Theo ông Thân Thanh Vũ, Chủ tịch Công ty Sao Khuê, thông tin trên là xác thực. Bởi mới đây, công ty của ông đã tổ chức đưa đoàn doanh nghiệp bất động sản (BĐS) Việt Nam sang xúc tiến đầu tư ở Nhật Bản.
Qua tiếp xúc, nhà đầu tư Nhật bảy tỏ mối quan tâm đến các dự án khách sạn cao cấp, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, dự án căn hộ cao cấp… tại các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội… Trong đó, Tập đoàn Sumitomo dự kiến xây dựng một dự án cao ốc văn phòng có vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD, hay Tập đoàn Toshin muốn phát triển một dự án có vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD...
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho biết thông tin các nhà đầu tư Nhật Bản có thể rót 2 tỷ USD vào thị trường BĐS Việt Nam dù mới mang tính biểu tượng, vì họ chưa ký kết hay có sự hợp tác cụ thể nào, nhưng là tín hiệu đáng mừng cho thấy bước phát triển mới của thị trường.
“Nguồn lực, trình độ quản lý của nhiều doanh nghiệp địa ốc trong nước đã được nâng lên so với trước và đây là lúc họ mở rộng việc kêu gọi, thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài”, ông Châu nói.
Vẫn theo ông Châu, hiện là thời điểm thuận lợi cho việc mời gọi nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản. Bởi ngoài việc 2 nước đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện, có nhiều yếu tố tương đồng về văn hóa, địa lý…, đây là lúc doanh nghiệp 2 nước đang có nhu cầu tìm đối tác để hợp tác. Trong khi doanh nghiệp Việt cần tìm vốn cho các dự án lớn (theo quy định hiện hành, các dự án có quy mô diện tích trên 20 ha thì vốn của chủ sở hữu là 15% - PV) và tìm các đối tác quản lý dự án chuyên nghiệp, thì nhà đầu tư Nhật có xu hướng tìm đối tác để đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản.
Đích ngắm của nhà đầu tư Nhật Bản là các dự án tại TP.HCM, Hà Nội...
|
Thực ra, xu hướng doanh nghiệp Nhật đầu tư mạnh ra nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản, trong đó có Việt Nam, không phải bây giờ mới được nhắc tới. Tại Diễn đàn Mua bán, sáp nhập (M&A) Việt Nam 2016 do Báo Đầu tư phối hợp tổ chức, nhiều chuyên gia, trong đó có đại diện các doanh nghiệp tư vấn hàng đầu của Nhật Bản, đã dự báo về xu hướng này.
Theo ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cao cấp, phụ trách thị trường Việt Nam của Tập đoàn Recof, các hoạt động M&A của doanh nghiệp Nhật Bản ở thị trường Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2015, 2016, sau khi suy giảm vào năm 2014 và có xu hướng hướng vào bất động sản.
“Đây là lĩnh vực mà khoảng 20 năm về trước, nhà đầu tư Nhật không hề quan tâm”, đại diện của Recof nói và cho rằng, doanh nghiệp Nhật không chỉ chú ý đến thị trường bất động sản tại TP.HCM, Hà Nội, mà còn hướng đến một số đô thị lớn khác.
Là người có gần 20 năm làm tư vấn, trong đó có nhiều thương vụ M&A, ông Thân Thành Vũ cho rằng không dễ gì nhà đầu tư Nhật tìm được mặt bằng ở khu vực trung tâm Hà Nội và TP.HCM để đầu tư trực tiếp do quỹ đất ngày càng hạn hẹp và còn vướng nhiều thủ tục đầu tư. Phương án mà các doanh nghiệp Nhật lựa chọn khi đầu tư vào bất động sản ở TP.HCM và Hà Nội sắp tới là qua M&A. Đã có một số dự án căn hộ cao cấp, khách sạn… tại 2 thành phố trên được các doanh nghiệp Nhật đề nghị công ty ông tư vấn để mua lại.
Ông Lê Hoàng Châu cũng cho rằng với xu hướng đầu tư vào bất động sản thông qua M&A, doanh nghiệp Việt được hưởng lợi nhiều mặt. Tuy nhiên, các nhà đầu tư Nhật có danh tiếng sẽ suy xét và cân nhắc rất kỹ trước khi đầu tư. Rào cản lớn nhất chính là yêu cầu về tính minh bạch của các doanh nghiệp này rất cao. Đặc biệt, họ sẽ không chấp nhận chuyện “đi đêm” như cách mà nhiều doanh nghiệp địa ốc trong nước hay làm.