Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Tảng băng chìm' gián điệp Nga khiến châu Âu mất ăn mất ngủ

Hoạt động ngày càng gia tăng của tình báo Nga đang trở thành mối đe dọa an ninh lớn cho châu Âu, trong bối cảnh cơ quan phản gián nhiều nước không có đủ khả năng đối phó.

nga tan cong ukraine anh 1

"Tôi đã báo với Moscow cậu là một tay rất khá. Moscow quyết định cậu có thể làm 'thợ săn'", đó là những gì Sergey Solomasov nói với Bohus Garbar.

Trên danh nghĩa, Solomasov là phó tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Nga ở Bratislava, Slovakia. Dưới vỏ bọc ấy, Solomanov là đặc vụ ngầm làm việc cho Cơ quan Tình báo Quân sự Nga (GRU), còn Garbar là nguồn tin của Moscow tại Slovakia.

Nhưng gián điệp người Nga đã nhầm. Garbar không bao giờ có cơ hội làm kẻ đi săn, mà luôn là con mồi bị săn đuổi. Tình báo Slovakia đã quay phim toàn bộ cuộc gặp giữa hai người.

Hôm 14/3, Solomasov bị trục xuất khỏi Slovakia, cùng hai công dân Nga khác, "vì hành động trái với Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao".

Là blogger nổi tiếng, nắm trong tay nhiều mối quan hệ, nhưng thực chất Garbar chỉ là một mục tiêu giá trị thấp trong mạng lưới tình báo mà Solomasov xây dựng.

Tại Slovakia, gián điệp người Nga đã tuyển được một số nhân vật có máu mặt, gồm một đại tá quân đội và một quan chức cấp cao thuộc cơ quan phản gián, theo Financial Times.

Ổ gián điệp Nga

Từ sau khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine nổ ra làm đảo lộn trật tự an ninh châu Âu, việc theo dõi và săn lùng hoạt động gián điệp Nga ngày càng trở thành một nhiệm vụ cấp thiết đối với các cơ quan tình báo ở lục địa già.

Với nhiều nước, đối phó tình báo Nga tiếp tục là chơi trò đuổi bắt không có hồi kết.

"Những gì chúng ta đã biết về hoạt động của họ gần như chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Suốt nhiều năm qua, giới chức phương Tây ngần ngại nói về hoạt động của Nga, thậm chí cả việc săn lùng gián điệp", Keir Giles, chuyên gia Viện Nghiên cứu Chatham, nói.

Ít nhất 8 quan chức tình báo và ngoại giao đương nhiệm của châu Âu thừa nhận các hoạt động bí mật của Nga tại châu Âu đã mở rộng với tốc độ khiến các cơ quan phản gián phải rất khó khăn để bắt kịp.

Nhiều nước châu Âu lúc này vẫn dựa vào nguồn tin có được từ tình báo Anh và Mỹ, do các chính phủ bị giới hạn trong quy định giám sát công dân của mình, cũng như thiếu nguồn lực.

Kể từ đầu tháng 3, hàng loạt quốc gia châu Âu trục xuất người Nga với cáo buộc hoạt động gián điệp, ngoài Slovakia còn có Lithuania, Litva, Estonia, Bulgaria.

nga tan cong ukraine anh 2

Đại sứ Nga tại Ba Lan Sergey Andreyev trả lời phỏng vấn sau khi 45 nhân viên ngoại giao Nga bị trục xuất. Ảnh: AFP.

Mới nhất, Ba Lan tuyên bố trục xuất 45 nhân viên ngoại giao Nga, cáo buộc những người này lợi dụng chức vụ cán bộ ngoại giao để hoạt động tình báo.

Một số nước, mà Anh là ví dụ, tự tin tuyên bố đã giảm số gián điệp Nga ở nước mình xuống chỉ một con số.

Tuy nhiên, hàng loạt quốc gia châu Âu tiếp tục đối mặt đe dọa đáng kể từ tình báo Nga. Theo đánh giá của một quan chức an ninh châu Âu, số gián điệp Nga cài cắm ở Đức, Pháp và Bỉ lên đến hàng chục.

Áo, quốc gia trung lập tại châu Âu, được coi là cái ổ cho hoạt động ngầm của tình báo Nga.

Cơ quan Tình báo Trung ương Áo (BFV) được cho là bị xâm nhập đến mức đã có thời gian BFV bị gạt khỏi các chương trình trao đổi thông tin với phần còn lại của châu Âu, một quan chức ngoại giao châu Âu ở Vienna nói.

Quan chức này này thậm chí cho rằng Bộ Quốc phòng Áo không khác gì một bộ phận của GRU.

Áo là một trong những quốc gia châu Âu vướng nhiều bê bối về tham nhũng nhất trong vài năm trở lại đây.

Một quan chức Văn phòng Thủ tướng Áo cho biết Vienna sẽ không đưa ra bình luận về các cáo buộc nặc danh. Tuy nhiên, quan chức này thừa nhận chính phủ Áo đang đẩy mạnh làm trong sạch hóa các cơ quan an ninh.

Hé lộ quy mô tình báo Nga ở châu Âu

Hàng loạt đường dây gián điệp bị khui ra ánh sáng những năm qua đã dần hé lộ quy mô hoạt động và mức độ xâm nhập của tình báo Nga ở lục địa già.

"Chúng ta bắt đầu chứng kiến các chính phủ châu Âu công khai nhìn vào thực tế đang xảy ra. Các nền dân chủ sẽ không thể tự vệ trước các mối đe dọa nếu đại bộ phận cử tri không biết rõ về hiểm họa", ông Giles nói.

Trong cuộc phỏng vấn hồi năm 2021, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Pháp Bernard Bajolet thừa nhận Nga từng có một điệp viên là cố vấn thân cận cho Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian năm 2017, theo Financial Times. Ông Le Drian hiện là bộ trưởng Ngoại giao Pháp.

