Một chuyên gia tư vấn kinh doanh quốc tế nhận định với Nikkei, rằng khi thu nhập của người Việt ngày càng tăng, xã hội xoay quanh vấn đề "Nhìn tôi bên ngoài thế nào".
Vào buổi tối chủ nhật tại một thành phố lớn của Việt Nam, xế hộp xuất xứ châu Âu và xe máy Nhật Bản chất đầy bãi đỗ xe gần những nhà hàng chuyên cung cấp các món ăn ngoại như pizza, sushi hay những loại bia ủ bằng phương pháp thủ công có giá gấp 5 lần loại bia sản xuất hàng loạt khác. Người đi đường sử dụng iPhone và các loại điện thoại di động cao cấp.
Khung cảnh này tại TP.HCM phản ánh những gì mà Boston Consulting Group (BCG) dự đoán. Theo BCG, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam phát triển vào loại nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, tăng lên 33 triệu người - chiếm khoảng 1/3 dân số trong khoảng từ năm 2014 đến năm 2020. Thu nhập của họ lên đến hơn 700 USD mỗi tháng.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu thị trường Nielsen ước tính tầng lớp trung lưu Việt Nam sẽ đạt 44 triệu người vào năm 2020 và 95 triệu người vào năm 2030.
Một nhà hàng được coi là sang trọng nếu đủ các tiêu chí như sạch, đẹp và đủ ánh sáng. |
Paul Nguyễn, Giám đốc điều hành của Manulife – công ty bảo hiểm có trụ sở tại Canada, nhận định: “Cơ hội dành cho bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam là vô hạn”. Người đàn ông này cho biết cơ hội tại đất nước hình chữ S là lớn nhất Đông Nam Á, với 17 công ty bảo hiểm có quyền lôi kéo khách hàng.
Theo Manulife, so với năm 2014, doanh thu bán bảo hiểm tại Việt Nam năm 2015 của doanh nghiệp tăng 69%, lên đến 1.680 tỷ đồng (tương đương 75,3 triệu USD).
Tiềm năng vô hạn
Aparna Bharadwaj, đại diện của BCG khu vực Đông Nam Á, cho biết tầng lớp trung lưu Việt Nam không chỉ giới hạn tại khu vực thành thị, mà phân tán nhanh chóng đến các thị trấn nhỏ và vùng nông thôn. Đặc điểm này là do đầu tư của chính phủ vào cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn và nông nghiệp.
Từ năm 1987, Việt Nam đã xây dựng lại nền kinh tế và khuyến khích đầu tư nước ngoài trong sản xuất và xuất khẩu. Năm ngoái, đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 22,76 tỷ USD, đẩy tốc độ tăng trưởng GDP lên mức cao nhất trong 5 năm qua, 6,7%.
Cùng với các sản phẩm xuất khẩu truyền thống như may mặc và phụ tùng xe hơi, đồ điện tử giá trị cao cũng phát triển mạnh nhờ chiến lược của các nhà sản xuất như Samsung Electronics và Hon Hai Precision Industry.
Với sự gia tăng về thu nhập, Việt Nam đang tạo ra sức hút đối với các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài. Các sản phẩm điện thoại thông minh của Apple, Samsung và Sony được ưa chuộng hơn những thương hiệu của Trung Quốc như Huawei và Oppo, do nhiều người tiêu dùng cho rằng sản phẩm Trung Quốc có chất lượng thấp hơn.
Bên cạnh đó, vấn đề tranh chấp chủ quyền cũng khiến người tiêu dùng quay lưng với các nhãn hiệu đến từ nền kinh tế thứ 2 thế giới.
Theo Công ty nghiên cứu IDC, năm ngoái Samsung kiểm soát 25,6% thị phần điện thoại di động ở Việt Nam, trong khi Apple đứng vị trí thứ 2 với 24%.
Nhu cầu đối với hàng đắt tiền ngày càng tăng
Các nhà cung cấp điện thoại thông minh gặt hái lớn tại các đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP.HCM.
Đặng Thị Hiền, 42 tuổi, cho biết bà chi 100 USD để mua một chiếc điện thoại Samsung. "Tôi thực sự không thích các sản phẩm xuất xứ Trung Quốc", bà chia sẻ.
Người phụ nữ này cũng cho biết sản phẩm của Hàn Quốc như mỹ phẩm và đồ điện tử là sự lựa chọn phổ biến của những người có kinh tế.
Xe máy xếp đầy bên ngoài một cửa hàng bán điện thoại tại TP.HCM. Ảnh: Nikkei. |
Các nhà bán lẻ không muốn bỏ lỡ cơ hội. Aeon của Nhật gần đây đã mở trung tâm thương mại thứ 4 của doanh nghiệp tại Việt Nam, trong khi Asustek, Dell và Hewlett-Packard cạnh tranh khốc liệt tại lĩnh vực máy tính điện tử.
Dell cho biết xu hướng sử dụng hàng hóa đắt tiền ngày càng tăng. “Người tiêu dùng Việt Nam chủ yếu là thế hệ trẻ, có nhu cầu đối với đồ công nghệ cao”, Nguyễn Cường Thịnh, Giám đốc thương hiệu của Dell Việt Nam, chia sẻ.
Trong khi đó, một số nhà bán lẻ nước ngoài thử nghiệm thị trường bằng cách mở một cửa hàng. Ví dụ Mitra Adiperkasas của Indonesia. Hồi tháng 9, doanh nghiệp này khai trương cửa hàng đầu tiên ở nước ngoài theo hợp đồng nhượng quyền thương mại với Zara của Tây Ban Nha. Cửa hàng rộng 2.400 m2 tại TP.HCM.
'Nhìn tôi bên ngoài thế nào?'
“Xã hội xoay quanh vấn đề: 'Nhìn tôi bên ngoài thế nào'", Oscar Mussons, chuyên viên tư vấn kinh doanh quốc tế tại Công ty tư vấn Dezan Shira & Associates, nhận định.
Ông cho hay người Việt có thể không chú trọng đồ dùng trong nhà, nhưng sẵn sàng chi mạnh cho những thứ có thể trưng diện bên ngoài như điện thoại và xe.
Do đó, nhiều nhà hàng ngoại mọc lên tại các thành phố lớn để đáp ứng nhu cầu "sang chảnh" của người Việt. Nếu sạch sẽ, rộng rãi và đủ ánh sáng, nhà hàng Nhật Bản và chuỗi bán đồ ăn nhanh của Mỹ được coi là cao cấp.
E-Mart, chuỗi cửa hàng giảm giá của Hàn Quốc, đầu tư 200 triệu USD cho các cửa hàng và đẩy mạnh hình ảnh bằng cách hướng tới các hoạt động vì cộng cộng. Hồi tháng 7, doanh nghiệp mở một thư viện đồ chơi rộng 160 m2 và tặng 10.000 mũ bảo hiểm dành cho trẻ em.
Tương tự, thương hiệu thể thao Nhật Bản Mizuno đẩy mạnh tiếp thị trong tháng 2, khi mời tuyển thủ cầu lông hàng đầu Việt Nam, Nguyễn Tiến Minh, làm đại sứ thương hiệu với hợp đồng trị giá 50.000 USD.
Qua khảo sát trực tuyến, Nielsen cho biết niềm tin tiêu dùng ở Việt Nam đứng thứ 5 thế giới trong quý đầu của năm 2016. Sự giàu có tăng lên cùng với tỷ lệ gia tăng dân số trẻ và sinh viên tốt nghiệp. Cụ thể, 57% dân số Việt Nam dưới 35 tuổi và lượng sinh viên tốt nghiệp tăng 60% trong thập kỷ qua.
Khi thu nhập tăng, nhu cầu về nhà ở cao cấp cũng có thể phát triển. Mitsubishi Corp hy vọng hợp tác cùng một công ty bất động sản địa phương, để phát triển nhà ở cho 8.700 cư dân có thu nhập trung bình gần Hà Nội.
Tuy nhiên, Bharadwai khuyên các công ty nước ngoài nên tập trung vào các loại sản phẩm phục vụ gia đình, như mỹ phẩm, sữa cao cấp hoặc đồ dùng vệ sinh. Bà cho hay lượng tiêu thụ lớn là điều quan trọng.