Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tấn trò đời' và khát vọng chinh phục thế giới

Trong sách "Ba bậc thầy", Stefan Zweig cho rằng Honoré de Balzac noi theo tấm gương Napoleon, ấp ủ khát vọng chinh phục thế giới. "Tấn trò đời" là hiện thân tư tưởng của ông.

Balzac tìm cách đơn giản hóa thế gian này nhằm bắt nó quy phục sự thống trị của mình, và để giam cầm nó trong những bức tường nhà ngục nguy nga mà ông gây dựng nên, La Comédie Humaine (Tấn trò đời).

Nhờ quá trình chưng cất, nhân vật của ông trở nên điển hình, lúc nào cũng là phiên bản tóm lược của số đông mà người nghệ sỹ kiên định ấy đã cắt tỉa mọi thứ vụn vặt hay thừa thãi. Xúc cảm chân thành là động lực, mẫu hình không pha tạp là vai diễn, thực tế không che đậy là tấm màn sân khấu, dành cho La Comédie Humaine. Ông dồn hết tâm huyết, bởi ông còn phải chỉnh lý hệ thống quản trị tập trung ấy cho phù hợp với đích văn chương.

Tan tro doi anh 1

Tranh Napoléon trên lưng ngựa tại Đèo St Bernard. Nguồn: Jacques-Louis David.

Hệt như Napoleon, ông giam cầm thế gian vào trong đường biên nước Pháp, rồi biến Paris thành cái rốn vũ trụ. Trong quỹ đạo ấy và ngay trong chính Paris, ông lại vẽ tiếp bao ranh giới khác; cái thì xoay quanh đám quý tộc, cái thì bao trùm giới giáo sỹ; còn thì vây lấy tầng lớp lao động, nhà thơ, nghệ sỹ, người làm khoa học...

Cả năm chục gian salon quý tộc được gói gọn thành một salon dưới sự coi sóc của vị chủ tọa đại tài - Nữ công tước xứ Cadignan. Cả trăm ông chủ nhà băng đủ thể loại cô đọng thành Nam tước xứ Nucingen; vô số kẻ cho vay nặng lãi được nhào nặn thành gã Gobseck; từ bao vị bác sĩ, tạo nên hình tượng Horace Bianchon.

Trong tiểu thuyết của ông, hết thảy những con người này sinh sống trong những khu phố san sát nhau hơn đời thực, bọn họ va chạm với nhau thường xuyên hơn, tranh đấu với nhau kịch liệt hơn.

Ở đời thực ta tìm thấy cả nghìn kiểu người khác nhau, thì trong tiểu thuyết của ông, ta phải bằng lòng với một hình mẫu chung. Ông không chấp nhận thể loại pha tạp. Thế giới của ông nghèo nàn hơn đời thực; nhưng nó mãnh liệt hơn. Bởi các nhân vật của ông là sản phẩm chưng cất; những tham vọng ông miêu tả là thành tố tinh khiết; tấn kịch ông gây dựng ở trạng thái ngưng tụ.

Hệt như Napoleon, ông khai màn bằng cuộc chinh phục Paris. Rồi mới bắt đầu chinh phục nước Pháp, hết tỉnh lỵ này đến tỉnh lỵ khác. Cứ như thể, mọi ban bệ đều gửi đại diện đến chốn nghị trường của Balzac.

Rồi lại như vị Tổng tài Bonaparte bách chiến bách thắng, ông tung đội quân của mình ra khắp vùng biên viễn để thâm nhập vào những miền đất xa lạ. Người của ông tiến tới vùng vịnh hẹp dốc đứng ở Na Uy, những cao nguyên nắng cháy của Tây Ban Nha; bọn họ hạ trại dưới vùng trời đỏ lửa Ai Cập, hay phải triệt thoái và buộc phải vượt qua những dòng sông băng Beresina.

Niềm thôi thúc chinh phục thế giới đưa ông tới muôn nơi, hệt như chính động cơ đã thúc đẩy con người mà ông noi đặt chân tới cùng trời cuối đất. Mà cũng giống như Napoleon, khi có chút thời gian thư thái giữa hai chiến dịch, là bắt tay vào soạn thảo bộ luật Dân sự, Balzac cũng vậy, chọn quãng nghỉ ngơi chốc lát sau những cuộc chinh phục trong La Comédie humaine, để cho ra đời bộ luật Luân lý cho tình yêu và hôn nhân, bằng phong cách hài hước và vui nhộn của Les cent contes drolatiques (tạm dịch: Trăm câu chuyện cười).

Hành trình rong ruổi đưa ông đến chốn trú ngụ của cảnh khốn cùng, đến mái nhà liêu xiêu của bọn tá điền; từ đó ông sải bước đến với lâu đài nguy nga ở Saint-Germain, rồi thâm nhập vào cả tư dinh của Napoleon. Bất cứ nơi đâu ông đặt chân tới, ông đều vén bức bàn bí mật, để phơi bày những bí mật trong gian buồng kín như bưng ấy.

Ông dừng chân bên cạnh đám lính dưới túp lều bạt ở Brittany; ông thử tìm vận may tại sở chứng khoán; lén lén nhìn ra đằng sau tấm màn sân khấu; soi mói vào công việc của giới học thức. Cặp mắt ma thuật của ông xoáy sâu vào mọi ngóc ngách xó xỉnh.

Đạo quân ông tập hợp lên đến hai ba nghìn người, những kẻ ông phù phép ra. Họ trần trụi khi được triệu hồi từ cõi hư vô: mà đấng nhào nặn quẳng lên người họ vài manh áo; trao cho họ tước vị và của cải, như Napoleon làm thế với những vị nguyên soái của mình. Nếu muốn, ông có thể tước đoạt hết mọi thứ ông ban tặng cho họ; ông đùa bỡn bọn họ, xô đẩy bọn họ đến chỗ kình nhau. Biến cố chất chồng trước mắt ta trên trang sách; ta chứng kiến vô vàn khung cảnh đóng vai trò làm nền.

Cuộc chinh phục thế gian trong La Comédie Humaine là độc nhất vô nhị trong lịch sử văn chương hệt như cuộc chinh phục Napoleon trong lịch sử cận đại; tưởng như Balzac tóm gọn toàn bộ cuộc đời trong lòng bàn tay. Hồi còn nhỏ ông ước ao chế ngự cõi đời này, và còn gì thuyết phục hơn khi thấy quyết tâm thủa thiếu thời đương dần thành hiện thực. Câu ông viết dưới bức chân dung Napoleon đâu phải lời nói suông trong trường hợp này: “Ce qu’il n’a pu achever par l’épée je l’accomplirai par la plume" ("Những gì ông ta không thể đạt được với thanh gươm, ta sẽ hoàn thành bằng cây bút").

Stefan Zweig / NXB Tri Thức

SÁCH HAY