Tăng chiến đấu 'siêu nhanh nhưng quá khổ' của Ấn Độ
Ấn Độ đang tìm cách giảm trọng lượng của xe tăng chiến đấu Arjun MKII để có được khả năng chiến đấu linh hoạt hơn trước các đối thủ tiềm tàng.
Biến thể xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) Arjun MKII của Lục quân Ấn Độ đã được đưa vào giai đoạn thử nghiệm sử dụng và dựa trên cơ sở tăng MK II, Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đang nghiên cứu dự án xe tăng chiến đấu chủ lực lai (FMBT) có trọng tải nhẹ hơn cho xe tăng chiến đấu, Giám đốc DRDO, ông VK Saraswat nói.
Trả lời với các phóng viên, ông Saraswat nói rằng, việc thử nghiệm biến thể MBT Arjun MKII được dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng một năm, sau đó, Bộ Quốc phòng sẽ đặt hàng sản xuất khoảng 300 – 400 xe tăng hiện đại này cho các đơn vị trong quân đội.
Siêu tăng thế hệ mới Arjun MKII của Ấn Độ. |
Nói về xe tăng tương lai FMBT, ông Saraswat tiết lộ, ý tưởng của DRDO sẽ tập trung vào việc giảm trọng lượng xe tăng, bởi hiện nay, các quốc gia như Mỹ, Israel đều đang làm việc để giảm tối đa trọng lượng cho xe tăng chiến đấu của họ.
Trọng lượng nặng của xe tăng sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng cơ động của nó. Do vậy, Ấn Độ đang tìm cách để giảm trọng lượng của FMBT xuống còn 50 tấn.
Siêu tăng Arjun MKII có gì mới?
Theo quan sát sơ bộ, Arjun Mk II được tăng cường thêm giáp phản ứng nổ hình chữ V ở sườn trước tháp pháo để tăng cường lớp giáp phòng thủ thụ động chống lại đạn pháo và tên lửa của đối phương. Ngoài ra, xe tăng cũng được lắp 2 lưỡi gạt mìn ở mũi để có thể hoạt động phá mìn như một phương tiện rà phá đặc chủng của công binh.
Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ DRDO cho biết, xe tăng Arjun Mk II đang được thử nghiệm để kiểm tra những đặc tính của biến thể xe tăng mới sau khi được nâng cấp từ phiên bản đời đầu Arjun Mk I.
Các cuộc thử nghiệm liên tục, đã được bắt đầu từ hôm 23/6/2012, chủ yếu tập trung vào kiểm tra 19 thông số chính, đặc biệt là những tính năng sửa đổi sau khi bị quân đội Ấn Độ chỉ trích nặng nề ở biến thể đời đầu Arjun Mk I.
Sức mạnh vượt trội
Trong số những cải tiến quan trọng sẽ được kiểm tra trong suốt quá trình thử nghiệm là hệ thống ảnh nhiệt nhìn đêm cho chỉ huy xe để thay thế cho khí tài quan sát ban ngày ở phiên bản trước. Với hệ thống quan sát ảnh nhiệt mới, trưởng xe có thể quan sát được cả ban ngày lẫn ban đêm (ở xe tăng Arjun MKI, chỉ có xạ thủ có thể quan sát vào ban đêm). MK II sẽ có khả năng tác chiến cả ngày và đêm.
Tăng Arjun MKII bắn thử nghiệm. |
Theo đó, trong ban đêm, xe tăng Arjun Mk II có thể hoạt động ở chế độ "hunter - killer" (thợ săn - sát thủ), trong đó người chỉ huy đóng vai trò thợ săn và xạ thủ là sát thủ. Chỉ huy xe sẽ quan sát toàn cảnh chiến trường qua hệ thống ảnh nhiệt (TI) mới của xe tăng, sau đó chỉ điểm mục tiêu và phân bổ điện tử chúng tới xạ thủ để phá hủy, đồng thời tiếp tục trở lại săn tìm các mục tiêu khác ngay cả trong điều kiện đêm tối.