Tháng 7/2020, nhà chức trách Đan Mạch phát hiện Nga âm mưu đánh cắp bí mật công nghệ năng lượng.

Tháng 8/2020, một trung tá Pháp làm việc tại bộ chỉ huy hải quân của NATO ở Naples, Italy bị bắt với cáo buộc chuyển giao tài liệu mật của NATO cho GRU.

Cuối năm 2020, nhà chức trách Hà Lan trục xuất 2 nhân viên ngoại giao Nga hoạt động gián điệp với cáo buộc đánh cắp công nghệ nano và AI từ các công ty Hà Lan.

Tháng 3/2021, Bulgaria bắt 6 công dân nước mình, trong đó có cựu Giám đốc Tình báo Quân đội Ivan Iliev và một số nhân viên Bộ Quốc phòng, vì chuyển giao tài liệu mật cho Moscow.

nga tan cong ukraine anh 3

Walter Biot, người bị Italy bắt giữ với cáo buộc bán bí mật quân sự cho GRU. Ảnh: BBC.

Cũng trong thời gian này, Italy bắt giữ đại úy hải quân Walter Biot vì bán bí mật quân sự cho GRU. Phiên tòa xử Biot bắt đầu tuần trước.

Tháng 6/2021, an ninh Đức bắt giữ nhà khoa học người Nga biệt danh "Ilnur N" với cáo buộc ăn cắp bí mật hàng không và công nghệ tên lửa từ trung tâm nghiên cứu Augsburg.

Chỉ 3 tháng sau, Đức tiếp tục bắt giữ một nhân viên an ninh của Quốc hội. Người này bị cáo buộc bán tài liệu thiết kế an ninh của tòa nhà Quốc hội Đức cho GRU.

Mới đây nhất, Ba Lan trục xuất 45 nhân viên ngoại giao Nga hôm 23/3. Số nhân viên ngoại giao bị trục xuất bằng một nửa nhân sự Đại sứ quán Nga tại Warsaw, theo Al Jazeera. Ngoài ra, Ba Lan tuyên bố cũng bắt giữ những người cộng tác với điệp viên Nga, trong số này có nhân viên cơ quan lưu trữ của chính phủ Ba Lan.

Ba loại gián điệp Nga ở châu Âu

Nga có khoảng 400.000 nhân viên làm việc tại 3 cơ quan tình báo chính gồm Cơ quan tình báo quân đội (GRU), Cơ quan an ninh liên bang (FSB) và Cơ quan tình báo nước ngoài (SVR).

GRU tham gia chủ yếu vào nhiệm vụ tại các nước NATO, lĩnh vực công nghệ quốc phòng, hoạt động lật đổ và tấn công phá hoại.

FSB tập trung hoạt động tình báo trong nước, tuy nhiên cũng tham gia thu thập thông tin tình báo từ các nước láng giềng gần Nga, trong đó có Ukraine.

Trong khi đó, SVR có nhiệm vụ chủ yếu là thu thập thông tin tình báo từ nước ngoài.

Giới chức phương Tây cho biết có 3 loại gián điệp đặc trưng của Nga hoạt động ở châu Âu.

Loại thứ nhất là tình báo công khai, làm việc với danh nghĩa tùy viên quốc phòng tại các đại sứ quán Nga ở nước ngoài. Nhân sự này do GRU đảm nhiệm.

nga tan cong ukraine anh 4

Một người bị bắt ở Ba Lan vì nghi hoạt động gián điệp cho Nga. Ảnh: Reuters.

Loại thứ hai là tình báo không công khai, có thể là nhân viên của SVR cải trang tham gia các phái đoàn thương mại.

Loại cuối cùng là điệp viên nằm vùng, chui sâu vào hệ thống của đối phương, hoạt động bất hợp pháp.

"Có rất ít điệp viên thuộc loại thứ ba. Trong số 100 người tham gia chương trình đào tạo hoạt động xâm nhập sâu của SVR, chỉ vài người tốt nghiệp", một quan chức châu Âu nói.

Theo dấu hoạt động ngầm của Nga là một thách thức lớn, ngay cả khi các cơ quan phản gián châu Âu đã biết mục tiêu của họ là gì.

"Cần có một chiến dịch phản gián trong và ngoài nước phối hợp nhịp nhàng để ngăn chặn hoạt động của tình báo Nga. Nhiều cơ quan an ninh tại châu Âu không có khả năng này", Gustav Gressel, chuyên gia tổ chức tư vấn chính sách European Council for Foreign Relations, nhận định.

Trục xuất gián điệp hay đánh sập mạng lưới tình báo Nga chỉ là một trong các công cụ mà giới chức an ninh châu Âu nhắm đến. Một quan chức cho biết phần thưởng lớn hơn là khiến các gián điệp Nga đổi phe, mớm cho Moscow thông tin sai sự thật.

"Tấn công thường là cách phòng thủ tốt nhất, đặc biệt khi tình hình tồi tệ như lúc này. Đây có thể là thời điểm thích hợp để chiêu mộ gián điệp chống lại Nga", một quan chức an ninh châu Âu cho biết.

NATO bố trí lực lượng tăng cường ở cửa ngõ Đông Âu ra sao?

Trong số những nước được bổ sung các nhóm chiến đấu, Ba Lan - quốc gia có đường biên giới dài với Ukraine, có đông lực lượng chiến đấu nhất.

'Ông trùm niken' Trung Quốc điêu đứng vì khủng hoảng ở Ukraine

Các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã đẩy giá niken cao kỷ lục, khiến "ông trùm niken" Trung Quốc chịu lỗ hàng tỷ USD.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm