Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đưa dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) ra lấy ý kiến với nhiều nội dung quan trọng liên quan tới người lao động và tiền lương của người lao động.
Đặc biệt, trong dự thảo lần này có đề xuất về việc mở rộng khung thỏa thuận về thời gian làm thêm tối đa của người lao động trong các trường hợp đặc biệt.
Tăng giờ làm thêm để đảm bảo quyền làm việc, nâng thu nhập
Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm. Trong trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm tối đa 300 giờ/năm.
Bộ LĐ-TBXH cho biết đã nhận được nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp, hiệp hội, nhà đầu tư nước ngoài cho rằng giới hạn làm thêm giờ tối đa theo tháng, năm hiện nay đang ở mức thấp, và đề xuất sửa đổi quy định này để bảo đảm quyền làm việc và nâng cao thu nhập cho người lao động, đồng thời đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ước tính việc tăng thời gian làm thêm tối đa từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm sẽ giúp thu nhập người lao động cải thiện thêm 5,4%. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ngoài ra, việc khống chế số giờ làm thêm thấp hơn tiêu chuẩn các nhãn hàng/người mua đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp gia công hàng xuất khẩu.
Các doanh nghiệp dệt may, da giày, thủy sản, lắp ráp linh kiện điện tử... thường phải tổ chức làm thêm giờ trong những tháng cao điểm để hoàn thành tiến độ đơn hàng. Điều này dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật trong nước về giới hạn làm thêm giờ trong khi chưa vi phạm tiêu chuẩn của nhãn hàng.
Thực tế, để tăng thu nhập nhiều lao động khi hết giờ làm việc chính thức và giờ làm thêm theo quy định đã chuyển sang làm thêm cho doanh nghiệp khác.
Trong khi thời gian làm việc ở doanh nghiệp khác chỉ được hưởng lương tiêu chuẩn (100% tiền lương) thay vì được hưởng lương làm thêm giờ (ít nhất bằng 150%) ở doanh nghiệp cũ.
Vì vậy, Bộ LĐ-TBXH đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm).
Thu nhập người lao động sẽ tăng ít nhất 5,4%
Theo tính toán, trong trường hợp đề xuất trên của Bộ LĐ-TBXH được thông qua, người lao động làm thêm đủ số giờ tối đa 400 giờ/năm (33 giờ/tháng) không tính ngày nghỉ và ngày lễ sẽ tăng thêm ít nhất 5,4% thu nhập so với việc duy trì chế độ làm thêm 300 giờ/năm (25 giờ/tháng).
Bộ LĐ-TBXH dẫn số liệu các nước có thu nhập bình quân đầu người dưới 20.000 USD thì thời giờ làm việc của người lao động là từ 1.600-2.400 giờ/năm; các nước có thu nhập bình quân đầu người từ 20.000-40.000 USD thì thời giờ làm việc là từ 1.600-2.300 giờ/năm; còn các nước có thu nhập bình quân đầu người trên 40.000 USD thì thời giờ làm việc là từ 1.400-1.800 giờ/năm.
Như tại Na Uy, nước có GDP/giờ làm việc trên 100 USD, người lao động chỉ làm việc 1.400 giờ/năm, ngược lại các nước năng suất thấp (dưới 20 USD/giờ) như Campuchia, Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia… thời gian làm việc của người lao động phải từ 2.000-2.400 giờ/năm.
Vì vậy, với thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình thấp tại Việt Nam (2.340 USD năm 2017 theo Worldbank), nhu cầu mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ là có thực để tăng thu nhập, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, để hạn chế việc tăng giờ làm thêm ảnh hưởng tới thể chất, sức khỏe người lao động, đặc biệt, có thể gây ra thiếu việc làm, Bộ LĐ-TBXH cũng quy định rõ về chế độ làm thêm và lương người lao động nhận được khi làm thêm.
Theo đó, tiền lương làm thêm giờ phải cao hơn tiền lương giờ làm việc tiêu chuẩn, ít nhất bằng 150% nếu làm thêm giờ vào ngày thường, 200% nếu làm việc vào ngày nghỉ hàng tuần và 300% nếu làm việc vào ngày nghỉ lễ, Tết.
Ngoài ra, trong mọi trường hợp làm thêm giờ, doanh nghiệp phải thỏa thuận với người lao động và chỉ khi được sự đồng ý của người lao động thì mới được huy động làm thêm giờ. Và người lao động làm việc theo ca cũng sẽ được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác.