Tsingshan Holdings Group của "ông trùm niken" Xiang Guangda bất ngờ nợ hàng tỷ USD sau khi Nga tấn công Ukraine. Các báo cáo ước tính Tsingshan đang nắm giữ ít nhất 100.000 tấn niken, theo AFP.
Nga vốn là một trong những nhà sản xuất quặng niken - một thành phần chính của pin cho xe điện - lớn nhất thế giới. Nhưng khi phương Tây công bố những biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga, giá kim loại này đã tăng vọt lên mức kỷ lục, trên 100.000 USD/tấn.
Mức giá này khiến toàn bộ ngành kim loại chao đảo, buộc Sàn giao dịch Kim loại London (LME) 145 năm tuổi phải tạm ngừng trong một tuần, khiến các nhà sản xuất phụ thuộc vào niken phải chật vật giải quyết mức chi phí tăng đột biến.
Giá niken đã tăng vọt lên hơn 100.000 USD/tấn sau khi Nga tấn công Ukraine. Ảnh: AFP. |
Tsingshan, nhà sản xuất niken lớn nhất thế giới, buộc phải mua lại một số lượng lớn các hợp đồng niken chưa giao với giá cao hơn để giảm rủi ro tài chính.
Một bài báo của Bloomberg ước tính việc mua lại phần nào dẫn đến khoản lỗ 8 tỷ USD, khiến công ty có thể cần một gói cứu trợ từ các nhà chức trách Trung Quốc. "Xiang là một người khôn ngoan, nhưng ông đã mất cảnh giác với vấn đề Nga", Li Bin, một nhà kinh doanh niken ở Thượng Hải nêu quan điểm.
Ông trùm tự thân
Thị trường niken, vật liệu thiết yếu để sản xuất pin cho xe điện và một hợp kim quan trọng bằng thép không gỉ, bị thống trị bởi một số ít công ty. Số đó bao gồm Tsingshan, có trụ sở chính ở phía đông của Trung Quốc.
Việc làm ăn của ông Xiang Guangda lao đao khi thế giới áp cấm vận lên Nga. Ảnh: Tsingshan Holdings. |
Công ty do Xiang, một tỷ phú tự thân, thành lập. Ông được các nhà kinh doanh niken Trung Quốc gọi là “vua niken”.
Xiang ban đầu vốn là thợ cơ khí trong một công ty thủy sản trong nước, nhưng giờ đã sở hữu hai trung tâm sản xuất niken lớn ở Indonesia, bao gồm khu công nghiệp Morowali rộng 2.000 ha với 44.000 công nhân và sân bay riêng. Trung tâm này được coi là sự đảm bảo để cung cấp quặng giá rẻ cho các lò luyện của Tsingshan ở Trung Quốc.
Sau khi các lệnh trừng phạt lên Nga được công bố, Tsingshan - nhà sản xuất niken lớn nhất thế giới - đứng trước thế khó: Hoặc phải trả hết nợ hợp đồng, hoặc phải chứng minh họ có đủ niken để giao theo các hợp đồng đã được ký trước đó.
"Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ động thái tiếp theo của Tsingshan vì những rủi ro chao đảo thị trường", Li Bin, nhà kinh doanh niken ở Thượng Hải cho biết.
Một mỏ khai thác niken ở Sulawesi, Indonesia. Ảnh: Reuters. |
Bắc Kinh sẽ giải cứu?
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc, bao gồm trang tin tức tài chính Yicai, trích dẫn các nguồn thạo tin nói Bắc Kinh có thể can thiệp để giải cứu Tsingshan.
Đã có các cuộc thảo luận về việc cho phép Tsingshan đổi sản phẩm niken cấp thấp không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của LME để lấy niken tinh khiết hơn trong kho dự trữ của nhà nước, nhằm giúp công ty này có thể giải quyết các khoản nợ của mình, Yicai thông tin.
Theo số liệu chính thức, Trung Quốc có khoảng 100.000 tấn niken trong kho dự trữ nhà nước.
Trước cuộc khủng hoảng, ông Xiang đã có một số bước chuyển đổi thị trường. Đáng chú ý nhất là vào năm 2018, ông rao bán khối lượng lớn gang niken, một sản phẩm thay thế giá rẻ cho niken nguyên chất, có thể được sử dụng để sản xuất thép không gỉ.
“Ông ấy luôn cố giảm giá thành vì chi phí sản xuất công ty ông ấy ở Indonesia thấp, khoảng 10.000 USD/tấn”, một cựu nhân viên tại Tsingshan giấu tên cho biết.
Vào ngày 14/3, Tsingshan cho biết họ đạt được thỏa thuận với các ngân hàng để giữ duy trì vị thế của công ty trên thị trường niken.
Dây chuyền sản xuất tại nhà máy pin lithium dùng cho ôtô, ở Đường Sơn, Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Theo ông Li, điều đó có thể gây ảnh hưởng hơn nữa đến LME, dẫn tới giá niken tiếp tục bấp bênh, đồng thời tạo ra thách thức cho các nhà sản xuất pin cho ôtô điện.
Khi giao dịch niken tiếp tục vào tuần trước, giá giảm xuống còn khoảng 37.200 USD/tấn, nhưng vẫn cao hơn 50% so với tháng 2.
Các nhà sản xuất xe điện bao gồm Tesla và 20 đối thủ Trung Quốc khác như Xpeng và BYD đều bị ảnh hưởng bởi giá niken tăng cao. Những công ty này đều tăng giá xe trong hai tuần qua với lý do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng.
“Những cú sốc về giá cả và nguồn cung đã thúc đẩy các nhà sản xuất pin lớn tìm kiếm các kim loại thay thế”, Susan Zou, nhà phân tích kim loại cấp cao của Rystad Energy, nói.