang cố gắng tìm về truyền thống trước đây", Mao nói.
Những xu hướng kể trên diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ kết hôn của Trung Quốc giảm sút do sự mất cân bằng giới tính trầm trọng, nam giới dư thừa do chính sách Một con. Phụ nữ Trung Quốc có trình độ học vấn cao hơn bao giờ hết và tỷ lệ sinh đã chậm lại.
Những thay đổi nhân khẩu học này đang nới lỏng những điều mà trước đây bị cho là cấm kỵ. Chẳng hạn, việc phụ nữ kết hôn với một người đàn ông đã ly dị hoặc góa bụa dần dần đã được chấp nhận dần dần, cho dù người nam đó có thu nhập thấp hơn người nữ.
Ngay cả những người đã kết hôn từ thời chụp ảnh còn chưa phổ biến cũng có cơ hội đứng trước ống kính. Nhà sử học Tianyi Li cho biết một số viện dưỡng lão đã tổ chức các buổi chụp ảnh "kỷ niệm vàng" cho các cặp vợ chồng đã ở bên nhau hàng chục năm.