Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông góp ý nâng cao chất lượng Giải thưởng Sách Quốc gia. Ảnh: Việt Linh. |
Để nâng cao hơn nữa chất lượng Giải thưởng Sách Quốc gia, Bộ Thông tin & Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức buổi họp thu nhận góp ý về quy chế hoạt động của giải thưởng, về công tác đề cử, chấm giải và trao giải. Hội nghị diễn ra sáng 24/5, tại Hà Nội.
Giải thưởng tôn vinh được nhiều tác phẩm giá trị
Nhìn lại chặng đường đã qua của Giải thưởng Sách Quốc gia, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đánh giá: “Chúng ta đã đi chặng đường rất dài, hơn 5 năm, đạt được những thành tựu nhất định. Giải thưởng Sách Quốc gia đã trở thành một dấu ấn trong lòng người yêu sách”.
Đề nghị tiếp tục tạo điều kiện, đặc biệt là tăng cường kinh phí để Sách Quốc gia trở thành một trong những giải thưởng uy tín hàng đầu trong lĩnh vực văn hóa, khoa học xã hội và nhân văn.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm
Để tiếp tục lan tỏa những giá trị tích cực của sách, thúc đẩy văn hóa đọc phát triển, Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện, đặc biệt là tăng cường kinh phí để Sách Quốc gia trở thành một trong những giải thưởng uy tín hàng đầu trong lĩnh vực văn hóa, khoa học xã hội và nhân văn.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, nhận định giải thưởng có sức lan tỏa trong xã hội, có tác động tích cực đến ngành xuất bản.
Sau năm 5 tổ chức, Giải thưởng Sách Quốc gia đã trao giải cho 139 cuốn sách, bộ sách. Cụ thể, đã có 14 Giải A, 54 Giải B và 71 Giải C. Theo ông Nguyễn Nguyên, ở nước ngoài, các giải thưởng thường trao hai hạng mục là hư cấu và phi hư cấu, trong khi đó, qua từng năm, Giải thưởng Sách Quốc gia đã bao quát được các mảng sách ở đa dạng lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị; khoa học xã hội và nhân văn; khoa học tự nhiên và công nghệ; đến sách văn hóa, văn học và nghệ thuật; sách thiếu nhi.
Ông Hoàng Phong Hà, Phó chủ tịch thường trực Hội Xuất bản Việt Nam, khẳng định công tác chấm giải của Giải thưởng Sách Quốc gia rất chặt chẽ, hội đồng chấm giải bao gồm nhiều chuyên gia đầu ngành, tôn vinh được các tác phẩm giá trị.
Ông Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trung ương, cũng đề cao công tác thẩm định của giải thưởng này. Ông nói: “Ít có giải thưởng nào mà có khoảng 70 chuyên gia các ngành tham gia vào đánh giá qua nhiều vòng chặt chẽ, tạo nên bộ lọc uy tín”.
Chính vì điều này, nhiều tác phẩm, công trình được chọn trao giải mang tính kinh điển, có tính tham khảo cao, hướng đến tương lai, mở rộng biên độ tự do sáng tác.
Ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tâm đắc với những tác phẩm giá trị được Giải thưởng Sách Quốc gia mạnh dạn trao như tập thơ của Trần Vàng Sao. Những quyết định trao giải này làm hài lòng cả giới yêu sách lẫn độc giả đại chúng.
Ông đề nghị Hội Xuất bản Việt Nam và Bộ Thông tin & Truyền thông đề xuất Giải thưởng Sách Quốc gia trở thành một trong những tiêu chuẩn để xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Buổi họp thu hút nhiều chuyên gia trong ngành. Ảnh: Việt Linh. |
Tăng đầu tư để tăng cơ cấu giải thưởng
Tổng kinh phí được phê duyệt từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp để phục vụ công tác chấm giải và giải thưởng là 880 triệu đồng/năm. Bắt đầu từ mùa giải năm 2019, ban tổ chức giải đã huy động được thêm một số doanh nghiệp tài trợ như Tập đoàn Sun Group, Công ty VNG Online…
Từ đó, giá trị tiền thưởng của giải đã được nâng lên cao: Mỗi giải A được 100 triệu đồng, mỗi giải B được 50 triệu đồng, mỗi giải C được 30 triệu đồng. Cơ cấu giải thưởng này tăng khoảng 4 lần so với Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất (năm 2018).
Dù vậy, theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện đề án Giải thưởng Sách Quốc gia của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2021-2022, nguồn kinh phí huy động gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Hội Xuất bản Việt Nam triệt để thực hiện chi tiêu tiết kiệm, đồng thời vận động thêm một số đơn vị ủng hộ công tác chấm và trao giải, từ đó, tạm thời duy trì được mức giải thưởng. Mặc dù vậy, thời gian tới, việc vận động sẽ rất khó khăn.
Ít có giải thưởng nào mà có khoảng 70 chuyên gia các ngành tham gia vào đánh giá qua nhiều vòng chặt chẽ, tạo nên bộ lọc uy tín.
Ông Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng LLPBVHNT TW
Nhằm mục đích lan tỏa giải thưởng rộng rãi hơn, phát triển văn hóa đọc mạnh mẽ hơn, các trưởng ban chấm giải đã đề xuất những ý tưởng như tổ chức tọa đàm giới thiệu tác phẩm, giao lưu tác giả đoạt giải; có nơi trưng bày tác phẩm đoạt giải; tái bản những ấn phẩm đoạt giải cho độc giả dễ tiếp cận; số hóa các tác phẩm đoạt giải...
Ông Nguyễn Nguyên ủng hộ những đề xuất này, dù vậy, ông cho biết hiện tại, ban tổ chức chưa có kinh phí. Ông kêu gọi các quỹ hỗ trợ đầu tư vào văn hóa đọc.
PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng Nhà nước cần chi tiền để phát triển văn hóa: "Chúng ta chú trọng vào kinh tế, điều này rất xác đáng, nhưng văn hóa, văn nghệ cũng rất cần được quan tâm".
Lắng nghe những chia sẻ của các đại biểu, bà Đồng Thị Ngọc Ánh, Phó tổng giám đốc Sun Group và bà Nguyễn Hoàng Thuý Quyên, Giám đốc đối ngoại VNG Online, bày tỏ nguyện vọng được tiếp tục đồng hành cùng Giải thưởng Sách Quốc gia, tiếp tục phát triển văn hóa đọc.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm mong rằng với sự đồng hành của các nhà tài trợ, ban tổ chức có điều kiện để đổi mới, đẩy mạnh quảng bá, cân nhắc in thêm những sách đoạt giải thưởng để đem tặng, phát cho cộng đồng, lan tỏa tri thức.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.