Ngoài ra, tăng Arjun Mk II cũng sẽ được thử nghiệm khả năng bắn tên lửa từ nòng pháo. Một hệ thống cảnh báo laser đã được tích hợp vào trên pháo chính. Chùm tia laser của hệ thống sẽ đánh chặn tên lửa bay đến, với thời gian phản ứng cho phép từ 10-15 giây.
Trong khoảng vài mili giây, hệ thống sẽ tự động phóng lựu đạn khói từ các ống phóng ở hai bên tháp pháo, tạo ra một lớp màn che bao quanh xe tăng và làm cho tên lửa bị mất mục tiêu.
Các nâng cấp khác bao gồm một khối công suất phụ trợ tăng cường tạo ra 8,5 kw (từ 4,5 kw) và một nòng pháo cải tiến, thay đổi hệ thống quan sát toàn cảnh của chỉ huy với hệ thống quan sát LRF an toàn, khả năng nhìn đêm cho cả lái xe, sử dụng điều khiển số hóa, ổ đĩa mới, ray và bánh xích.
Vỏ tăng có khả năng chống lại sức công phá của thuốc nổ, khiến cho xe và kíp xe được bảo vệ tốt hơn. Xe cũng được lắp thiết bị phá mìn. Thêm vào đó, vũ khí phòng không trên nó có khả năng bắn từ xa, với góc xoay 360 độ.
Arjun MK2 với lưỡi gạt mìn và giáp phản ứng nổ ERA mới. |
Arjun Mk-2 được bảo vệ đầy đủ bởi giáp phản ứng nổ (ERA) lắp theo cấu trúc tam giác ở phía trước hai bên tháp pháo. Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đang phát triển lại phần tử nổ hiện nay đang sử dụng của Nga để tăng cường khả năng bảo vệ.
Xe tăng Arjun MK II cũng sẽ được tích hợp hệ thống Bảo vệ Chủ động (APS), giúp tránh được các cuộc tấn công bằng cảm biến gây nhiễu hoặc phá hủy các đầu đạn đang bay đến. Ngoài ra, tăng MK II cũng được lắp một lưỡi gạt mìn. Vị trí ghế ngồi của lái xe trên Mk-2 được treo trên sàn xe và tạo ra khả năng bảo vệ tốt hơn so với ghế lái cố định xuống sàn như ở phiên bản trước MK I.
Nhưng... quá nặng
Arjun MK II sẽ vẫn sử dụng động cơ ban đầu của MK II. So với tốc độ tối đa 72 km/h của MKI thì MKII chỉ đạt được tới 58,5 km/h do trọng lượng xe đã tăng lên. Tốc độ này được cho là quá chậm so với yêu cầu chiến đấu trên chiến trường hiện nay. Các chuyên gia quân sự cũng cho rằng MKII "quá nặng" và khả năng linh hoạt có thể bị giới hạn ở những khu vực đồi núi.
Xét một cách tổng quát, những đặc điểm bề ngoài nổi trội của Arjun Mk II bao gồm tháp pháo có phần giống kiểu tháp pháo của xe tăng Altay (Thổ Nhĩ Kỳ) và thân xe khá giống với Leopard 2 của Đức.
Xe tăng Arjun Mk II sẽ cho phép DRDO làm việc trên dự án Xe tăng Chiến đấu Chủ lực Tương lai (FMBT). Ngoài ra, DRDO cũng đang phát triển một động cơ diesel công suất lớn 1.500 mã lực cho xe tăng Arjun và sẽ phát triển một động cơ hybrid 1.500 mã lực cho FMBT.
Với 89 điểm thay đổi (trong đó, 19 điểm cải tiến chính) Arjun Mk II sẽ được xếp vào hàng những chiếc xe tăng chủ lực tốt nhất thế giới.
Thu phương
Theo Infonet