Xe tăng T-34: 70 năm chinh chiến lẫy lừng
Một vài chiếc T-34-76 trong số 250 chiếc đầu tiên cho đến nay “vẫn còn chạy tốt” và xứng đáng được công nhận là một trong những mẫu xe tăng ưu tú nhất trong Thế chiến II.
Xe tăng T-34 được sản xuất từ năm 1940 đến năm 1958. |
Trên thế giới số xe tăng T-34-76 còn lại không quá 7 chiếc. Hai chiếc hiện ngự trong Viện Bảo tàng xe tăng ở Kubinka.
T-34 là một xe tăng hạng trung do Liên Xô sản xuất từ năm 1940 đến năm 1958, chủ yếu được sử dụng trong Chiến tranh Xô-Đức (1941-1945). T-34 được đánh giá là loại xe tăng hiệu quả nhất trong Chiến tranh thế giới thứ II. Đó là một trong những loại xe tăng có sự phối hợp tốt nhất giữa tính năng bảo vệ, tính cơ động, hoả lực, độ tin cậy và khả năng bảo trì. Nó cũng là một trong những mẫu thiết kế xe tăng có thời hạn phục vụ lâu nhất, với việc một số chiếc hiện vẫn còn được sử dụng. Nguyên mẫu đầu tiên của T-34 được hoàn tất vào đầu năm 1939. Tháng 9 năm 1940, T-34 được đưa vào sản xuất và được trang bị pháo 76 mm.
Mẫu xe tăng T-34-76 sản xuất năm 1943. |
Giá trị cao nhất của T-34 là thiết kế đơn giản, chế tạo rất dễ dàng và dễ sửa chữa. Trong Thế chiến II, có nhiều trường hợp xe tăng T-34 bị bắn bay mất tháp pháo, sau đó được lắp tháp pháo còn nguyên vẹn lấy từ các xe tăng bị hư hại khác và lại tham gia chiến đấu. Tốc độ của T-34 cũng là một lợi thế so với các xe tăng Đức: Tốc độ tối đa trung bình của các xe tăng Đức vào khoảng 40 km/h, trong khi tốc độ tối đa của T-34 khoảng 50 km/h. Vỏ thép nghiêng cũng giúp cho T-34 chống trả hữu hiệu đạn pháo Đức.
Ưu điểm lớn nhất của xe T-34 chính là dễ sản xuất. Thành phố Cheliabinsk tại vùng núi Ural Nga là nơi sản xuất chính loại xe tăng này và sản xuất nhiều đến nỗi thành phố này được gọi là Tankograd (thành phố xe tăng). T-34 là loại xe tăng chủ lực của Liên Xô trong Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Nó là loại xe tăng được sản xuất nhiều nhất trong Chiến tranh thế giới thứ II và là xe tăng sản xuất nhiều thứ nhì trên thế giới, chỉ đứng sau dòng T-54/55. Đến tận năm 1996, xe tăng T-34 vẫn còn trang bị cho ít nhất 27 quốc gia trên thế giới.
Xe tăng T-34 liên tục được cải tiến trong suốt cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Đầu năm 1944, T-34 được trang bị pháo 85 mm hỏa lực mạnh hơn, cho phép nó trở thành đối thủ “ngang tài, ngang sức” với loại xe tăng “Con cọp” (Tiger) của Đức ở mặt trận phía Đông.
Đầu năm 1944, T-34 được trang bị pháo 85 mm hỏa lực mạnh hơn. |
Đến cuối năm 1945, hơn 57.000 chiếc xe tăng T-34 đã được sản xuất, trong đó 34.780 chiếc T-34 ra lò trong các năm 1940–44 và 22.559 xe tăng T-34-85 được sản xuất trong hai năm 1944-45. Cơ sở sản xuất nhiều xe tăng T-34 nhất là Nhà máy số 183 của UTZ với sản lượng 28.952 chiếc T-34 và T-34-85 từ năm 1941 đến năm 1945. Đứng thứ hai là Nhà máy số 112 của Krasnoye Sormovo tại Gorki với sản lượng 12.604 chiếc trong cùng thời gian.
Ước tính có tổng cộng 84.070 xe tăng T-34 cộng với 13.170 pháo tự hành đặt trên thân xe T-34 được chế tạo.
Xe tăng "Con cọp" (Tiger IV) của Đức quốc xã. |
Tuy không hiện đại bằng các loại xe tăng “Con cọp” (Tiger IV) và “Báo đen” (Panther VD) đời mới nhất của quân đội Đức quốc xã, nhưng do áp đảo tuyệt đối về số lượng và lối đánh giáp lá cà “một đổi một” của các chiến sĩ xe tăng Hồng quân Liên Xô, xe tăng T-34 hoàn toàn làm chủ trên mặt trận phía Đông.
Số lượng xe tăng T-34 được sản xuất hàng loạt nhiều gấp 7 lần tổng số xe tăng “Con cọp” và “Con báo”. Trong ảnh xe tăng "Báo đen" (Panther VD) của Đức quốc xã. |
Các chuyên gia quân sự thế giới đã tổng kết rằng trong hai năm 1944 và 1945, số lượng tăng T-34 được sản xuất hàng loạt nhiều gấp 7 lần tổng số xe tăng “Con cọp” và “Con báo” mà Đức quốc xã sản xuất cho cả hai mặt trận phía Đông và phía Tây.
Theo Đất Việt