Theo báo cáo, dữ liệu năm 2019 của Việt Nam về số vụ thu giữ ma túy đá (methamphetamine), cũng như số người dùng ma túy được ghi nhận chính thức, ở mức tương đương hoặc giảm nhẹ so với năm 2018.
Nhưng nếu xét về lượng thu giữ của từng loại ma túy, năm 2019 tăng hơn nhiều so với năm 2018. Chẳng hạn, lượng methamphetamine dạng tinh thể bị thu giữ năm 2019 là 5.500 kg so với 1.929 kg năm 2018, và nhiều hơn 5 năm gần nhất gộp lại.
Dựa vào đó, báo cáo nhận định “thị trường ma túy đá ở Việt Nam đang ngày càng mở rộng”.
Lượng ketamine cũng tăng kỷ lục, lên 507,5 kg năm 2019, so với 6,2 kg và 17,6 kg năm 2018 và 2017. Con số tăng này đến từ riêng một vụ buôn lậu hơn 500 kg bị phá.
Vụ bắt giữ 500 kg ketamine - số lượng lớn nhất từ trước đến nay - diễn ra ngày 11/5/2019. Cảnh sát TP.HCM thu giữ ở huyện Bình Chánh và bắt nhóm buôn lậu người Trung Quốc đang âm mưu chuyển hàng sang nước thứ ba.
Lượng thuốc phiện bị thu giữ năm 2019 cũng tăng lên 600 kg, so với từ 100-200 kg trong bốn năm trước đó.
Nhưng đồng thời, số liệu thu giữ về một loại chất khác là methamphetamine dạng viên lại giảm xuống 987.913 viên năm 2019, so với 1.363.495 của năm 2018.
Các túi methamphetamine dạng viên bị thu giữ ở tỉnh Ayutthaya, Thái Lan, ngày 26/6/2019. Ảnh: Reuters. |
Việt Nam vẫn là nước trung chuyển nhiều loại ma túy tới các thị trường trong khu vực, theo báo cáo.
Báo cáo của UNODC, công bố tháng 5/2020, dựa vào dữ liệu từ năm 2019 đến quý đầu năm 2020, từ các cơ quan thực thi pháp luật các nước.
Ngoài ra, việc buôn bán các tiền chất cũng là mối lo ngày càng tăng ở Việt Nam. Điển hình, một vụ phát hiện cơ sở bào chế methamphetamine lớn vào tháng 9/2019 tìm thấy 13 tấn hóa chất đã được tuồn ra từ các nguồn ở Việt Nam.
Báo cáo cũng cho biết lượng sản xuất methamphetamine trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Australia, New Zealand tiếp tục lên mức kỷ lục, trong khi giá cả tiếp tục xuống thấp, theo Reuters.
“Trong khi thế giới đang hướng chú ý về đại dịch Covid-19, tất cả dấu hiệu cho thấy sản xuất và buôn lậu ma túy tổng hợp và tiền chất tiếp tục lên mức kỷ lục trong khu vực”, Jeremy Douglas, giám đốc Đông Nam Á của UNODC, cho biết.
Inshik Sim, nhà nghiên cứu chất cấm của UNODC, nói với Reuters các thông tin thu thập được cho thấy giá methamphetamine trên thị trường ở Bangkok, Manila hay các thị trường lớn khác không hề thay đổi, tức “lượng hàng trên thị trưởng không bị ảnh hưởng”.
Buôn bán ma túy đang chuyển dần lên mạng xã hội, giữa các lệnh giới hạn đi lại ở các nước, Phó tổng thư ký Ủy ban Kiểm soát Ma túy Thái Lan Paisith Sungkahapong, cho biết.
"Chúng tôi thấy buôn bán ma túy trực tuyến qua Facebook, Twitter, Instagram có sự gia tăng, và chúng tôi phát hiện nhiều loại thuốc được bí mật vận chuyển qua bưu điện", ông nói.
Xu hướng không bị ảnh hưởng của buôn bán ma túy tại châu Á - Thái Bình Dương tương phản với châu Âu và Bắc Mỹ, nơi các lệnh phong tỏa, kiểm soát biên giới đã làm gián đoạn nguồn cung ma túy, đẩy giá lên cao, theo Reuters.
Khu vực Tam giác Vàng, nơi biên giới Lào, Myanmar, Thái Lan hội tụ, đã không còn là nguồn cung cấp thuốc phiện chính cho cả thế giới sau khi bị thay thế bởi Afghanistan đầu thế kỷ 21. Tuy nhiên, Tam giác Vàng lại trở thành nơi bào chế và xuất khẩu ma túy đá lớn nhất thế giới, tập trung quanh phía bắc của Myanmar.
Trong những năm qua, các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia ngày càng tinh vi và mở rộng bào chế methamphetamine quy mô công nghiệp ở các cơ sở tại phía bắc Myanmar, còn lập thêm mạng lưới phân phối ở Nhật Bản và New Zealand.